Xin đừng hủy thực phẩm!
Thế giới - Ngày đăng : 06:31, 16/08/2015
Kể từ tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm nhập khẩu vào Nga một số mặt hàng nông sản, nguyên liệu và lương thực, thực phẩm có xuất xứ từ những quốc gia áp đặt trừng phạt kinh tế chống lại các cá nhân và tổ chức của Nga, hoặc những quốc gia đã ủng hộ quyết định trừng phạt này. Theo đó, Nga đã ngừng nhập khẩu thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, cá, pho mát, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau quả từ các nước Liên minh Châu Âu (EU), Australia, Canada, Mỹ và Na Uy. Và mới đây nhất, Tổng thống V.Putin đã ký ban hành sắc lệnh tiêu hủy hàng nghìn hàng hóa nhập khẩu trái phép từ các nước bị Nga áp dụng lệnh cấm nhập.
Theo sắc lệnh này, từ đầu tháng 8, các cơ quan chức năng Nga bắt đầu tiêu hủy hàng hóa nhập khẩu trái phép. Tại Mátxcơva, Cơ quan Giám sát nông nghiệp Nga đã chuyển 28 tấn táo và cà chua của Ba Lan đi tiêu hủy. Các mặt hàng này được vận chuyển qua Kazakhstan để đưa vào Nga. Tại TP Belgorod, 10 tấn pho mát nhập khẩu trái phép đã bị tiêu hủy. Hoạt động tương tự cũng diễn ra tại nhiều tỉnh, thành và khu vực của Nga như Saint Petersburg, Smolensk, Saratov, Altai, Briansk... Riêng tại Saint Petersburg, Cơ quan Giám sát nông nghiệp Nga dự kiến tiêu hủy 17 container chứa thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt nhập lậu vào Nga và đã cập cảng thành phố này.
Lệnh cấm vận của Nga để đáp trả đòn cấm vận từ phương Tây đã khiến kinh tế nước này lâm vào khó khăn. Kế hoạch tiêu hủy số lượng lớn sản phẩm thực phẩm lậu từ phương Tây của Nga đã gây phản ứng trái chiều trong người dân, các chính khách và các nhà hoạt động xã hội. Rất nhiều người đã phản đối việc làm này của Chính phủ Nga. Tình hình lạm phát hiện nay khiến cho giá thực phẩm ở Nga tăng hơn 20%. Do đó, việc tiêu hủy được báo chí Nga đưa tin đã gây bức xúc trong dân chúng.
Việc tiêu hủy hàng cấm nhập được thực hiện trong bối cảnh giá thực phẩm tăng cao hiện đang gây khó khăn cho cuộc sống người nghèo ở Nga. Đồng ruble đã mất giá hơn 40% so với đồng USD trong khi lạm phát chung ở mức trên 15%. Điều đó có nghĩa là giá cả hàng hóa và dịch vụ Nga trở nên đắt đỏ hơn nhiều so với một năm trước, khiến cuộc sống người dân ngày càng khó khăn. Người Nga buộc phải giảm chi tiêu. Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại Nga sụt giảm 9,4% trong tháng 6 vừa qua sau khi liên tục hạ trong tất cả các tháng kể từ đầu năm.
Trong bối cảnh như vậy, ngày 13-8, Đảng Cộng sản Nga đã đề xuất dự luật phân phát các nông phẩm bị tịch thu cho người nghèo thay vì tiêu hủy. Dự luật nêu rõ những mặt hàng nông phẩm bị thu giữ nên được phân phát cho người nghèo, nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai hay gửi cứu trợ nhân đạo ra nước ngoài. Theo Liên hợp quốc, hơn 800 triệu người trên thế giới đang bị đói và hàng triệu người chết đói… Do đó, theo các nghị sĩ Đảng Cộng sản tại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga, chỉ nên tiêu hủy những nông phẩm có chất lượng kém hay nguy hiểm, số còn lại nên để giúp người nghèo hay nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang.
Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Alexander Tkachyov đã đưa ra một dự tính đầy tham vọng là các sản phẩm nông nghiệp Nga sẽ có thể thay thế tất cả các loại thực phẩm ngoại được bày bán ở siêu thị trong vòng một thập niên tới. Tuy vậy, điều này có vẻ vẫn còn khá xa vời khi nông dân Nga vẫn phải đối mặt với những khó khăn mang tính lâu dài như thiếu cơ hội tiếp cận nguồn vốn, cơ sở hạ tầng kém phát triển, thiết bị lạc hậu và không có một chính sách công nghệ toàn diện... Đồng thời, các lệnh cấm không biết sẽ kéo dài bao lâu nữa cũng đang là nguyên nhân khiến nông dân Nga không mấy mặn mà với những dự án đầu tư mang tính lâu dài như sản xuất thịt bò và sữa.