Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:51, 21/08/2015

(HNM) - Gần gũi và luôn tận tụy với công việc là nhận xét của nhiều người khi nói về bà Nguyễn Thị Cử, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai.


Giỏi việc nước, đảm việc nhà

Bước vào khu vườn nằm trên tầng thượng của gia đình bà Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Giáp Bát, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước một không gian xanh mướt của các loại cây rau, củ quả. Trên diện tích khoảng gần 50m2, bà Cử sắp đặt những hộp xốp theo hàng lối ngay ngắn trồng các loại rau cải, mùng tơi, rau đay, rau muống, rau gia vị... Ở một góc khác của khu vườn mi ni này có cả giàn mướp và một số loại cây dược liệu có ích cho sức khỏe con người.

Năm nay đã bước sang tuổi 67, bà Nguyễn Thị Cử vẫn luôn hăng say với công việc tập thể.


Bà Cử cho biết: "Kể từ khi trồng được rau xanh cho bữa cơm gia đình, tôi thấy an tâm hơn. Hồi trước, cứ mỗi lần ra chợ tôi lại băn khoăn vì tình trạng rau củ quả không an toàn". Vậy là bà khuyến khích mọi thành viên trong gia đình cùng làm vườn: "Làm vườn vừa có rau sạch để dùng, vừa rèn luyện sức khỏe và hơn hết là làm cho môi trường trong chính gia đình mình được trong lành". Khu vườn nhà bà Cử là một trong nhiều "vườn treo" ở phường Giáp Bát được hình thành từ việc tận dụng các khoảng không gian trống như ban công, gác thượng, sân phơi... trong mỗi gia đình để trồng các loại rau mầm, rau sạch, trồng hoa, cây cảnh...

Việc làm kể trên nằm trong chương trình hoạt động của CLB Sống xanh, sạch do chính bà Cử làm Chủ nhiệm. Khi mới thành lập vào năm 2009, các thành viên trong ban chủ nhiệm đã phát động trong hội viên tích cực trồng cây xanh trong gia đình và trên các tuyến phố trong khu dân cư. Bà Phùng Thị Lương, nhà ở ven hồ Kim Đồng, nhớ lại: "Biết tin thành lập CLB chị em chúng tôi hồ hởi lắm! Ngoài trồng cây xanh trong nhà, tôi đã trồng một cây đa để lấy bóng mát, giờ còn nhân giống ra nhiều nơi khác nữa". Bà Lương cùng nhiều hộ dân trong khu Tập thể Công an bên ven hồ đã trồng, chăm sóc hàng chục cây xanh và nay đã tỏa bóng mát. "Ngoài trồng cây xanh, nhóm phụ nữ ở khu phố còn triển khai việc tự quản do Hội Phụ nữ phường phát động. Vì thế mà hè đường phố nơi đây luôn thông thoáng, xanh sạch, là nơi vui chơi lý tưởng cho trẻ nhỏ mỗi khi chiều đến" - bà Lương nói thêm.

Hiện nay, CLB đã thu hút khoảng 400 hội viên, chia thành 26 nhóm sống xanh tự quản, với mục tiêu: "Xanh nhà, xanh cộng đồng và thực hiện sống sạch, hạn chế sử dụng túi nilong". Để làm được điều này, bà Cử đã tích cực phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn chuyển giao cho chị em về kỹ thuật trồng rau, cách làm phân, làm thuốc trừ sâu hữu cơ để chăm sóc cây trồng. Kể về những việc làm của hội viên phụ nữ trong phường, bà Cử cười hiền: "Nhiều người đã ví các thành viên trong CLB Sống xanh, sạch như những nông dân thực thụ giữa chốn thị thành. Chúng tôi tự hào vì đã tạo ra thực phẩm sạch trong bữa cơm, thậm chí một số chị em còn cung cấp ra bên ngoài cho người thân quen".

Thêm một việc làm thiết thực khác của CLB là vận động hội viên thực hiện tốt việc phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại gia đình. Theo đó, các loại rác hữu cơ sẽ được chị em phụ nữ ủ làm phân bón cho chính vườn rau trong nhà mình. "Chiều thứ sáu và sáng thứ bảy toàn bộ hội viên sẽ làm tổng vệ sinh ngõ phố, khơi thông cống rãnh, trong đó tập trung ở khu vui chơi xung quanh hồ Kim Đồng; xóa, bóc gỡ quảng cáo rao vặt..." - bà Cử cho biết. Anh Trần Văn Thanh, một người dân sống gần hồ Giáp Bát, nói: "Nhờ sự tận tụy của chị Cử cùng các hội viên phụ nữ mà khu dân cư ở đây được hưởng không khí trong lành. Việc làm ý nghĩa này đã góp phần nâng cao ý thức trong mỗi người và cả cộng đồng dân cư".

Hết mình vì cộng đồng


Bà Cử sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Thụy (Thái Bình). Năm 1966, bà được cử đi du học tại Đại học Nông nghiệp Triều Tiên, theo học ngành thiết kế chế tạo máy nông nghiệp. Năm 1972 bà về nước và công tác tại Nhà máy Cơ khí nông nghiệp 1 - Hà Nội. Vì có năng khiếu hoạt động tập thể nên bên cạnh việc chuyên môn, bà được giao thêm cả nhiệm vụ cán bộ công đoàn chuyên trách.

Bà hồi tưởng: "Nhớ nhất trong những năm làm Chủ tịch công đoàn chuyên trách tại nhà máy với hơn 600 công nhân là đã xây dựng được quỹ từ thiện để giúp đỡ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi họ lúc đau ốm, hỗ trợ con công nhân vượt khó học giỏi... Quỹ được xây dựng trên cơ sở tận dụng sắt vụn ở mỗi tổ công đoàn". Xuất phát từ những kinh nghiệm đã tích lũy trong thời kỳ còn công tác và một tấm lòng luôn hướng đến cộng đồng, khi về nghỉ chế độ ở khu dân cư số 8, bà Cử được người dân khối phố tín nhiệm giao giữ nhiều trọng trách như phó bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ hòa giải... Đến tháng 4-2011, bà Nguyễn Thị Cử được bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Giáp Bát.

Ngay khi nhận nhiệm vụ mới, bà Cử đã đặt vấn đề với lãnh đạo phường về thực trạng sử dụng một số khu đất công trên địa bàn chưa hiệu quả. Nơi bà Cử đề cập đầu tiên là khu vực hồ Kim Đồng, có một khoảng đất bỏ trống thuộc Ngõ 4, vị trí đẹp, thoáng mát nhưng không có người quản lý nên rác thải tự phát tràn cả xuống hồ. Bà Cử kể, giọng hào hứng: "Hội Phụ nữ phường cùng CLB Sống xanh, sạch đã mạnh dạn đứng ra tổ chức, vận động cộng đồng cải tạo lại khu vực sân chơi với sự hỗ trợ của Trung tâm Hành động vì Sự phát triển đô thị - ACCD". Sau thời gian ngắn vào cuộc tích cực, một hàng rào sắt đẹp mắt bao quanh khoảng sân rộng 400m2, có cổng ra vào được hoàn thành với tổng đầu tư 100 triệu đồng, trong đó hội viên phụ nữ góp 50 triệu đồng (cả công lao động) và tổ chức ACCD hỗ trợ 50 triệu đồng. Mảnh đất nhếch nhác ngày nào giờ đã gọn gàng, vuông vắn và trở thành nơi sinh hoạt thường xuyên của 4 CLB trong phường gồm dưỡng sinh, khiêu vũ, cầu lông và lớp dạy võ thuật miễn phí (do Hội Phụ nữ phường phối hợp tổ chức).

Chưa hết, nhận thấy ở khu vực hồ Kim Đồng vẫn còn nhiều diện tích đất trống, có thể tận dụng làm sân chơi cho trẻ nhỏ, bà Nguyễn Thị Cử đề xuất với phường và vận động người dân, hội viên lắp đặt 6 chủng loại với 19 thiết bị đồ chơi phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên như xích đu, cầu bập bênh, xà đơn, xà kép... với tổng số tiền hơn 40 triệu đồng. "Công trình này chúng tôi được gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ phường Giáp Bát và đại hội Đảng các cấp" - bà Cử tự hào nói. Ngoài ra, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, bà Cử đã cùng Ban chấp hành Hội Phụ nữ phường "đến từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, vận động hội viên và các hộ dân ủng hộ chương trình xây dựng ghế ngồi quanh hồ Kim Đồng. Kết quả, chỉ trong thời gian ngắn, 39 chiếc ghế bằng bê tông xinh xắn được đặt ở những vị trí thuận tiện cho người dân vui chơi, nghỉ chân.

Bà Cử cho biết: "Vì kinh phí eo hẹp nên chúng tôi tính toán và quyết định mua vật tư, thuê thợ về làm, vừa chắc chắn, an toàn mà giá thành hợp lý, chỉ 500.000 đồng/chiếc, rẻ hơn nhiều so với ghế đá di động". Là một người dân sinh sống gần hồ Kim Đồng, được trực tiếp thụ hưởng các công trình hằng ngày, ông Nguyễn Văn Đô nói chân thành: "Ngồi trên những chiếc ghế đặt quanh hồ điều hòa để ngắm cảnh thư giãn, hít thở không khí trong lành, ai cũng thầm cảm ơn bà Chủ tịch Hội Phụ nữ luôn hết lòng vì cộng đồng dân cư".

Ngoài những việc làm kể trên, Chủ tịch Nguyễn Thị Cử cùng Ban chấp hành Hội Phụ nữ phường còn tổ chức nhiều phong trào như xây dựng "Quỹ tiết kiệm" với số tiền gần 5 tỷ đồng cho 637 hội viên vay phát triển kinh doanh; "Quỹ nghĩa tình chị em" với số dư 40 triệu đồng giúp đỡ hội viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn... Chia sẻ về những việc làm của mình, bà Cử nói: "Phong trào mạnh phải có sự cộng đồng trách nhiệm của mỗi hội viên, một mình tôi không thể làm được! Sau những việc làm này ý thức người dân được nâng lên, công sức chúng tôi bỏ ra cũng không uổng phí chút nào".

Đỗ Vượng