Chấn chỉnh tình trạng "xôi đỗ" - cách nào?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:30, 17/08/2015
Vốn thu hút và giải ngân đều giảm
Thông qua các hoạt động hợp tác phát triển, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi Việt Nam đã ký kết trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt hơn 1,59 tỷ USD, bằng 70,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự suy giảm này tiếp diễn từ năm 2013 đến nay với nguyên nhân là Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, vì vậy các nhà tài trợ đang thực hiện nguyên tắc từng bước giảm lượng vốn ODA cho Việt Nam để tập trung giúp đỡ các nước kém phát triển hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chủ trương tăng cường lựa chọn những lĩnh vực quan trọng, cần thiết sử dụng vốn ODA một cách hợp lý, để sớm phát huy hiệu quả tổng hợp kết hợp với việc nâng cao tốc độ giải ngân vốn vay.
Các chương trình, dự án vay vốn ODA có giá trị lớn được ký kết vừa qua gồm các dự án: Vệ sinh môi trường TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2, trị giá 450 triệu USD (WB); xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trị giá 262,79 triệu USD (Nhật Bản); nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trị giá 230 triệu USD (ADB); xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu trị giá 135,82 triệu USD (Nhật Bản và Hàn Quốc)... Bộ KH-ĐT cho biết, những dự án trên là rất cấp thiết, cần được đầu tư dứt điểm để phát huy hiệu quả KT-XH cũng như có tác dụng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn đối với địa phương, khu vực có liên quan trong thời gian tới.
Tiến độ giải ngân ODA có tác động quan trọng đối với việc phát triển hạ tầng giao thông cả nước. Ảnh: Duy Hiếu |
Trong khi đó, kết quả giải ngân ODA trong 6 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 1,917 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ. Đặc biệt, mức giải ngân không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương. Những chương trình, dự án của các lĩnh vực như giao thông, năng lượng điện, phát triển đô thị có mức giải ngân cao hơn so với các lĩnh vực khác.
Tương tự, giải ngân của các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có mức cao hơn nhiều so với các địa phương khác trong cả nước. Một số dự án có mức giải ngân cao trong 6 tháng đầu năm 2015 như: Xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (vay vốn Nhật Bản và WB), xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên… Riêng Hà Nội đạt kết quả giải ngân vượt 80% so với kế hoạch, được các cơ quan quản lý và nhà tài trợ đánh giá cao.
Nguyên nhân và giải pháp
Hiện nay, một số dự án vẫn trong tình trạng giải ngân chậm, trong đó có 14 dự án giải ngân rất chậm, cần có sự quan tâm, giám sát kết hợp hối thúc thường xuyên từ phía cơ quan chức năng để có bước chuyển biến. Nguyên nhân của việc chậm giải ngân do nhiều yếu tố, kể cả khách quan và chủ quan. Cụ thể, công tác chuẩn bị danh mục, xây dựng và phê duyệt văn kiện chương trình, dự án của các bộ, ngành và địa phương còn chậm trễ; chất lượng văn kiện, dự án thấp, không đáp ứng được yêu cầu đề ra về hiệu quả đầu tư.
Đặc biệt, trong trường hợp dự án có áp dụng cơ chế cho vay chưa thể hiện vai trò làm chủ, còn lệ thuộc vào nhà tài trợ và ý tưởng thiết kế của chuyên gia, tư vấn nước ngoài. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành và địa phương chưa sẵn sàng áp dụng mô hình viện trợ mới, như phương thức tài trợ chương trình, hình thức cho vay 2 bước của Nhật Bản trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Đáng lưu ý, một số nguyên nhân vốn xuất hiện từ lâu, mặc dù đã được tập trung tháo gỡ, nhưng vẫn còn tiếp diễn, gồm quy trình, thủ tục nội bộ trong các cơ quan tiếp nhận, sử dụng ODA từ khâu vận động, chuẩn bị dự án... đến đàm phán và ký kết hiệp định còn phức tạp, mất nhiều thời gian. Đặc biệt, vướng mắc do các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án, do khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ, do vốn đối ứng chậm được bố trí đầy đủ, kịp thời, do giải phóng mặt bằng...
Trước tình trạng "xôi đỗ" trong giải ngân vốn ODA, nhằm khắc phục trong thời gian tới để đạt được mục tiêu giải ngân cả năm bằng hoặc cao hơn năm 2014 (5,655 tỷ USD) và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA, Chính phủ xác định thực hiện một số giải pháp có tính chất quyết liệt. Đó là, các địa phương cần tập trung lựa chọn danh mục dự án ưu tiên, có khả năng hoàn thành sớm để triển khai; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình vận động, chuẩn bị dự án, đàm phán và ký kết hiệp định.
Riêng với các dự án đường sắt đô thị, Bộ KH-ĐT đề nghị thành lập nhóm công tác liên ngành phối hợp với nhà tài trợ để xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án này. Bên cạnh đó, các bộ, địa phương cần liên tục rà soát, cập nhật tình hình về vốn đối ứng cũng như tồn tại để có biện pháp xử lý, điều tiết đáp ứng nhu cầu cụ thể; tránh tình trạng đối tác Việt Nam cam kết sẽ có vốn đối ứng đủ và kịp thời trong khi thực tế không đủ khả năng bố trí vốn.
Bộ KH-ĐT cũng đề nghị xây dựng cơ chế cụ thể riêng cho chính sách đền bù, GPMB, đặc biệt với các dự án lớn, công trình trọng điểm của đất nước nhằm bảo đảm thực hiện suôn sẻ việc bồi thường và tái định cư theo quy định, tránh xung đột quyền lợi giữa các bên…