Kỳ 2: 18-8, ngày chuẩn bị cho sự kiện lớn

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:21, 18/08/2015

(HNM) - Sáng 18-8, ông Trần Quang Huy đạp xe vào làng Vạn Phúc để báo cáo tình hình và xin ý kiến Xứ ủy về kế hoạch Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội.


Sau khi nghe ông báo cáo và giải đáp những thắc mắc, Thường vụ Xứ ủy đã chuẩn y toàn bộ kế hoạch; đồng thời quyết định huyện Gia Lâm của tỉnh Bắc Ninh và Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng của tỉnh Hà Đông gấp rút tiến hành khởi nghĩa vừa nhằm chuẩn bị giành chính quyền ở hai tỉnh lỵ này cũng là để huy động quần chúng tham gia Tổng khởi nghĩa sáng 19-8 trợ lực cho Hà Nội.


Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội đã chuyển từ ngoại thành vào đóng ở 101 phố Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo) tiện cho việc chỉ đạo, giải quyết nhanh và quyết định ngay lập tức các vấn đề phát sinh trong ngày Tổng khởi nghĩa. Để chuẩn bị tinh thần cho ngày hôm sau, các đội viên tuyên truyền xung phong được giao nhiệm vụ dùng mô tô, xe đạp có cắm cờ đỏ sao vàng đi khắp phố phường phát truyền đơn đến tận tay quần chúng, dán áp phích, gọi loa hô hào khởi nghĩa. Các đội viên còn vào tận nhà các hiệu may đề nghị họ may cờ đỏ sao vàng, vào nhà trí thức nhờ viết biểu ngữ, đến các khu lao động nhờ chuẩn bị vũ khí thô sơ cho buổi mít tinh vào hôm sau. Nhiều quần chúng tự động đến tìm các hội viên Cứu quốc xin tài liệu báo chí của Việt Minh để đọc xem đường hướng của Việt Minh với dân tộc. Tại nhiều nhà máy, Hội Công nhân cứu quốc đã mít tinh thành lập Ủy ban Công nhân cách mạng. Các đội viên tự vệ công nhân tay đeo băng đỏ chia nhau canh gác bảo vệ máy móc không cho chủ hay cai ký phá hủy. Còn tại một số xí nghiệp sửa chữa vũ khí cho quân đội Nhật, công nhân công khai trương cờ đỏ sao vàng rồi kéo ra phố cổ động cho khởi nghĩa, trong khi lính Nhật đứng gác cổng nhà máy mặc cho anh em đi qua.

Trong lần gặp mặt kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (năm 2010), các đội viên xung phong Thành Hoàng Diệu kể rằng, trong ngày 18-8, một số công chức chính quyền vẫn đến công sở, nhưng không ít người hoang mang đã bỏ nhiệm sở. Nhiều cửa hàng cũng đóng cửa chờ đợi và nghe ngóng. Chỉ có các bà bán xôi ở làng Hoàng Mai vẫn đội thúng đi bán như mọi ngày. Tâm lý chung của quần chúng là háo hức chờ đợi sự kiện diễn ra trong ngày mai.

Theo lệnh của Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội, Đội danh dự Việt Minh được giao nhiệm vụ tiến hành tuyên truyền xung phong tại một số tỉnh ở phía Nam thành phố. Đội dùng ô tô cắm cờ đỏ sao vàng, gắn loa phóng thanh đi dọc quốc lộ 1 qua thị xã Phủ Lý xuống Ninh Bình rồi vòng về Nam Định, đi đến đâu các đội viên cũng phát báo "Tin Mới" đăng bài tường thuật cuộc mít tinh ngày 17-8, dùng loa loan báo quân đội Nhật đã đầu hàng quân đồng minh và kêu gọi quần chúng đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Đồng bào các làng xã hai bên đường ùa ra reo hò hưởng ứng vì nhìn thấy cờ đỏ sao vàng treo công khai trên ô tô của Đội danh dự Việt Minh. Tuyên truyền rầm rộ nên tinh thần khởi nghĩa đã lan tỏa đến các thôn quê, đồng thời gây áp lực cho cả quân Pháp lẫn quân Nhật và lính bảo an. Chiều và tối 18-8, cán bộ Việt Minh đã lãnh đạo quần chúng ở các làng xã phía Tây và Nam Hà Nội lần lượt đứng dậy khởi nghĩa, tổ chức mít tinh xóa bỏ chính quyền cũ, tịch thu triện của tổng lý và thành lập chính quyền nhân dân.

Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng ngày 14-8-1945. Trong lúc tình hình Hà Nội và Bắc Bộ xáo trộn, chính phủ Trần Trọng Kim cử bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn ra Bắc, thay mặt chính phủ giải quyết tại chỗ những vấn đề khẩn cấp. Sau khi gặp các yếu nhân Hà Nội, Hoàng Xuân Hãn gửi điện về Huế, đề nghị lập một cơ cấu chính trị mới gọi là "Ủy ban Giám đốc chính trị miền Bắc (Comité directeur de la politique du Nord). Ủy ban này có nhiệm vụ thay mặt chính phủ lâm thời Trần Trọng Kim giải quyết các vấn đề chính trị cấp bách. Ngày 16-8-1945, chính phủ Trần Trọng Kim đề cử thành phần ủy ban này gồm: Nguyễn Xuân Chữ (chủ tịch) và bốn ủy viên gồm: Phan Kế Toại, Trần Văn Lai, Đặng Thai Mai, Nguyễn Tường Long. Cũng theo tài liệu của ông Trần Quang Huy, Khâm sai Phan Kế Toại đã về Sơn Tây từ tối 17-8. Trong ngày 18-8, bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ đã cùng Hoàng Xuân Hãn, Phạm Hữu Chương kéo đến trụ sở Ủy ban Quân sự cách mạng xin gặp Việt Minh thông báo Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật ở Đông Dương đã lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới đóng quân giữa Anh và Trung Quốc và họ đề nghị hai bên hợp tác để đối phó "Đằng nào các ông cũng chiến thắng nhưng trước nguy cơ nước nhà bị chia sẻ chúng ta nên hợp tác với nhau để đối phó. Vùng nông thôn cách nội đô 15 cây số là của các ông nhưng thành thị phải nhường cho nhân sĩ trí thức cai quản thì mới có danh nghĩa và lực lượng để điều đình với Đồng minh trao trả độc lập cho ta". Thay mặt Ủy ban Quân sự cách mạng, ông Lê Trọng Nghĩa bác bỏ đề nghị này và cho rằng "Đủ danh nghĩa và lực lượng hiện nay không có ai ngoài Việt Minh. Các ông nên rút đi thì hơn". Trước lời lẽ cương quyết của ông Lê Trọng Nghĩa, họ vớt vát "Các ông tham quyền cố vị, không đoàn kết. Thế này chúng tôi phải đến bỏ đi. Nếu bị chia cắt và mất nước các ông phải hoàn toàn chịu lấy mọi hậu quả".

Khoảng 3 giờ chiều, bất ngờ xảy ra sự việc, đó là một số hội viên Hội Công nhân cứu quốc của Xí nghiệp Aviat lấy ô tô chuyển vũ khí vào nội thành khi qua cầu Paul Doumer (nay là cầu Long Biên) tự động trương cờ đỏ sao vàng lên nóc xe đã bị lính Nhật gác cầu chặn lại, chúng khám xe thấy có vũ khí nên tịch thu xe, giữ vũ khí và người đưa về Bộ Tổng tham mưu quân đội Nhật (nay là 33 Phạm Ngũ Lão). Cũng thời gian ấy, một đội tuyên truyền đang cổ động cho khởi nghĩa ở phố Tràng Tiền đã bị hiến binh Nhật lấy cớ giữ an ninh trật tự can thiệp. Thấy đội có cờ đỏ sao vàng và vũ khí chúng liền tịch thu và bắt một người. Tin quân Nhật bắt người nhanh chóng lan ra khắp phố và lập tức công nhân Aviat cùng công nhân các xí nghiệp gần đó rồi học sinh, sinh viên, đồng bào đã kéo đến biểu tình ở Tràng Tiền, Nhà hát Lớn và trước cổng Bộ Tổng tham mưu quân đội Nhật đòi trả người, trả cờ và vũ khí. Trước tình huống này, nếu không giải quyết khéo có thể ảnh hưởng đến kế hoạch chung của cuộc khởi nghĩa nên Ủy ban Quân sự cách mạng liền cử đoàn đại biểu do ông Trần Đình Long dẫn đầu đến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nhật thương lượng nhằm giải quyết một cách ôn hòa. Nhưng chỉ huy quân đội Nhật đã điều động lính ra đóng ở ga xe điện Bờ Hồ, đầu nhà Bách hóa Gô đa (nay là Trung tâm thương mại Tràng Tiền) và Nhà hát Lớn. Bốn chiếc xe tăng chạy đi chạy lại từ cửa Bộ Tổng tham mưu quân đội Nhật đến Nhà hát Lớn. Quần chúng đổ đến mỗi lúc một đông, hô khẩu hiệu đòi trả người và vũ khí. Lính Nhật và xe tăng bị hàng nghìn người vây chặt. Ủy ban cách mạng đã cho phát truyền đơn bằng tiếng Nhật yêu cầu thả người và trả vũ khí. Trước sức ép quần chúng, hơn 10 giờ đêm chỉ huy Bộ Tổng tham mưu quân đội Nhật cử hai sĩ quan đến tuyên bố trả người, cờ và ô tô, riêng vũ khí họ đưa ta 2 khẩu súng ngắn làm tin để hôm sau mang đến đổi lấy súng về.

Đêm 18-8, tại 101 Gambetta, sau một ngày làm việc để giải quyết các vấn đề do cán bộ nội thành và ngoại thành xin ý kiến về thể thức tổ chức chính quyền cách mạng, cách xử lý với chủ và cai ký ở các xí nghiệp, về việc điều động thêm tự vệ chiến đấu, công nhân xung phong và thanh niên xung phong đến trợ lực cho khởi nghĩa ở cơ sở…, Ủy ban Quân sự cách mạng đã họp lại lần cuối để duyệt kế hoạch khởi nghĩa thông qua lời hiệu triệu sẽ đọc trong mít tinh hôm sau và phân công lãnh đạo quần chúng chiếm cơ quan trọng yếu trong thành phố.

Thủy Tiên