Quan trọng không kém nhiệm vụ giáo dục
Giáo dục - Ngày đăng : 06:47, 20/08/2015
Với hơn 1,6 triệu HS, công tác bảo đảm ATVSTP cho HS luôn đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, chỉ đạo triển khai. Năm học mới 2015-2016, công tác ATVSTP tại trường học được triển khai ra sao? Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống về vấn đề này.
Khu bếp ăn hằng ngày của Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt |
- Vài năm gần đây, Hà Nội đã ngăn ngừa hiệu quả dịch bệnh, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học, được Bộ GD-ĐT ghi nhận là đơn vị dẫn đầu trong công tác bảo đảm ATVSTP. Kinh nghiệm nào để Hà Nội duy trì được kết quả này, thưa ông?
- Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, công tác phòng chống tai nạn thương tích cho HS luôn được ngành giáo dục Hà Nội coi trọng, trong đó hết sức chú ý nội dung về bảo đảm ATVSTP tại bếp ăn trong trường học. Hà Nội hiện có hơn 2.500 trường học, số cơ sở tổ chức cho HS bán trú là hơn 1.400 trường, trong đó có gần 1.100 trường tự nấu, số còn lại là thuê đơn vị cung cấp. Ngoài ra còn có hàng trăm căng tin trong trường học. Chúng tôi xác định công tác bảo đảm ATVSTP cho HS, nhất là ở cấp mầm non, tiểu học - lứa tuổi dễ bị tác động xấu bởi thực phẩm ô nhiễm, gây nguy hại. Vì vậy, việc bảo đảm ATVSTP luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các nhà trường. Một trong những yêu cầu cơ bản trong triển khai công tác này là nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và các thành viên tham gia vào việc nấu, chế biến, cung cấp suất ăn cho HS. Nhiều giải pháp đã được triển khai, trong đó có tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cụ thể về quy trình, các điều kiện bảo đảm ATVSTP, tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên. Việc bảo đảm bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh không phải là đơn giản trong điều kiện giá cả thị trường hiện nay, song toàn ngành luôn nỗ lực ở mức cao nhất, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng không kém so với nhiệm vụ dạy học.
- Với trẻ mầm non, đòi hỏi đội ngũ người chăm sóc phải có kiến thức cơ bản trong lựa chọn, chế biến, sử dụng, bảo quản thực phẩm cũng như thực hành vệ sinh tại trường. Việc thực hiện các quy định về ATVSTP ở cấp học này ra sao? Theo ông, đâu là khâu quan trọng nhất?
- Trong các cấp học, quy mô giáo dục mầm non của Hà Nội khá lớn với gần 1.000 trường mầm non, hơn 16 nghìn nhóm lớp, thu hút gần 500 nghìn trẻ ở các độ tuổi. Hầu hết số trẻ nói trên đều ăn tại trường, nên nếu không bảo đảm ATVSTP thì số trẻ có nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất lớn. Trong điều kiện giá cả bữa ăn còn hạn chế, có nơi chỉ hơn 10 nghìn đồng/bữa/trẻ, việc bảo đảm ATVSTP cho trẻ càng quan trọng. Chúng tôi xác định là không được coi nhẹ khâu nào từ mua thực phẩm, cho tới chế biến, soạn chia, bảo quản thực phẩm cho trẻ nhằm ngăn ngừa mọi nguy cơ thiếu ATVSTP, dứt khoát không vì số tiền ăn hạn chế mà cho trẻ sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thiếu an toàn.
- Chỉ còn ít ngày nữa là khai giảng năm học mới, những nội dung nào liên quan đến công tác ATVSTP sẽ được tập trung triển khai, thưa ông?
- Nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả trong triển khai công tác bảo đảm ATVSTP, Sở GD-ĐT và Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch "Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục và đào tạo năm học 2015-2016" với mục tiêu tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành và chính quyền địa phương để huy động nguồn lực cần thiết đầu tư cho các nhà trường thực hiện tốt quy định về ATVSTP. Một trong những nội dung trọng tâm của kế hoạch năm nay là tăng cường thanh, kiểm tra công tác quản lý ATVSTP, không chỉ tại nhà trường mà còn quan tâm tới các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, nơi cung ứng thực phẩm, nước uống đóng chai. Hai ngành sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về bảo đảm ATVSTP, thống nhất quy trình xử lý khi có sự cố xảy ra. Việc giải tỏa các hàng quán bán rong, mất an toàn thực phẩm xung quanh khu vực trường học được quan tâm hơn. Kế hoạch này cũng sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị các cấp, đồng thời thống nhất xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong cả năm học.
- Để triển khai có chất lượng những nội dung trên, theo ông thì cần những điều kiện bảo đảm như thế nào?
- Thực tế cho thấy công tác bảo đảm ATVSTP nói chung và trong các nhà trường nói riêng cần có sự vào cuộc nghiêm túc, có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị chứ chỉ riêng ngành giáo dục thì không làm tốt. Ví dụ, muốn kiểm tra một cơ sở cung cấp suất ăn trưa cho HS thì không dễ mà giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục có thể tiếp cận. Trong quá trình kiểm nghiệm thực phẩm của các trường học thì cần có sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn về thiết bị, kỹ thuật, nhân lực… Ngoài ra, việc này còn đòi hỏi sự quan tâm của cha mẹ HS để thay đổi nhận thức, hành vi sử dụng thực phẩm cho con em mình ở nhà và khi đến trường. Chúng tôi cũng mong muốn trong thời gian không xa, trong định mức chi thường xuyên của nhà trường có danh mục để phục vụ cho công tác bảo đảm ATVSTP.
- Xin cảm ơn ông!