Tình trạng xuống cấp ở một số nhà chung cư, tái định cư: Có phải do cơ chế?
Xã hội - Ngày đăng : 06:57, 18/08/2015
Đây là tình trạng phổ biến qua đợt giám sát vừa diễn ra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội về quản lý nhà chung cư, tái định cư (TĐC) trên địa bàn Thủ đô.
Thu không đủ chi
Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội được giao quản lý 166 tòa nhà TĐC, trong đó trực tiếp quản lý vận hành 108 tòa nhà. Đây là đơn vị được giao quản lý nhà chung cư, TĐC nhiều nhất thành phố. Qua phản ánh của cử tri, chất lượng nhà TĐC vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, công tác quản lý, vận hành và sử dụng quỹ nhà này còn nhiều vướng mắc. Một số tòa nhà thang máy hỏng, máy phát điện, hạ tầng xuống cấp… không được sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời, khiến chất lượng cuộc sống của các hộ dân cũng "xuống cấp" theo.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội thừa nhận, quỹ nhà TĐC trên địa bàn Thủ đô đến nay đã bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng, cần phải sửa chữa duy tu, bảo trì. Các trang thiết bị dùng chung như thang máy, máy phát điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy… vận hành trục trặc và hết niên hạn sử dụng cần phải thay thế, sửa chữa. Lý giải vì sao không được sửa chữa kịp thời, ông Minh cho rằng, kinh phí bảo trì các thiết bị trên lớn, nhưng hiện có đến 35 tòa nhà không có kinh phí bảo trì (do bán căn hộ trước khi có Luật Nhà ở), 38 tòa nhà có kinh phí bảo trì 2% thì thu được dưới 100 triệu đồng/tòa.
Nhiều tòa nhà tại Khu tái định cư Nam Trung Yên xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Hải Anh |
Tương tự, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) quản lý 18 tòa chung cư, TĐC Khu đô thị Nam Trung Yên. Cũng do nguồn kinh phí quá ít hoặc không có, cộng thêm việc không nhận được sự đồng thuận của người dân nên việc sửa chữa còn chậm, nhiều hạng mục công trình lớn bị xuống cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sự an toàn của người dân.
Ông Nguyễn Tử Quang, Phó Giám đốc Handico cho biết, từ khi tiếp nhận đến nay, hằng tháng, Tổng công ty phải chủ động ứng khoảng 650 triệu đồng phần kinh phí thiếu hụt cho đơn vị quản lý vận hành để bảo đảm hoạt động của các tòa nhà, phục vụ nhu cầu bức thiết của người dân. Hiện, nguồn thu chính của đơn vị quản lý là từ phí quản lý vận hành với mức 30.000 đồng/tháng/hộ dân; phí thu trông giữ xe máy 30.000 đồng/xe. Nguồn thu này rất thấp, không đủ để bù đắp các chi phí.
Nợ đọng tiền thuê kinh doanh dịch vụ
Qua giám sát, có một nghịch lý đang tồn tại là trong lúc thiếu kinh phí để bảo trì, doanh nghiệp phải ứng vốn để sửa chữa, thành phố cũng phải hỗ trợ thì tiền cho thuê các diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 của tòa nhà lại bị nợ đọng, khó đòi.
Theo báo cáo của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, đơn vị bố trí cho thuê (phải trả tiền để nộp ngân sách) với diện tích gần 24.000m2 tại 87 điểm thuộc diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1. Tuy nhiên, nhiều năm nay các đơn vị thuê nợ hơn 30 tỷ đồng. Thêm một nghịch lý nữa, các diện tích kinh doanh dịch vụ đều do công ty trực tiếp quản lý ký hợp đồng, nhưng khách thuê nợ tiền thuê nhà mà không có biện pháp nào để thu được tiền. Thậm chí có trường hợp tại Khu tái định cư Trung Yên (nhà 4F) hơn 10 năm nay không trả tiền thuê nhà. Lý giải điều này, ông Nguyễn Ngọc Minh cho rằng, mặc dù hợp đồng ký với các đơn vị thuê có ghi rõ thời hạn nộp tiền nhưng lại "quên" không ghi rõ chế tài xử lý (do không được Sở Xây dựng, UBND thành phố hướng dẫn cụ thể), nên công ty không thể cưỡng chế để thu đúng và đủ số tiền phải nộp vào ngân sách.
Có một vấn đề đáng quan tâm là, nợ đọng tiền thuê diện tích của Nhà nước, nhưng các công ty cũng không có biện pháp hoặc đề xuất, tham mưu cho thành phố hướng đòi nợ. Trong khi đó, tại buổi làm việc của Ban Kinh tế - Ngân sách, lãnh đạo hai đơn vị trên đều kiến nghị thành phố sớm hỗ trợ kinh phí để bảo trì các tòa nhà chung cư, tái định cư, vì đã xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn cho các hộ dân.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Nguyễn Văn Nam đặt nghi vấn: "Của Nhà nước thì nợ thế, nếu là tư nhân thì có nợ được như vậy không?". Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đã giám sát, tái giám sát, có kết luận về vấn đề quản lý nhà chung cư, TĐC, song đến nay, các đơn vị triển khai thực hiện rất chậm, chưa làm hết trách nhiệm được giao và thường đổ lỗi bởi vướng cơ chế chính sách, ý thức chấp hành của người dân, nhất là thiếu kinh phí để duy tu, bảo trì… Việc này đồng nghĩa với chất lượng sống của các hộ dân cũng đang bị xuống cấp và có nguy cơ mất an toàn cao.
Ông Nguyễn Văn Nam khẳng định, sau đợt giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách sẽ có kết luận, kiến nghị với UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng vào cuộc giải quyết dứt điểm những tồn tại nêu trên. Có như vậy người dân mới yên tâm, bảo đảm cuộc sống cho các gia đình TĐC phục vụ sự phát triển của Thủ đô.