Giảm thủ tục nhưng... lại tăng báo cáo
Đời sống - Ngày đăng : 06:02, 18/08/2015
Hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực
Theo yêu cầu của Chính phủ, các bộ, ngành đã trình Chính phủ ban hành hơn 60 nghị định, trong đó có nhiều nội dung quy định về CCHC, đặc biệt là đã đơn giản hóa 4.452/4.723 TTHC phải đơn giản hóa... Đáng lưu ý hơn, việc thực hiện cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông" trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đăng ký kinh doanh... đã được Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Tổng cục Thuế phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực triển khai, đạt được những con số ấn tượng.
Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp tại bộ phận “một cửa” Chi cục Hải quan Gia Thụy (Hà Nội). Ảnh: Bảo Kha |
Đến nay, số giờ nộp thuế của doanh nghiệp giảm 50 giờ (từ 167 giờ/năm xuống còn dưới 117 giờ/năm), đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, quy trình thí điểm cấp Giấy chứng nhận xuất xứ điện tử online mức độ 4, nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Bộ Công thương nhận được nhiều phản hồi tích cực. Chỉ cần có đường truyền internet, truy cập vào địa chỉ: www.ecosys.gov.vn là các đơn vị đã có thể truyền dữ liệu điện tử xin cấp C/O cho hàng hóa tới các phòng quản lý xuất nhập khẩu. Hệ thống đồng thời cho phép các phòng quản lý xuất nhập khẩu duyệt và phản hồi hồ sơ của doanh nghiệp trước khi doanh nghiệp mang bộ hồ sơ gốc đến để đối chiếu, giao dịch tại nơi cấp C/O. Nhờ đó giảm thiểu thời gian xử lý và cấp phép hồ sơ, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được cả thời gian, chi phí. Quan trọng hơn, còn hạn chế tình trạng tiêu cực khi phải làm việc trực tiếp với cơ quan hành chính. Số liệu thống kê cho thấy, đến thời điểm hiện tại, có khoảng 11.000 doanh nghiệp đã tham gia.
Ông Nguyễn Công Đạt, Phó Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu Công ty Dệt Hà Nam nhận xét: Việc khai báo trên hệ thống rất dễ dàng, nhanh chóng, thao tác ít hơn, dễ dàng kiểm soát quá trình xuất nhập khẩu của công ty. Đây cũng là một trong những dịch vụ đầu tiên bảo đảm được tính xác thực, cho phép giao dịch trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp. Dưới góc độ quản lý, việc triển khai cấp giấy chứng nhận xuất xứ qua internet là một bước quan trọng để nước ta thu hút đầu tư, tham gia cơ chế "một cửa" ASEAN, thể hiện cam kết của Việt Nam về hội nhập với khu vực trong bối cảnh các nước đang đẩy nhanh quá trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Nhưng vẫn tốn thời gian làm báo cáo
Có điều đáng lưu ý, dù thu được nhiều tín hiệu vui từ công tác CCHC trong những tháng đầu năm, nhưng vẫn còn không ít điểm nghẽn cần tháo gỡ. Đó là doanh nghiệp muốn đầu tư ngoài khu công nghiệp phải hoàn thành 34 thủ tục với thời gian 580 ngày. Chưa kể, ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển, nâng ngạch công chức còn chậm. Nền hành chính của Việt Nam thua kém các nước trong khu vực vì thiếu dữ liệu mô tả việc làm của từng vị trí, cơ chế cách quản lý, đánh giá chồng chéo dẫn đến hiện tượng cán bộ ngại nghiên cứu, đề xuất sáng kiến, cải tiến công việc. Trong khi đó, đây đều là những nội dung Chính phủ yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ.
"Ngành tài chính, liên quan đến tiền bạc nên trước thực trạng này cán bộ càng e dè, thận trọng, không dám sáng tạo, lỡ có sai sót lại bị báo cáo khắp nơi. Phải đẩy mạnh cải cách hệ thống công chức" - Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung nêu quan điểm. Cũng theo ông Trung, Chính phủ đang đẩy mạnh CCHC, nhưng việc tổ chức hội họp, báo cáo hành chính vẫn rất nhiều. Đây cũng là biểu hiện lãng phí nhân lực, thời gian, giai đoạn tới cần cải cách hơn nữa.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, luật quy định báo cáo 6 tháng đầu và cuối năm, báo cáo trước mỗi kỳ họp Quốc hội nhưng thực tế số lượng văn bản, báo cáo phải làm rất lớn. Đang có quá nhiều yêu cầu báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan ở nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả Bộ Tư pháp. Đơn cử, quy trình làm luật thường có sự phối hợp của nhiều cơ quan. Nhưng việc xây dựng mỗi luật không có sự gắn kết và kết quả không có sự chia sẻ kể cả trong một bộ, ngành. Nhiều khi trong một đơn vị, một bộ, ngành nhiều đơn vị cùng gửi yêu cầu báo cáo.
Trước phản ánh của các bộ, ngành, tại phiên họp Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tư pháp phải làm ngay và hoàn thành trong thời gian sớm nhất đề án giảm tải báo cáo. Theo Phó Thủ tướng, quản lý nhà nước mà không có báo cáo, không có thông tin thì không thể quản lý được, nhưng không thể 9 tháng báo cáo rồi, 10 tháng lại báo cáo nữa. Viết báo cáo càng ngắn gọn, càng dễ hiểu và phải áp dụng công nghệ thông tin. "Nên tăng cường viết email, thậm chí bây giờ chỉ nhắn tin ngắn gọn cũng giải quyết được việc" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.