Tỷ giá tăng tác động tích cực đến những nhóm ngành nào?
Kinh tế - Ngày đăng : 13:36, 19/08/2015
Hôm nay (19/8), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tỷ giá VND/USD thêm 1%, đồng thời nới biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%. Như vậy, tỷ giá đã điều chỉnh 3% và được nới biên độ thêm 2% (từ 1% lên 3%) kể từ đầu năm 2015. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng mới là 21.890VND/USD, mức trần mới là 22.547 VND/USD.
Theo nhóm phân tích Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), việc NHNN điều chỉnh tỷ giá như vậy là hợp lý trong bối cảnh có nhiều diễn biến bất ngờ trên thị trường tiền tệ năm 2015 như sự phục hồi của USD trước khả năng nâng lãi suất của FED sau 8 năm, Trung Quốc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ.
Thủy sản là một trong những ngành hưởng lợi khi tỷ giá tăng (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
BSC cho rằng, hạ giá đồng VND tương ứng với diễn biến trên thế giới sẽ giúp dự trữ ngoại tệ Việt Nam được bảo vệ và ổn định lại tâm lý trên thị trường. Trong ngắn hạn, sự kiện này có thể đem đến tác động tiêu cực trên các thị trường tài chính, nhưng sẽ là cú hích trong trung và dài hạn.
Năm 2015, chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô trong đó trọng tâm là kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định tỷ giá tiếp tục là chính sách điều hành tiền tệ định hướng của NHNN. Tuy vậy, VND dù ổn định với USD nhưng trên thực tế gia tăng đáng kể so với các đồng tiền khác. Chênh lệch giá trị USD và VND hiện tại dồn nén dần lại là câu trả lời cho sự gia tăng ngày càng nhanh, càng gấp của tỷ giá USDVND trong thời gian gần đây.
Do ảnh hưởng đáng kể của sự gia tăng về giá trị của đồng USD kể từ nửa cuối năm 2014 khiến NHNN phải hai lần điều chỉnh tỷ giá 1%: 21.458 ngày 7/1/2015 và 21.673 ngày 7/5/2015. Sau đó diễn biến phức tạp của đồng nhân dân tệ khiến NHNN nới biên độ tỷ giá từ 1% lên 2% ngày 11/8 vừa qua. So với các đồng tiền trong khu vực, VND đang là đồng tiền mất giá ít nhất kể từ 2011 đến nay (4,8%). Do các Ngân hàng Trung ương đều đang đặt mình vào vị thế giảm giá đồng nội tệ so với USD để kích thích tăng trưởng, nên việc VND nằm trong xu hướng đó cũng không quá ngạc nhiên.
BSC nhận định, về ngắn hạn, việc điều chỉnh tỷ giá giúp giải tỏa tâm lý đầu cơ, găm giữ USD của giới đầu cơ. Còn về trung hạn, áp lực lên tỷ giá vẫn là vấn đề cần lưu tâm khi cán cân thương mại của Việt Nam đang quanh trở lại tình trạng nhập siêu với tốc độ nhanh và sức ép từ chính sách tỷ giá của các đồng tiền lớn vẫn chưa giảm bớt.
Trong bối cảnh biến động tiền tệ thế giới phức tạp trở lại, các chính sách điều hành tỷ giá như 2011-2015 nhiều khả năng không còn được duy trì được hiệu quả. Tình hình kinh tế vĩ mô cũng như sức khỏe của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam cũng tốt hơn nhiều so với tình trạng mong manh đầu năm 2011.
"Tình hình ngoại hối vẫn đang căng thẳng kể cả sau khi điều chỉnh biên độ, diễn biến thị trường tiền tệ thế giới tiếp tục phức tạp và nhiều khả năng sẽ thay đổi dư địa 2% của NHNN năm 2015. Chính sách hối đoái ổn định có thể phù hợp ở thời kỳ 2011-2014 nhưng ở thời kỳ tiếp theo cần tránh việc bó cứng mức điều chỉnh tỷ giá từ đầu năm, và cần sự linh hoạt lớn hơn, tôn trọng thị trường để đảm bảo sức cạnh tranh và giúp nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng tối ưu", BSC đưa ra quan điểm.
Trong 4 năm vừa qua, NHNN thực thi nhiều chính sách tỷ giá chặt chẽ, đa số các ngành, doanh nghiệp có mức độ phụ thuộc vốn vay ngoại tệ đều đã giảm đòn bẩy đáng kể (trừ ngành Vận tải biển). Quy mô xuất nhập khẩu tăng gần 50% trong 4 năm, từ 203 tỷ USD lên 298 tỷ USD (2014). “Do vậy việc tỷ giá tăng là điều khó tránh nhưng cũng không tác động quá tiêu cực đến nền kinh tế”, công ty này nhấn mạnh.
Theo BSC, là một quốc gia mà nền kinh tế có định hướng xuất khẩu như Việt Nam, đồng nội tệ giảm sẽ có tác động hai chiều đến các nhóm ngành.
Nhóm ngành hưởng lợi là các ngành xuất khẩu gồm:
Thủy sản (với các mã cổ phiếu là VHC, FMC, IDI, HVG): Các doanh nghiệp thủy sản chủ yếu xuất khẩu sang Hoa kỳ, EU và Đông Á.
Dầu khí: Nguồn thu của các doanh nghiệp dầu khí chủ yếu bằng USD trong khi chi phí bằng VND vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là các mã PVD, PVS, GAS.
Dệt may (TCM, TNG, NPS, KMR, GMC, GIL, TET, EVE): Doanh thu xuất khẩu tăng, chi phí nguyên liệu đầu vào không bị tác động lớn do Nhân dân tệ giảm giá.
Công nghệ (FPT,CMG): Doanh thu của dịch vụ gia công phần mềm bằng USD.
Nhóm bị ảnh hưởng tiêu cực là nhóm ngành nhập khẩu và các ngành có mức độ vay nợ ngoại tệ lớn, gồm:
Điện (NT2, PPC; BTP): Các doanh nghiệp nhiệt điện đều có dư nợ bằng ngoại tệ lớn. Việc VND bị mất giá có thể làm giảm doanh thu tài chính từ lãi chênh lệch tỷ giá của các doanh nghiệp này.
Vận tải biển (VOS, PVT, VTO): Các doanh nghiệp vận tải biển có dư nợ bằng đồng USD lớn. Việc VND bị mất giá dẫn đến các doanh nghiệp phải chịu lỗ tỷ giá.
Xi măng (HT1, BCC, BTS): Các doanh nghiệp xi măng dư nợ bằng ngoại tệ lớn. Việc VND bị mất giá có thể làm giảm doanh thu tài chính từ lãi chênh lệch tỷ giá của các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, do tỷ giá EUR giảm nên tỷ giá tính chéo sẽ hạn chế bớt tiêu cực.
Dược (DHG, IMP, DMC, DCL, DBT, DHT, SPM): DHG, IMP, DMC, DCL, DBT, DHT, SPM): 90% nguyên liệu dược phải nhập khẩu, thuốc thành phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước.
Nhựa (AAA, BMP, NTP, DAG, VBC, DNP, RDP, TPC): 80% nguyên liệu hạt nhựa phải nhập khẩu, tỷ trọng tiêu thụ thành phẩm trong nước lớn.
Săm lốp (SRC, CSM, DRC): Ngoài cao su tự nhiên, hầu hết nguyên liệu sản xuất còn lại phải nhập khẩu (66% chi phí sản xuất kinh doanh), trong khi lốp xuất khẩu mới chiếm tỷ trọng nhỏ.
Riêng với ngành cao xu (DPR, TRC, PHR, TNC, VHG), các doanh nghiệp xuất khẩu cao su gặp nhiều khó khăn trước động thái phá giá đồng nhân dân tệ do Trung Quốc tiêu thụ đến 50% sản lượng cao su xuất khẩu. Việc tăng tỷ giá VND/USD làm giảm bớt tác động tiêu cực của việc phá giá đồng nhân dân tệ.