Phải gỡ được sức ỳ tư duy cũ!
Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 21/08/2015
Làm thế nào để CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là những nội dung được đưa ra bàn thảo tại hội nghị "Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới" do Ban Kinh tế trung ương, Bộ NN&PTNT, Tạp chí Cộng sản tổ chức sáng 20-8.
Các ý kiến tham luận đều thống nhất cho rằng: Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn, tạo lập tiền đề quan trọng cho quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, nền nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, thể hiện ở các mặt: Phương thức và tổ chức sản xuất lạc hậu; mức độ gắn kết của khu vực nông nghiệp với các ngành công nghiệp và dịch vụ thấp; chất lượng của đa số sản phẩm nông nghiệp chưa cao và giá trị thấp. Điều đó dẫn tới đời sống của nông dân còn nhiều khó khăn, chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị lớn, kết cấu hạ tầng, kinh tế nông thôn còn kém phát triển. Những hạn chế đó đặt ra yêu cầu phải có một cách tiếp cận mới, tạo ra đột phá trong CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn.
Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa là rất cần thiết trong thời điểm hiện tại. |
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến đề nghị Đảng, Nhà nước cần nhìn nhận lại vấn đề nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới. Theo đó, sớm có phương án, quyết sách nhằm thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình sang mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, dựa vào doanh nghiệp và trang trại. Nền nông nghiệp quy mô lớn bắt buộc phải thu hút được các doanh nghiệp lớn, đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại để tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm, mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt là thâm nhập được vào thị trường "khó tính" của các nền kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên giải quyết một số điểm "nghẽn" trong phát triển nông nghiệp và nông thôn như các vấn đề về kết cấu hạ tầng, tích tụ đất đai, phát triển nguồn nhân lực… thông qua những thay đổi về môi trường thể chế, chính sách, hoạt động đầu tư của cả khu vực nhà nước và tư nhân.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, để CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, cần phải gỡ sức ỳ tư duy cũ trong sản xuất nông nghiệp. Kinh tế hộ một thời là động lực mạnh mẽ giúp người nông dân tích cực lao động trên mảnh ruộng được giao quyền sử dụng, nhưng đến nay không còn thích ứng. Do vậy, không thể giữ mãi sản xuất theo kiểu kinh tế hộ nhỏ lẻ, nông dân phải liên kết lại, phải tổ chức cho nông dân tham gia vào các tổ hợp tác để có điều kiện về vốn, khoa học kỹ thuật, mặt bằng sản xuất… tạo ra sản phẩm nông sản có năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, phải tăng cường mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, đặc biệt là các khâu chế biến, tiêu thụ để cho giá trị cao, đó là những vấn đề cấp thiết hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, tuy đời sống người nông dân thời gian qua đã được cải thiện song về cơ bản vẫn còn những khó khăn. Nông dân không còn hộ đói nhưng vẫn chưa giàu. Đối với những cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Phó Thủ tướng cho rằng: Hiện đang có rất nhiều chính sách bao trùm tất cả các lĩnh vực nhưng trên thực tế chưa đủ mạnh và ít đi vào cuộc sống. Chẳng hạn như việc thu hút đội ngũ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhà nước đã có chính sách song trên thực tế doanh nghiệp vẫn không mặn mà. Điều đó cho thấy các chính sách đang có nhiều bất cập cần phải thay đổi.
Trong khi đó, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Vũ Văn Phúc chỉ ra rằng: Đầu tư cho nông, lâm nghiệp, thủy sản chưa tương xứng với vị trí, vai trò của các ngành kinh tế này; mô hình tổ chức, quản lý sản xuất chưa ổn định, cơ cấu kinh tế còn thuần nông, công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển chưa tương xứng, nên sức ép về việc làm ở nông thôn vẫn lớn, thị trường nông thôn yếu kém tác động tiêu cực đến "đầu vào" và "đầu ra" của sản xuất nông nghiệp...
Tình hình mới đang đòi hỏi Đảng, Nhà nước có những định hướng chính sách cho thời gian tới để tháo điểm "nghẽn", giải phóng sức sản xuất ở nông thôn và thu hút các nguồn lực cho phát triển toàn diện, bền vững để tạo ra sự thay đổi thực chất cho khu vực chiếm khoảng 70% dân số cả nước.
GS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn diễn ra còn chậm so với nhu cầu và so với các nước đi trước ở cùng giai đoạn phát triển. Sau gần 30 năm đổi mới, nhìn chung nông nghiệp Việt Nam vẫn là nền nông nghiệp của một nước đi sau với nhiều đặc điểm kém phát triển. |