Vận dụng sáng tạo bài học lịch sử, đưa Thủ đô phát triển lên tầm cao mới
Chính trị - Ngày đăng : 06:35, 18/08/2015
Qua những tham luận cho thấy, các đại biểu đều tin tưởng Thủ đô sẽ tiếp tục phát triển, đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa. Hànộimới xin giới thiệu một số ý kiến tham luận:
GS. Anh hùng Lao động Vũ Khiêu:
Có định hướng đúng mới đưa ra những giải pháp xây dựng và phát triển phù hợp
Thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng các cơ quan lãnh đạo, quản lý thành phố đã khẳng định được năng lực, đưa Thủ đô phát triển toàn diện, đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, cần phải phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, năng lực quản lý để không bỏ sót nguồn lực, không bỏ lỡ cơ hội phát triển. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô có thể học tập từ tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Bác là người "Đại trí, đại nhân, đại dũng". Chúng ta nay là những người đã có trí tuệ rồi, phải có những hành động anh hùng, đóng góp to lớn hơn cho lợi ích chung của Thủ đô, đất nước.
Với truyền thống nghìn năm văn hiến, Thăng Long - Hà Nội còn có nền tảng văn hóa giữ vai trò hết sức quan trọng. Văn hóa không chỉ trong thượng tầng kiến trúc mà còn nằm trong sự hòa hợp giữa văn hóa với kinh tế tri thức. Thành phố cần phải coi trọng kinh tế tri thức song song với việc khắc phục những hạn chế, thiếu sót, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, văn hiến vốn có, biến thành nguồn lực mới cho xây dựng và phát triển. Chúng ta đang thực hiện các mục tiêu CNH, HĐH; nhưng cần nhìn sâu hơn, xa hơn để định hướng cho giai đoạn tiếp theo, không chỉ là 5 hay 10 năm mà phải dài lâu hơn. Có định hướng đúng, Hà Nội mới đưa ra những giải pháp xây dựng và phát triển phù hợp, mới đạt được những thành tựu mới.
GS. TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia:
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững
Lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội không chỉ được lưu lại trong sử sách, mà còn hiện diện trên vùng đất nghìn năm văn hiến này bởi hàng nghìn di tích lịch sử - văn hóa và một kho tàng đồ sộ về di sản văn hóa phi vật thể với những giá trị vật chất, tinh thần, văn hóa nghệ thuật, khoa học to lớn, thể hiện đậm nét cốt cách, bản sắc, sự hội tụ và lan tỏa của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Mỗi một di tích lịch sử - văn hóa hiện diện trước chúng ta như là một dấu mốc, ẩn chứa dưới cái vỏ vật chất, là giá trị tinh thần to lớn, mà ở đó, thế hệ ngày hôm nay có thể nhận biết và học hỏi được từ trong đó những chỉ dẫn về chặng đường phát triển của lịch sử, những truyền thống quý báu, những kinh nghiệm thành công và hạn chế của lịch sử, sự hy sinh, những tấm gương về lòng yêu nước, tận trung với nước với dân, những bậc hiền tài, những tấm gương về nhân cách văn hóa, những tài năng về văn hóa nghệ thuật…
Đó chính là những chất liệu sống động, có tính kết dính ở tầm sâu, có tính lan tỏa và hội tụ để tạo thành một nguồn lực cho phát triển bền vững. Không những thế, di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể, hiện đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà nghiên cứu, của du khách trong và ngoài nước, đã và đang đóng góp nguồn thu từ những hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa vào việc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.
PGS. TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư:
Cần đổi mới tư duy phát triển vùng và liên kết vùng Thủ đô
Vị thế Thủ đô đã tạo cho Hà Nội một lợi thế độc nhất vô nhị trong liên kết vùng, địa phương để phát triển; đồng thời cũng mang một trọng trách khách quan của một trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa - khoa học, công nghệ và giao lưu quốc tế lớn của "kiểu liên kết mang tính lan tỏa, lôi kéo giữa trung tâm và ngoại vi, đô thị và nông thôn".
Tôi cho rằng, cần đổi mới nhận thức về tư duy phát triển vùng và liên kết vùng: Nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí của phát triển kinh tế vùng trong hệ thống kinh tế quốc dân và vai trò của liên kết vùng, địa phương trong hệ thống các quan hệ kinh tế vĩ mô, nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quan điểm phát triển chung và vì lợi ích phát triển toàn cục, quốc gia. Từ đó, cần xem xét lại cơ chế phân cấp giữa trung ương và địa phương, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương, gắn phân cấp cho địa phương với bảo đảm nguồn lực thực hiện. Đây là biện pháp có tính cơ bản, lâu dài, liên quan đến sửa đổi một số văn bản luật hiện hành.
GS. TS Nguyễn Viết Thịnh, Đại học Sư phạm Hà Nội:
Nguồn lực "vị thế địa chính trị của Hà Nội"
Thăng Long ở vào nơi trung tâm trời đất (Chiếu dời đô), cũng được hiểu là vị thế trung tâm về địa chính trị trong lịch sử Đại Việt. Bởi thế, khi cương vực Đại Việt được mở rộng và chủ quyền được củng cố, vị thế địa chính trị của Thăng Long được nâng lên. Còn khi đất nước rơi vào lầm than, bị ngoại xâm chiếm đóng, vị thế địa chính trị của Thăng Long bị sa sút. Thời Lê - Trịnh, đất nước chia Đàng Trong và Đàng Ngoài, trong kinh thành có vua và phủ chúa, có các thương điếm của người nước ngoài, là một thời đặc biệt trong lịch sử Thăng Long. Nhưng đấy cũng là thời nhiễu nhương và Thăng Long chỉ nổi danh là Kẻ Chợ. Kết thúc thời ấy là việc Nguyễn Huệ ba lần đem quân ra Bắc "phù Lê diệt Trịnh", nhưng thực tế cũng là chấm dứt sự thống trị của chính quyền Lê - Trịnh.
Vua Quang Trung sau đại phá quân Thanh trở lại Phú Xuân mà không định đô ở Thăng Long. Từ khi Gia Long đánh bại nhà Tây Sơn, lập vương triều Nguyễn, định đô ở Huế, Thăng Long không có vai trò là kinh đô nữa. Nhưng dòng chảy lịch sử không bị gián đoạn, mà vẫn chảy ngầm. Dưới thời thuộc Pháp, người Pháp xây dựng Hà Nội là thủ phủ Liên bang Đông Dương. Phủ toàn quyền Đông Dương ở đây, mặc dù triều đình đóng ở Huế. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa Hà Nội trở lại vị thế là Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau khi đất nước thống nhất, là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày nay, nước Việt Nam có nền kinh tế phát triển hơn trước nhiều, mở cửa, hội nhập ngày càng toàn diện vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa khu vực và thế giới (khu vực Đông Nam Á, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương). Vị thế địa chính trị của Hà Nội được nâng lên hơn bao giờ hết và thực sự là nguồn lực phát triển của Thủ đô, đồng thời cũng tạo điều kiện để Hà Nội phát huy ảnh hưởng đối với đời sống mọi mặt của đất nước.
PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội):
Chủ động nắm bắt cơ hội trong hội nhập quốc tế
Hội nhập tự bản thân nó không thể đem lại các lợi ích cho doanh nghiệp (DN) và quốc gia. Hội nhập cũng phải là một quá trình chứ không thể một sớm một chiều. Do đó, vấn đề quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là nâng cao năng lực của các DN trong nước. Tuy nhiên, kết quả điều tra và phỏng vấn sâu đã chỉ ra những quan điểm, nhận thức và sự sẵn sàng của DN Hà Nội trước thềm hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vẫn chưa cao. Các DN lớn có mức độ hiểu biết về AEC cao hơn các DN vừa và nhỏ dù mức độ chênh lệch không đáng kể. Các DN thương mại - dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng có mức độ hiểu biết cao hơn về AEC so với các DN công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp.
Hà Nội với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước, cần phải khẩn trương khắc phục những tồn tại, chủ động hơn nữa trong việc ban hành các kế hoạch hành động tổng thể để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập AEC trong giai đoạn tới; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng về AEC nói chung và các nội dung liên quan tới các ngành sản xuất và dịch vụ nói riêng; tạo sự kết nối và phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội đối với các DN trên địa bàn Hà Nội.
Ngoài ra, bản thân các DN trên địa bàn Hà Nội cũng cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu những biến động và xu hướng của thị trường ASEAN sau khi AEC hình thành. Chỉ có sự kết hợp đồng bộ, sự đồng tâm của các nhà quản lý, đến các hiệp hội và các DN mới có thể giúp Hà Nội chuẩn bị tốt và tiên phong trong cả nước trước tiến trình hình thành AEC vào cuối năm 2015, mà xa hơn nữa là chuẩn bị cho hội nhập AEC sau năm 2015 và các tiến trình hội nhập khác.