Cổ phiếu ngân hàng đua lao đốc, VN-Index giảm mạnh

Tài chính - Ngày đăng : 12:22, 17/08/2015

(HNMO) - Hạ nhẹ phiên sáng nay nhưng đến buổi chiều VN-Index giảm tới hơn 15 điểm, xuống sát mốc 570 điểm. Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm mạnh là một trong những nguyên nhân khiến thị trường giảm sâu.


Toàn sàn TP HCM chỉ có 45,841 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 800.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch sáng đầu tuần. Sàn Hà Nội cũng không khả quan hơn với chỉ 15,3 triệu cổ phiếu và gần 170 tỷ đồng được sang tay.

Có vẻ như thị trường vừa trải qua một tuần giảm điểm đã khiến nhà đầu tư chùn bước, bởi vậy hôm nay họ thận trọng, nghe ngóng là chủ yếu. Đạt giao dịch cao nhất thị trường TP HCM là FLC cũng chỉ có 4,45 triệu cổ phiếu được sang tay; kế đến là CII (3,75 triệu cổ phiếu). Đây cũng là 2 mã duy nhất trong phiên này đạt giá trị giao dịch từ 2 triệu cổ phiếu trở lên.

Số cổ phiếu tăng-giảm giá không quá chênh lệch. Thị trường ghi nhận 85 mã đi lên, 93 mã đi xuống. Tại nhóm VN30, cổ phiếu tăng-giảm giá lần lượt là 10 mã và 13 mã.

Tổng giá trị chuyển nhượng trên cả hai sàn phiên sáng đạt chưa đầy 1.000 tỷ đồng (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn yếu thế khi hầu hết xuống giá: BID giảm 500 đồng/cổ phiếu, CTG hạ 200 đồng/cổ phiếu, EIB hạ 600 đồng/cổ phiếu, MBB và STB giảm 100 đồng/cổ phiếu, chỉ VCB đi lên, cộng 100 đồng/cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng-giảm đan xen: PVD hạ 1.300 đồng/cổ phiếu, PXL hạ kịch sàn 200 đồng/cổ phiếu, PXS mất 200 đồng/cổ phiếu, PTL tăng kịch trần 100 đồng/cổ phiếu. Sắp đến mùa Trung Thu nên cổ phiếu ngành bánh kẹo như KDC tăng 1.100 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu lớn là GAS hạ 1.000 đồng/cổ phiếu đã tác động lớn đến thị trường. Mã này không nằm trong nhóm VN30. Đó là lý do VN-Index và VN30-Index diễn biến trái chiều trong phiên này.

Ngay từ đợt khớp lệnh đầu tiên, nhà đầu tư tiếp tục bán ra nhiều khiến chỉ số chung cua thị trường hạ tiếp. Hết đợt này VN-Index giảm 0,36 điểm, tương ứng 0,06%, còn 588,67 điểm. Sang đợt khớp lệnh liên tục, bán ra tiếp tục là xu hướng chính của thị trường, có thời điểm VN-Index tụt xuống chỉ còn 583,41 điểm nhưng sau đó nhanh chóng giảm chậm lại. Đến giờ nghỉ trưa, VN-Index tạm dừng ở mức 588,06 điểm, hạ 0,97 điểm (-0,16%); VN30-Index nhích 0,72 điểm, tương đương 0,12%, lên 619,66 điểm.

Trong tuần qua, những diễn biến trên thị trường tiền tệ thế giới đang gây áp lực điều chỉnh cho thị trường chứng khoán tong nước. Tuy nhiên, áp lực này đã giảm dần về cuối tuần và thị trường đang dần quen với những biến cố mới.

Nhóm nghiên cứu Công ty chứng khoán Bảo Việt khuyến nghị nhà đầu tư giải ngân từng phần ở các vùng giá thấp đối với các mã cơ bản tốt và đã giảm sâu tương đối, đặc biệt thuộc các nhóm ngành có yếu tố thông tin hỗ trợ như nhóm cổ phiếu hưởng lợi bởi triển vọng mở room, nhóm có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan, bao gồm cả các mã bất động sản hạng trung.

Trên sàn Hà Nội, với lực bán ra chiếm ưu thế, hầu hết các chỉ số tại đây đều đi xuống: HNX-Index hạ 0,29 điểm, tương ứng 0,36%, còn 80,59 điểm; HNX30-Index còn 152,24 điểm, hạ 0,58 điểm; HNX30TRI-Index mất 0,67 điểm, xuống 177,82 điểm…

Sang phiên buổi chiều, thị trường diễn biến theo hướng tích cực với lực bán được nhà đầu tư tới tập tung ra. Ngay từ lúc bắt đầu phiên chiều,, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đã đồng loạt đi xuống khiến nhiều ngành khác cũng giảm theo, đẩy VN-Index có thời điểm giảm tới 17 điểm. Ít phút sau,nhà đầu tư bình tĩnh trở lại, nhờ đó thị trường giảm chậm hơn. Tuy nhiên, tính chung cuộc VN-Index vẫn giảm khá sâu so với hôm trước: VN-Index về mức 573,15 điểm, giảm 15,88 điểm (-2,70%); VN30-Index giảm 11,5 điểm,(-1,86%), còn 607,44 điểm.

Cung-cầu chênh lệch khiến cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo, lần lượt là 159 mã và 70 mã. Thanh khoản trong phiên buổi chiều tăng lên, tính chung toàn sàn có 108,220 triệu cổ phiếu và ngót 2.000 tỷ đồng được sang tay.

Các mã ngành này đồng loạt xuống giá: BID giảm 1.400 đồng/cổ phiếu, CTG và EIB giảm kịch sàn 1.400 đồng/cổ phiếu và 900 đồng/cổ phiếu, MBB giảm 700 đồng/cổ phiếu, STB giảm 200 đồng/cổ phiếu, VCB giảm 2.300 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đồng loạt mất điểm: GAS hạ 3.200 đồng/cổ phiếu, PVD, PVT, PXI, PXL, PXS, PXT hạ 100-1.300 đồng/cổ phiếu.

goài các cổ phiếu chủ chốt trên, nhiều cổ phiếu lớn khác cũng giảm giá biên độ khá rộng như: SAM mất 200 đồng/cổ phiếu, SJS giảm 700 đồng/cổ phiếu, VNM hạ 2.000 đồng/cổ phiếu, VIC giảm 800 đồng/cổ phiếu, BVH hạ 1.800 đồng/cổ phiếu.

Chịu ảnh hưởng từ thông tin Ngân hàng Đông Á vào diện kiểm soát đặc biệt, PNJ cũng giảm sàn 2.200 đồng/cổ phiếu.

Có thể nói, thị trường hôm nay diễn biến nhanh nhưng cũng có thể hiểu được khi mà thị trường đang chịu áp lực từ diễn biến thị trường tài chính quốc tế, vì thế nhà đầu tư tăng cường bán ra.

Trên sàn Hà Nội, lực bán ra mạnh cũng khiến các chỉ số giảm sâu: HNX-Index giảm 1,89 điểm, còn 78,99 điểm; HNX30-Index về mức 148,74 điểm, mất 4,08 điểm; HNX30TRI-Index giảm 4,77 điểm, xuống 173,73 điểm…Toàn thị trường có 40,361 triệu cổ phiếu và 425,898 tỷ đồng.

T.Hương