Không chỉ... rút kinh nghiệm

Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:17, 21/08/2015

(HNM) - 17h ngày 20-8, các trường đại học đã ngừng nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 trực tiếp tại trường, kết thúc 20 ngày dài ngóng trông, lo âu, thậm chí như



Mặc dù Bộ GD-ĐT cho rằng sự căng thẳng này chỉ xảy ra với 1/10 số trường trong cả nước, nhưng với những bất cập được ghi nhận sẽ phải rút kinh nghiệm và khắc phục trong những đợt xét tuyển và kỳ tuyển sinh sắp tới.

Hàng trăm thí sinh chờ nộp hồ sơ vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân chiều 20-8. Ảnh: Lê Hiếu


Chỉ căng thẳng ở 1/10 số trường?

Cho tới sát giờ khóa sổ, tại hội trường lớn của Trường ĐH Kinh tế quốc dân vẫn còn hàng trăm thí sinh chờ đợi nộp hồ sơ. Trong số đó có không ít em đã nộp vào rồi lại rút ra tới lần thứ hai. Thí sinh Nguyễn Minh Hoàng, ở Phú Thọ, được 22 điểm, đã ngồi ở đây từ sáng với tình huống rất khó xử. Nguyễn Minh Hoàng nói rằng em đã rút hồ sơ khỏi ĐH Thương mại để nộp hồ sơ vào ngành Bất động sản của ĐH Kinh tế quốc dân và yên tâm là mình sẽ trúng tuyển vì đây là ngành có ít thí sinh đăng ký, cách đây vài hôm có điểm chuẩn dự kiến chỉ là 17. Thế nhưng, đến ngày áp chót, ngưỡng điểm đã tăng thành 22. Nguyễn Minh Hoàng không biết có nên rút ngay hồ sơ để nộp vào trường khác hay cố chờ với hy vọng điểm sẽ không tăng. Những thí sinh có mức điểm ngang bằng hoặc chỉ nhỉnh hơn ngưỡng an toàn chút ít như Nguyễn Minh Hoàng là những người "đau tim" nhất và gần như chỉ còn biết trông chờ vào may rủi.

Trước tình trạng quá tải, ĐH Kinh tế quốc dân đã ưu tiên giải quyết thủ tục cho thí sinh muốn rút hồ sơ để các em có thời gian đi nộp ở trường khác. Thế nhưng, do hệ thống mạng nhiều khi bị nghẽn nên có trường hợp không cập nhật kịp dữ liệu. Có thí sinh đã phải quay lại trường để xác nhận thông tin do trên hệ thống của trường mới không ghi nhận việc các em đã rút hồ sơ khỏi trường cũ. Đó là lý do khiến lượng hồ sơ được giải quyết trong ngày cuối cùng không được thông suốt và hiệu quả như các ngày trước đó.

Mặc dù không quá đông thí sinh đến trong ngày cuối cùng như ĐH Kinh tế quốc dân, song một số trường khác vẫn phải lường trước khả năng sẽ phải xử lý tình huống thí sinh đổ dồn vào rút, nộp hồ sơ trong cùng một thời điểm. Bộ phận tuyển sinh của các trường ĐH gần như không nghỉ trưa, tăng thời gian làm việc. Tuy nhiên, mệt mỏi và căng thẳng nhất vẫn là các thí sinh và người nhà sau một đợt xét tuyển kéo dài tới 20 ngày. Ngoài ra, với cách xét tuyển năm nay, thay vì được chú tâm chọn ngành nghề phù hợp, thí sinh có xu hướng cố chọn cho mình một chỗ trong trường ĐH và chỉ riêng việc đó đã khiến nhiều người mệt mỏi.

Sẽ rút kinh nghiệm, sửa đổi (!)

Về phía Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga thừa nhận thực trạng rút, nộp hồ sơ căng thẳng nói trên, song ông cho biết: Theo thống kê, việc này chỉ xảy ra ở khoảng 30-40 trường lớn, có nhiều thí sinh muốn đăng ký vào, tức là khoảng 1/10 tổng số trường ĐH, CĐ trên cả nước. Thời điểm rút, nộp hồ sơ cũng tập trung nhiều vào những ngày cuối của đợt xét tuyển nên có thể gây vất vả, khiến cho thí sinh ở một số trường phải chờ đợi lâu. "Tuy nhiên, lượng dịch chuyển như vậy không thể so sánh với sự dịch chuyển của hàng triệu thí sinh trong những đợt thi trước kia. Cho nên, nhìn tổng thể thì áp lực đối với xã hội cũng như thí sinh đã giảm rất nhiều", Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.

Áp lực xét tuyển đối với xã hội có thực sự giảm hay không còn cần thêm sự đánh giá. Thế nhưng không ít chuyên gia giáo dục đã nhận định: Công tác tuyển sinh với quá nhiều điểm mới trong năm nay cần được rút kinh nghiệm. Bà Nguyễn Thị Hòa, đại diện tuyển sinh Trường ĐH Giao thông Vận tải và ông Nguyễn Đức Tĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn đều cho rằng, 20 ngày xét tuyển là quá dài, không cần thiết, khiến thí sinh và phụ huynh đều mệt mỏi. Và nữa là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh đã không diễn ra trôi chảy khi quá nhiều thí sinh vẫn phải trực tiếp đến các trường để rút, nộp hồ sơ hay điều chỉnh nguyện vọng. Nguyên nhân của sự bất cập này còn vì thí sinh chưa quen với việc làm thủ tục trực tuyến. Bà Lê Thị Thu Thủy, Trường ĐH Ngoại thương đề xuất mỗi thí sinh nên được cấp một tài khoản trên hệ thống tuyển sinh và thực hiện việc nộp, rút, điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến trong thời gian quy định. Khi thí sinh trúng tuyển nhập học thì mới phải nộp các văn bản cần thiết để xác nhận.

Các chuyên gia tuyển sinh cũng như nhiều phụ huynh cho rằng, thay vì cho đăng ký nhiều nguyện vọng vào 1 trường, Bộ GD-ĐT nên cho thí sinh đăng ký 1 nguyện vọng vào nhiều trường khác nhau, như vậy thì có thể giúp các em vào được ngành nghề mình yêu thích thay vì chỉ cố để kiếm một chỗ vào trường ĐH.

Sau khi kết thúc đợt tuyển sinh, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức trao đổi rút kinh nghiệm với sự tham gia của các Sở GD-ĐT và các trường ĐH. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đây là năm đầu tiên thực hiện đổi mới tuyển sinh nên chắc chắn sẽ còn những mặt hạn chế. Vì vậy: "Chúng ta sẽ tiếp thu, sửa đổi, rút kinh nghiệm để việc triển khai tốt hơn. Còn đối với thí sinh, những năm sau này các em sẽ quen dần với phương thức xét tuyển mới, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh để làm nhẹ bớt khâu xét tuyển, đặc biệt là việc nộp hồ sơ" - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định...

Sau khi tiếp nhận, xử lý thông tin thí sinh, xét tuyển, các trường sẽ công bố kết quả và gửi giấy báo kết quả trúng tuyển của thí sinh (qua đường bưu điện), chậm nhất vào 17h ngày 25-8. Kết quả trúng tuyển cũng sẽ được các trường thông báo trên trang thông tin điện tử của trường. Để giúp thí sinh có thông tin sớm, Bộ GD-ĐT công bố trên các phương tiện thông tin truyền thông về điểm chuẩn dự kiến của các trường ĐH, CĐ trên cả nước tính đến 17h ngày 20-8.

Quỳnh Phạm