Đua giảm cước sẽ khiến cả 3 nhà mạng cùng thiệt hại
Kinh tế - Ngày đăng : 21:56, 19/08/2015
Việc khuyến mại này lại đặt các nhà mạng còn lại “ngồi trên đống lửa” và ngay lập tức Viettel cũng phải công bố chương trình tặng 100% giá trị thẻ nạp cho một nhóm khách hàng. Một điều không thể không nhắc đến đó là cùng với MobiFone, Vinaphone giờ ở trong nhóm DN không bị quản lý về giá cước, khuyến mại…từ đó, đặt ra vấn đề liệu thị trường viễn thông di động sẽ bước vào cuộc chiến về giá cước?
Tuy nhiên trao đổi với báo chí về hoạt động của Vinaphone trong thời gian tới, TGĐ Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long cho biết, VNPT không chủ trương khơi mào cuộc chiến về giá cước, vì nó sẽ khiến cả 3 nhà mạng cùng thiệt hại. Vị lãnh đạo Tập đoàn VNPT cũng thẳng thắn đánh giá về các hoạt động của tập đoàn đang thực hiện trong giai đoạn 3 của tái cơ cấu.
Không nên cạnh tranh về giá!
Theo TGĐ Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long, giá cước hiện không còn là yếu tố quyết định, dẫn dắt thị trường. Do vậy, dù không còn trong nhóm DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường (không chịu sự quản lý nhà nước về giá cước, khuyến mại-PV) nhưng VNPT không có ý định “khơi mào” cuộc chiến về giá cước. Vì nếu các nhà mạng chạy đua giảm cước, trong ngắn hạn có thể đem lại lợi ích cho khách hàng, có thể tăng thêm thị phần, nhưng về lâu dài sẽ gây thiệt hại cho chính DN và ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường. Cách để cạnh tranh lâu dài và bền vững chính là DN cần cạnh tranh về chất lượng, dịch vụ, kênh phân phối, vùng phủ, tạo ra những giá trị để thu hút người dùng. Còn về các ưu đãi dành cho khách hàng VNPT nói chung và Vinaphone nói riêng, lãnh đạo Tập đoàn VNPT cho biết, nhưng nếu có triển khai sẽ chỉ triển khai cục bộ cho người dùng.
Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long |
Cùng với đó, VNPT tập trung đầu tư 10.000 trạm BTS mới để bảo đảm chất lượng vùng phủ cho Vinaphone đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhưng không thể không nhắc tới một yếu tố quan trọng khác đó là kênh phân phối – vốn bị “coi nhẹ” trong một thời gian và thực tế Vinaphone nói riêng và VNPT đã bị mất vị trí số 1 chính là vì chưa phát huy hết vai trò của kênh phân phối hay nói cụ thể là người bán hàng. Cụ thể, nếu như trước đây VNPT chỉ có 4.000 người nhân viên kinh doanh thì nay con số này khoảng 15.000 người “bám địa bàn” với phương châm làm thế nào phục vụ khách hàng tốt nhất, đưa dịch vụ tới khách hàng nhanh nhất, tiện lợi nhất. Theo TGĐ VNPT, một điểm yếu trước đây của VNPT là khâu dịch vụ chăm sóc khác hàng chưa được tốt khi rất nhiều khách hàng phản ánh việc sửa chữa, khắc phục sự cố còn chậm. Sau tái cấu trúc, Tập đoàn thiết lập quy trình sửa chữa mới để chính nhân viên kinh doanh địa bàn sẽ là người “nắm” các thông tin của chính “địa bàn” mình phụ trách. Hay nói cách khác, sẽ giao quyền chủ động và trách nhiệm cho bên kinh doanh.
Tuy nhiên, TGĐ VNPT Phạm Đức Long cũng thừa nhận khó khăn, thách thức với Vinaphone là rất lớn. Đó là VNPT-Vinaphone làm sao điều hành “suôn sẻ” xuống các đơn vị phía dưới (VNPT-Vinaphone các tinh, thành phố-PV). Vì bộ máy kinh doanh hiện tại của VNPT - Vinaphone chưa từng điều hành công việc kinh doanh của 63 tỉnh, thành phố và bài toán là giờ phải thực hiện xuyên suốt. Song không hề dễ! Do vậy, trong thời gian tới để hoạt động điều hành này tốt, trong thời gian tới Tập đoàn sẽ phải giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Được biết, hiện việc điều hành kinh doanh các dịch vụ (di động, internet, cố định, truyền hình…) của VNPT do hai ban mới của Tổng công ty VNPT-Vinaphone Ban khách hàng DN và Ban khách hàng cá nhân phụ trách 63 đơn vị kinh doanh tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thay đổi tư duy của người lao động
Nói về tái cấu trúc Tập đoàn VNPT, TGĐ Phạm Đức Long, Tập đoàn đã hoàn thành việc tái cấu trúc với khối Văn phòng Tập đoàn. Cụ thể, đã điều chuyển được 190/470 nhân sự xuống các đơn vị. Trong mô hình mới, Tập đoàn sẽ chỉ giữ vai trò tham mưu, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; việc điều hành do các tổng công ty bên dưới thực hiện. Tổng Công ty hạ tầng mạng VNPT-Net (quản lý toàn bộ hạ tầng, mạng lưới của VNPT) dự kiến hoạt động theo mô hình mới từ tháng 9 tới. Tổng công ty Truyên thông VNPT-Media chuyên về phát triển dịch vụ giá trị gia tăng đã vận hành ngay theo mô hình mới. Như vậy, cùng với hạ tầng, kinh doanh, VNPT-Meida giữ vai trò chuyên nghiên cứu, phát triển, đưa ra các sản phẩm mới nhất, tiện ích nhất cho khách hàng để thực hiện mục tiêu hướng đến khách hàng.
Những nỗ lực như kể trên của VNPT là để thay đổi một cách thức, phương thức hoạt động, kinh doanh mới. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ sự thay đổi lại nằm ở con người. Do vậy, ông Phạm Đức Long nhấn mạnh: “Muốn thay đổi cách quản trị, cách bán hàng hay chăm sóc khách hàng thì tựu chung đều phải thay đổi từ con người đầu tiên. Và do vậy, VNPT phải thay đổi tư duy về đào tạo kỹ năng, trình độ cho lực lượng lao động của Tập đoàn”. Để, người lao động sau khi được đào tạo phải thực sự làm được việc chứ không phải chỉ nhận một tờ giấy chứng nhận hình thức và họ phải tự hiểu rằng mình cần được đào tạo các kỹ năng, nghiệp vụ, nếu không sẽ bị đào thải. Đó cũng là một lý do mà Tập đoàn mới đây ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông trong tuần qua. Cũng theo TGĐ VNPT, việc đào tạo không chỉ diễn ra với CBCNV mà ngay cả với đội ngũ lãnh đạo đương chức thuộc các đơn vị của Tập đoàn. Đồng thời thực hiện đào tạo cho đội ngũ cán bộ thuộc diện quy hoạch để lãnh đạo kế cận vừa vững kỹ thuật, vừa vững kinh doanh…
TGĐ VNPT cũng cho biết, việc bổ nhiệm cán bộ cũng được xem xét theo hướng trẻ hóa đội ngũ. Đặc biệt, trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu được xác định rõ, cụ thể người lãnh đạo phải có trách nhiệm với hoạt động của toàn đơn vị. Việc đánh giá năng lực lãnh đạo bằng các tiêu chí. Hiện nay việc đánh giá năng lực lãnh đạo được dựa trên hiệu quả hoạt động hay nói chính xác là kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị do người lãnh đạo đó phụ trách. Khi hoàn tất quá trình tái cấu trúc, việc đánh giá người đứng đầu sẽ được thực hiện thông qua hệ thống cân bằng điểm (BSC) sẽ cho ra kết quả chính xác, công khai, minh bạch. Nếu năm đầu điểm số BSC thấp so với quy định, người đứng đầu sẽ bị cảnh báo, năm tiếp theo vẫn thấp- sẽ bị miễn nhiệm; trường hợp có điểm BSC quá thấp so với chuẩn có thể bị miễn nhiệm ngay năm đầu. Và đó chính là sự "sàng lọc hệ thống" và các kết quả, chỉ số đều được đặt trên một bằng chung và thể hiện cụ thể bằng con số để “người trong cuộc” không thể giấu diếm và cũng không thể trốn tránh.