Ngừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy từ ngày 1-1-2016
Đời sống - Ngày đăng : 06:48, 20/08/2015
Trong 6 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 6,71% kế hoạch năm. Bộ Tài chính và Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) đã kiến nghị dừng thu phí từ ngày 1-1-2016 để bảo đảm công bằng về trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc nộp phí vào ngân sách.
Phí thấp vẫn… khó thu
Trước tình trạng tỷ lệ thu phí bảo trì đường bộ với xe máy đạt thấp và khó triển khai, Bộ GT-VT và Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ ngừng thu từ 1-1- 2016. Cụ thể, sau hơn 2 năm thực hiện chính sách thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với mô tô, hiệu quả thu được rất thấp. Năm 2013 và 2014 số thu chỉ đạt khoảng 21% kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2015 thậm chí chỉ đạt 6,71% kế hoạch năm. Dù mức thu phí đường bộ với mô tô chỉ ở mức 70.000 đồng/xe/năm, nhưng việc thu khoản phí này không hề đơn giản. Có địa phương thực hiện thu phí nghiêm túc, nhưng cũng có địa phương chưa thu hoặc dừng thu như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... do vậy tạo nên sự thiếu công bằng.
Kiến nghị ngừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy để bảo đảm công bằng cho người dân.Ảnh: Bá Hoạt |
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng, mô tô là tài sản di động, không bắt buộc phải đăng kiểm lưu hành, người sử dụng phương tiện không bắt buộc là chủ sở hữu nên rất khó kiểm soát và thu phí. Mặt khác, chế tài xử phạt khi thực hiện thu khoản phí này còn hạn chế nên nhiều chủ xe không nộp phí, dẫn đến số phí thu được thấp, không công bằng về trách nhiệm của chủ phương tiện. Bộ Tài chính thống nhất với Bộ GT-VT đề nghị Chính phủ cho phép tạm dừng thu phí đối với mô tô từ đầu năm 2016, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ theo hướng không thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô.
Trước thông tin về việc các cơ quan chức năng đề nghị ngừng thu phí đường bộ với mô tô từ đầu năm 2016, đa số người dân được hỏi ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình và cho rằng, một chiếc xe máy hiện nay đã gánh khá nhiều khoản phí, việc giảm bớt gánh nặng về thuế, phí cho người dân là điều cần thiết, đặc biệt khi việc thu phí không bảo đảm được sự công bằng vì có người nộp, người không nộp hoặc có nộp nhưng không đúng với số lượng xe đang sử dụng...
Số thu ngân sách không bị ảnh hưởng
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh đề xuất ngừng thu phí đường bộ của Bộ Tài chính, một cán bộ thuế cho biết, theo quy định, cơ quan thuế chỉ cấp biên lai thu khoản phí này. Toàn bộ việc thu, nộp và quản lý do các địa phương tự thực hiện. Vì vậy, việc dừng thu phí sẽ không ảnh hưởng tới số thu NSNN do cơ quan thuế quản lý.
Tuy nhiên, một trong những bức xúc cần giải quyết sau khi quyết định này được chấp thuận là việc bảo đảm công bằng cho những người dân đã chấp hành nghiêm túc việc nộp phí đường bộ. Chị Đặng Thu Trang, một nhân viên văn phòng tại quận Đống Đa đề xuất, cơ quan thu và quản lý khoản phí này cần sớm thống kê danh sách những người dân đã nộp phí trong năm 2015 và phương án hoàn trả khoản phí này nhằm bảo đảm sự công bằng cho những người đã chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy chỉ đạt 6,71% kế hoạch năm.Ảnh: Thái Hiền |
Một vấn đề cũng được đặt ra là sau khi ngừng thu phí, liệu người dân có phải đi trên những con đường kém chất lượng hay không? Bởi thống kê cho thấy, Quỹ bảo trì đường bộ trung ương mỗi năm phải bảo trì 18.000km quốc lộ với kinh phí khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn thu phí đường bộ từ ô tô chỉ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng do NSNN cấp. Nhận xét về điều này, một số chuyên gia tài chính cho rằng, để giảm bớt gánh nặng bảo trì đường bộ cho ngân sách trung ương, địa phương phải có trách nhiệm trong việc duy tu, bảo dưỡng đoạn đường chạy qua địa bàn quản lý của mình. Sự đồng thuận của các ngành chức năng có liên quan cũng như chính quyền địa phương sẽ giúp giải quyết thấu đáo việc ngừng thu phí bảo trì đường bộ song vẫn bảo đảm hạ tầng đường bộ tốt để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.