Ông Trần Phương Bình bị đình chỉ Tổng giám đốc DongA Bank

Tài chính - Ngày đăng : 18:04, 20/08/2015

Ông Trần Phương Bình và bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng Giám đốc bị đình chỉ khỏi các chức vụ này theo quyết định của ban kiểm soát đặc biệt.


Ngân hàng Nhà nước vừa công bố quyết định đình chỉ chức danh Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) đối với ông Trần Phương Bình và bà Nguyễn Thị Ngọc Vân.

Cùng với đó, ông Võ Hải Nam, Giám đốc Ban Quản lý rủi ro BIDV hội sở chính được Ngân hàng Nhà nước chỉ định chức vụ Tổng giám đốc DongA Bank thay thế ông Bình. Còn ông Phạm Thế Nguyên, Phó giám đốc Chi nhánh Sở Giao dịch 2 BIDV sẽ giữ chức vụ Phó tổng giám đốc thay bà Vân.

Ông Trần Phương Bình hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc DongA Bank. Ông Bình sinh năm 1959, là cử nhân Kinh tế. Ông Bình là người đã gắn bó với DongABank ngay từ những ngày đầu thành lập. Có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy kinh tế, ông là người đặt nền móng và dẫn dắt sự phát triển của ngân hàng trong hơn 23 năm qua. Ông Bình được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc từ năm 1998, và là Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị từ năm 2013.

Hoạt động rút tiền tại DongA Bank đã giảm hẳn trong ngày 19/8, nhiều người đã gửi tiết kiệm trở lại.


Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, sinh năm 1979, là Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, nắm giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực, bà Vân được bổ nhiệm từ năm 2001.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát đi thông báo công bố kết luận thanh tra với Ngân hàng Đông Á (EAB) và quyết định kiểm soát đặc biệt với ngân hàng này từ ngày 13/8/2015.

Trao đổi với VnExpress chiều 19/8, nguyên Tổng giám đốc Trần Phương Bình cho biết, 5 ngày sau khi bị Ngân hàng Nhà nước tuyên bố đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, các hoạt động của DongA Bank đang dần trở lại bình thường, việc rút tiền ngày 19/8 gần như giảm hẳn, khách bắt đầu gửi tiết kiệm trở lại, thanh khoản của ngân hàng vẫn đảm bảo ổn định trong nhiều ngày tới.

Theo đó, đến cuối ngày 18/8, tổng tài sản có tính thanh khoản cao của ngân hàng là gần 18.500 tỷ đồng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Trong đó, tồn quỹ tiền mặt hơn 5.700 tỷ đồng, tiền gửi Ngân hàng Nhà nước trên 5.000 tỷ đồng, tín phiếu Chính phủ gần 1.600 tỷ đồng, trái phiếu BIDV 500 tỷ đồng và tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác là hơn 1.000 tỷ đồng.

Nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cho hay, trước đó vào ngày 14/8 khi tin kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng được nhà quản lý phát đi, đã phần nào tác động đến tâm lý khách hàng vì họ lo ngại về sự an toàn khoản tiền gửi của mình.

Do vậy, trong 4 ngày từ 14-18/8 (trừ Chủ nhật), chênh lệch số tiền gửi vào và rút ra trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm và thanh toán qua tài khoản ngân hàng bị âm 4.834 tỷ đồng (trong đó tiền rút ra 15.424 tỷ đồng và gửi vào là gần 10.592 tỷ đồng).

Cụ thể, số tiền rút ra, gửi vào chênh lệch âm của ngày 14/8 là 436 tỷ đồng, ngày thứ Bảy (15/8) là hơn 1.000 tỷ đồng, ngày có số âm chênh lệch cao nhất trong 4 ngày qua là ngày 17/8, âm 2.377 tỷ đồng (số tiền khách gửi vào 3.185 tỷ đồng, khách rút ra 5.563 tỷ đồng), cuối buổi giao dịch chiều 18/8, số tiền chênh lệch giữa rút ra và gửi vào còn âm hơn 997 tỷ đồng.

"Ngoài ra, số vàng giữ hộ trong bốn ngày qua cũng sụt giảm hơn 7.400 lượng. Toàn bộ số tiền, vàng này đều do DongA Bank tự đảm bảo chi trả, và chưa sử dụng bất cứ nguồn vay cấp vốn nào từ Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khác", ông Bình thông tin.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết, những ngày qua mọi hoạt động chi trả đều trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Đông Á . "Ngân hàng này chưa cần sự hỗ trợ nào từ Ngân hàng Nhà nước. Với tình hình hiện nay, thanh khoản của DongA Bank vẫn đủ khả năng chi trả trong thời gian tới", ông Minh nhấn mạnh. 

Theo VnExpress