Doanh nghiệp Nhật Bản nóng lòng xâm nhập thị trường Cuba
Thế giới - Ngày đăng : 22:54, 16/08/2015
Bức tượng của chiến binh Samurai Hasekura Tsunenaga - người Nhật đầu tiên đặt chân lên Cuba từ năm 1614 - tại thủ đô Havana. |
Xét ở phương diện kinh tế, không thể phủ nhận sức hấp dẫn của Cuba đối với Nhật Bản. Trước hết, về mặt địa lý, Cuba chỉ cách Mỹ 150km. Thêm vào đó, nhu cầu về phát triển hạ tầng tại đây hiện cũng rất cấp thiết bởi lẽ nhiều cơ sở hiện có như cầu cảng đều đã quá cũ kĩ. Bản thân chính phủ Nhật hiện nay cũng đã sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp của nước mình có được các thương vụ từ Cuba thông qua các gói hỗ trợ phát triển dành cho quốc gia này.
Với các công ty Nhật, dường như thứ họ quan tâm hơn cả là việc liệu có thể nhanh chân hơn các đối thủ Mỹ hay không. Thực tế, số lượng doanh nhật Nhật Bản tới Cuba nhằm đánh giá thị trường đã tăng nhanh chóng, từ 4 đến 5 lần) trong năm qua - ngay từ khi Mỹ công bố kế hoạch bình thường hoá quan hệ. Nhiều công ty Nhật như các nhà sản xuất xe hay những công ty xây dựng đều đã đưa nhân sự tới đây. “Một số công ty đã bắt đầu khâu chuẩn bị thiết lập văn phòng đại diện tại Cuba” - đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản cho biết.
Sau 50 năm chịu cấm vận từ phía Mỹ, sự khởi sắc của nền kinh tế Cuba trong thời gian tới sẽ là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư quốc tế? |
Chính phủ Nhật Bản hi vọng việc triển khai một cách bài bản các gói cứu trợ cùng những chương trình hỗ trợ - đặc biệt là trong lĩnh vực thuốc men và nông nghiệp (vốn đang rất thiết yếu đối với người dân Cuba) - sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy nhu cầu của thị trường tại đây đối với các sản phẩm Nhật.
Hiển nhiên, ngay lúc này Cuba cũng có những kì vọng đặt vào đất nước mặt trời mọc. Theo một chuyên gia nghiên cứu kinh tế, quốc gia bên bờ biển Caribe này cũng đang cố gắng đa dạng hoá các đối tác thương mại.
Tuy nhiên, những nỗ lực bổ sung đối tác không đồng nghĩa với việc động thái cải cách kinh tế ở diện rộng sẽ diễn ra trong ngày một ngày hai tại Cuba. Vì thế, các công ty có ý muốn đặt chân tới đây ngay từ giai đoạn hiện tại sẽ phải có những kế hoạch trung và dài hạn - ít nhất là cho tới khi Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn mọi cấm vận về kinh tế. Và dĩ nhiên, một khi điều đó xảy ra, các công ty Mỹ sẽ đổ xô tới mảnh đất màu mỡ này - chưa kể tới hàng loạt các công ty châu Âu. Hiện tại, các doanh nghiệp của lục địa già cũng đang có những bước chuẩn bị ban đầu - thứ được xem là yếu tố mang tính quyết định đối với khả năng trụ vững của họ tại quốc gia có dân số hơn 11 triệu người này.