Sự rung cảm trước số phận con người
Văn hóa - Ngày đăng : 06:09, 19/08/2015
Ảnh: Báo Nhân dân |
Cuộc thi nói trên do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, Bộ VH,TT&DL phát động ngày 1-1-2013, theo Quyết định 844/QĐ-TTg về "Phê duyệt đề án khuyến khích sáng tác và công bố tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930-1975". Ngoài việc hướng tới mục tiêu giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì đây còn là hoạt động ý nghĩa phục vụ cho những ngày lễ lớn năm 2015, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII năm 2016.
Ba tác phẩm đoạt giải A (mỗi giải 80 triệu đồng) gồm tiểu thuyết "Trong cơn lốc xoáy" của Trầm Hương; kịch "Nhiệm vụ hoàn thành" của Xuân Đức; kịch múa "Khoảnh khắc bất tử" của biên kịch Nguyễn Thị Tuyết Minh, Tổng đạo diễn - NSND Phạm Anh Phương. Có 13 tác phẩm đoạt giải B (60 triệu đồng/giải) và 26 tác phẩm đoạt giải C (40 triệu đồng/giải); 38 tác phẩm được tặng thưởng (10 triệu đồng/giải). |
Đã có hàng trăm tác phẩm dự thi ở vòng sơ khảo. Trong đó, đáng chú ý là một số tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh khai thác đề tài cách mạng kháng chiến một cách có chiều sâu về tâm lý, tính cách nhân vật và đặt ra những vấn đề mới về lý tưởng, nhân cách, thân phận con người..., thuyết phục người đọc. Nhiều tác phẩm hồi ký thể hiện giá trị lịch sử, có một số tư liệu lần đầu công bố.
Tác giả tiểu thuyết "Trong cơn lốc xoáy" (giải A) - nhà văn Trầm Hương (hiện là Trưởng phòng Truyền thông, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ) chia sẻ câu chuyện xúc động về sự ra đời của tác phẩm này. Năm 2005, bà gặp Jaeannette, một phụ nữ Việt kiều ở Mỹ với những hồi ức sống động về bao con người gắn liền với lịch sử đất nước suốt từ đầu thế kỷ XX cho đến nay. Người phụ nữ này đã gửi gắm câu chuyện của mình cho một cán bộ làm công tác bảo tàng với tình cảm tha thiết. Nhà văn Trầm Hương viết tác phẩm này như một cách trả nợ ân tình, thể hiện sự đồng cảm dành cho những giọt nước mắt thầm lặng của bao con người trong chiến tranh, đặc biệt là phụ nữ. Xuyên suốt tác phẩm là mối tình đầy thăng trầm của cô con gái lai của một quan Pháp với một chàng trai Việt xuất thân nhọc nhằn - một bác sĩ sắp ra trường... Mối tình của họ bắt đầu từ buổi gặp nhau trong Cách mạng Tháng Tám, trải qua bao thăng trầm, biệt ly, nặng lòng cho đến lúc ra đi... Nhà văn Trầm Hương cho rằng đề tài chiến tranh cách mạng sẽ mãi là cảm hứng lớn với người sáng tác, nhất là với một độ lùi thời gian nhất định. Chỉ sợ không có đủ tài, luôn thấy mắc nợ với lịch sử bởi nhiều sự kiện cho đến nay vẫn đầy lay động, thách thức mà chưa được khai thác.
Nói về kịch múa "Khoảnh khắc bất tử" (giải A tái hiện hình tượng người nữ anh hùng Võ Thị Sáu), NSND Anh Phương, Tổng đạo diễn nhấn mạnh đến sự đầu tư trang trí sân khấu hiện đại nhằm tăng khả năng biểu đạt, sức khái quát và hiệu quả tác động đối với người xem. Còn tác giả thế hệ 7X được nhận tặng thưởng đợt này là Đàm Thùy Dương (Hãng Phim hoạt hình Việt Nam) thì lại xây dựng kịch bản văn học phim hoạt hình "Chú bé loắt choắt" với cảm hứng về chú bé Lượm - một nhân vật vừa có yếu tố lịch sử vừa đầy chất văn học, điện ảnh, từ cảm hứng trong bài thơ của Tố Hữu...
Sự xuất hiện của nhiều tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh... khác cho thấy có rất nhiều cách để khai thác đề tài cách mạng và kháng chiến. Trong đó, bao giờ cũng vậy, số phận con người luôn là sự rung cảm lớn nhất, là thử thách lớn nhất với văn nghệ sĩ trong việc thể hiện tác phẩm.
Nếu có gì đó đáng tiếc khi nói về cuộc thi này thì đó là khoảng thời gian diễn ra không dài, chỉ một năm rưỡi nên còn thiếu những tác phẩm giá trị ở một số thể loại đặc thù như trường ca, tiểu thuyết, hồi kỳ, giao hưởng, các tác phẩm mỹ thuật khổ lớn, kịch bản sân khấu, điện ảnh... vốn cần sự đầu tư nhiều về mặt thời gian. Hơn nữa, cuộc thi vẫn còn thiếu vắng sự tham gia của nhiều gương mặt trẻ.