Giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 06:34, 16/08/2015

(HNM) - Hơn 40 giáo viên giảng dạy các lớp học tiếng Việt cho kiều bào tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có mặt tại Hà Nội tham gia khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt dành cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài.


Người Việt Nam không nói được tiếng Việt

Ông Hoàng Đức Hà, Ủy viên Thường trực Trung ương Hội Người Campuchia gốc Việt Nam tại Campuchia, Chủ tịch Hội Người Campuchia gốc Việt Nam tại tỉnh Kampot chia sẻ: "Xuất phát từ nhu cầu của bà con, chúng tôi đã mở một lớp dạy tiếng Việt và duy trì trong 5 năm, từ 2009 đến 2014. Tuy nhiên, đến nay lớp học phải tạm dừng vì không có giáo viên dù nhu cầu học tiếng Việt rất lớn. Chỉ một mình tôi là người giảng dạy tiếng Việt cho các em nhưng lại bận nhiều việc. Tôi thấy rất buồn khi thấy phần lớn con em người Việt ở đây không nói được tiếng Việt. Một trong những khó khăn trong giảng dạy tiếng Việt ở đây là không có giáo trình dạy. Đây cũng là lý do khiến tôi về Việt Nam lần này tham dự khóa tập huấn để chia sẻ kinh nghiệm dạy tiếng Việt".

Hơn 40 học viên tham gia lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm.


Cũng gặp phải những khó khăn trên, giáo viên dạy tiếng Việt tại Trường Lạc Long Quân ở Ba Lan, cô Phạm Thị Lan Anh lại trăn trở: "Mặc dù chưa có nghiệp vụ sư phạm nhưng tôi vẫn tham gia giảng dạy tiếng Việt với niềm đam mê gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài. Trường tiếng Việt Lạc Long Quân có lịch sử 15 năm nay, với 5 cấp ở 5 trình độ tiếng Việt khác nhau. Thế nhưng, sử dụng tài liệu nào để giảng và dạy; theo phương pháp nào cho phù hợp với các học sinh đang là trăn trở lớn với các giáo viên dạy tiếng Việt ở Ba Lan nói chung và với Trường Lạc Long Quân nói riêng”. Cô Lan Anh cũng cảm thấy buồn, vì các con từ 5 đến 7 tuổi còn biết nói tiếng Việt. Khi lớn hơn đi học, ra tiếp xúc với môi trường bên ngoài là quên hết tiếng mẹ đẻ của mình.

Tăng cường giảng dạy tiếng Việt cho người Việt

Đây là năm thứ 3 khóa tập huấn này được Ủy ban Nhà nước về người VNƠNN (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người VNƠNN Vũ Hồng Nam đánh giá cao sự tham gia, đóng góp của các học viên - những người đang nỗ lực duy trì và gìn giữ ngôn ngữ Việt nơi xa xứ.

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam nhấn mạnh: "Chương trình tập huấn tạo cơ hội cho học viên trực tiếp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhau và với các cơ quan trong nước về tình hình dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, giúp Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan có các biện pháp hiệu quả hơn trong việc đẩy mạnh, phát huy hơn nữa các hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người VNƠNN".

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, từ năm 2004, theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã chủ trì và triển khai đề án dạy và học tiếng Việt đầu tiên cho người VNƠNN. Từ những thành công đạt được cũng như để phù hợp với tình hình mới, hiện Bộ đang thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc số hóa nội dung, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kết nối và giảng dạy tiếng Việt, tăng cường tương tác trực tuyến giữa giảng viên và học sinh. Đồng thời, Việt Nam cũng đang đàm phán với nhiều nước để tăng số lượng các quốc gia, các trường đại học dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ trên thế giới.

Khóa tập huấn kéo dài từ ngày 10 đến 28-8 tại Hà Nội. Hầu hết các học viên đều mong muốn tìm được phương pháp dạy học và tài liệu chuẩn cho việc dạy tiếng Việt ở nước ngoài. Ông Hoàng Đức Hà chia sẻ: "Chúng tôi cảm ơn các cơ quan, ban, ngành trong nước đã tổ chức khóa tập huấn ý nghĩa này. Đây là sự quan tâm của quê hương trong việc duy trì, gìn giữ văn hóa dân tộc thông qua việc giảng dạy tiếng Việt cho con em chúng tôi ở nước ngoài.

Bài, ảnh: Đình Hiệp