Cần công khai, minh bạch đến cùng!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:42, 20/08/2015
Nhưng đã công khai, minh bạch cũng cần công khai, minh bạch đến cùng để bảo đảm công bằng với mọi công dân. Những người đã đóng phí rồi có được trả lại không hay phải chịu thiệt thòi? Đây là một vấn đề cần bàn cho ra nhẽ để rút kinh nghiệm về một cách quản lý.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, một vị có trách nhiệm cho biết: "Một năm Quỹ bảo trì đường bộ trung ương phải bảo trì 18.000km quốc lộ với kinh phí khoảng 20.000 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, nếu không tính đến phí xe máy, mỗi năm chỉ có khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó 3.000 tỷ đồng từ thu phí ô tô, 3.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, như vậy mới đáp ứng khoảng 30-40% nhu cầu. Tại các địa phương, mỗi năm có khoảng 300.000km đường từ cấp tỉnh trở xuống cần bảo trì, nhu cầu lớn nhưng kinh phí cũng chỉ đáp ứng khoảng 30-40%". Với tính toán đó, một loại phí gọi là phí bảo trì đường bộ đánh vào ô tô, mô tô, xe máy được đưa ra để bù vào khoản thiếu hụt này.
Thế nhưng cuộc sống luôn ẩn chứa phức tạp mà những người đề xuất chính sách không lường hết. Quy định thêm phí đường bộ vào mô tô, xe máy là đánh vào đời sống của dân nghèo, đánh vào phương tiện kiếm sống của người nghèo. Và điều đó làm tăng thêm tình trạng phí chồng phí vì thực tế, người dân đã phải đóng rất nhiều khoản phí cho mỗi đầu mô tô, xe máy từ khi nhập khẩu đến khi được lưu hành trên đường. Mà đường dành cho mô tô, xe máy phần nhiều là đường ngõ xóm, đường nông thôn, đường vùng sâu, vùng xa, do dân nhường đất, dân làm, dân quản lý...
Cũng cần kể những phức tạp về mặt xã hội ở nước ta hiện nay, xe không có đăng kiểm, xe mua bán trao tay không chính chủ, xe cho mượn, xe đăng ký ở địa phương này nhưng mang sang địa phương khác để làm ăn. Một chủ trương không tính kỹ sẽ khó đi vào cuộc sống, không được dân đồng tình, nơi làm nơi không, nơi giao cho phường, nơi giao cho xóm, tiền thu về không bằng công của bỏ ra.
Sau 3 năm thực hiện, theo thống kê, mức thu phí bảo trì đường bộ ngày càng sụt giảm so với yêu cầu. Cụ thể, khi thành lập Quỹ bảo trì đường bộ trung ương dự kiến thu khoảng 2.600 tỷ đồng/năm với xe máy nhưng năm 2013 chỉ thu được 520 tỷ đồng (khoảng 21%), năm 2014 thu khoảng hơn 500 tỷ đồng, đến tháng 6-2015 mới thu được khoảng 180 tỷ đồng (khoảng 6,7%). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc tổ chức thu ở cấp xã, phường chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Chế tài xử phạt chưa khả thi, khó kiểm soát. Thẩm quyền xử phạt không phải do cơ quan công an mà do cơ quan thuế, thanh tra sở chuyên ngành, UBND các cấp thực hiện. Sau một năm thực hiện đóng phí, nhiều chủ phương tiện không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ cho các năm tiếp theo...
Theo Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ trung ương, việc hoàn trả hay không số phí những người chủ xe đã đóng trong thời gian vừa qua sẽ được bàn bạc, thảo luận dân chủ trên tinh thần đồng thuận. Nhưng với người dân, khoản tiền vài trăm nghìn đồng chỉ là một phần, điều cần thiết là phải làm rõ số tiền của họ đã được sử dụng như thế nào, vào việc gì, còn hay hết... Đặc biệt, việc ban hành những chủ trương, chính sách không chỉ là ý chí chủ quan của cơ quan chức năng mà trước nhất phải chú trọng xem những chủ trương, chính sách đó có đi vào cuộc sống và được xã hội đón nhận?