Sức mạnh từ các nữ lực sĩ
Thể thao - Ngày đăng : 06:05, 16/08/2015
Lực sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai (giữa, hạng dưới 69kg) giành 3 HCV cho Đoàn Hà Nội. Ảnh: Thắng Tài |
Ở Hà Nội từ nhiều năm nay, cử tạ nữ luôn là mũi nhọn để thi thố ở Giải vô địch quốc gia. Từ lứa VĐV của Dương Thị Ngọc (giờ là Chủ nhiệm CLB cử tạ Hà Nội) đến Trần Thị Tài (đang là Phó Chủ nhiệm CLB cử tạ Hà Nội), Nguyễn Phương Loan (HCV SEA Games 24 năm 2007, giờ đang là HLV đội trẻ Hà Nội), Ngô Thị Ngà… rồi sau này là Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Thị Tuyết Mai, tất cả đều để lại dấu ấn trong làng cử tạ Việt Nam. Xuyên suốt quá trình phát triển của những lứa VĐV mang nặng dấu ấn của nguyên Chủ nhiệm CLB cử tạ Hoàng Thị Kim Cúc - người được giao trách nhiệm gây dựng lực lượng cử tạ Hà Nội từ cách đây hơn 20 năm.
Ngần ấy năm lăn lộn cùng cử tạ Hà Nội, người phụ nữ vốn xuất thân từ VĐV điền kinh này đã tạo nên những cột mốc đáng chú ý cho cử tạ Việt Nam, trong đó có tấm HCV SEA Games năm 1997, cũng là tấm HCV SEA Games đầu tiên của cử tạ Việt Nam của lực sĩ Nguyễn Quốc Thanh. 10 năm sau, đến lượt Nguyễn Thị Phương Loan giành tấm HCV SEA Games thứ hai cho cử tạ Hà Nội.
Thực tế, tấm HCV đó là sự cụ thể hóa cả một quá trình đầu tư mạnh mẽ cho cử tạ nữ của Hà Nội. Sau năm 2010, các nội dung nữ chính là vũ khí để cử tạ Hà Nội duy trì sự cạnh tranh trên bảng tổng sắp huy chương với TP Hồ Chí Minh tại các kỳ giải quốc gia cũng như tìm kiếm huy chương tại các giải quốc tế hay suất tham dự Olympic.
Hai năm gần đây, lực lượng cử tạ Hà Nội có nhiều biến động. Vị trí Chủ nhiệm CLB cũng thay đổi khi HLV Hoàng Thị Kim Cúc nghỉ hưu để cô học trò Dương Thị Ngọc, thuộc thế hệ 8X thay thế. Nhiều người đã lo rằng quá trình chuyển giao thế hệ, rồi một số khó khăn về cơ chế sẽ khiến Hà Nội thụt lùi trong thời gian dài. Tuy nhiên, chính nền tảng được gây dựng trong thời gian dài với vũ khí "cử tạ nữ" đã giúp cử tạ Hà Nội đứng vững.
Sau khi vượt qua kỳ sát hạch quan trọng nhất dưới thời tân Chủ nhiệm Dương Thị Ngọc, với vị trí nhì toàn đoàn tại ĐH TDTT toàn quốc năm 2014 dù trông chờ chủ yếu vào các lực sĩ nữ, đến Giải vô địch quốc gia lần này, Hà Nội đã lên nhất toàn đoàn với trên 2/3 tổng số HCV thuộc về các lực sĩ nữ. Tất nhiên, với những người làm thể thao Hà Nội cũng như riêng môn cử tạ, chức vô địch quốc gia chưa bao giờ là mục tiêu cao nhất. Phải đóng góp vào thành tích chung tại các ĐH thể thao quốc tế của Đoàn Việt Nam, cũng như có VĐV tham dự Olympic mới là cái đích cuối.
Lúc này, cử tạ nữ Hà Nội đang sở hữu một dàn VĐV nữ (cả kỳ cựu và trẻ) có tài để thực hiện những mục tiêu trên. Tất nhiên, trong quá khứ, Hà Nội từng sở hữu nhiều lực sĩ nam nổi tiếng như Nguyễn Quốc Thanh, Nguyễn Mạnh Thắng, Lưu Văn Thắng. Vậy nên, nếu đi được trên hai chân (cả cử tạ nữ và nam) sẽ là tốt nhất. Nhưng trong điều kiện lực lượng như hiện tại, rõ ràng việc chăm chút cho các lực sĩ nữ cũng là bình thường, để ít nhất cũng giữ vị thế cho cử tạ Hà Nội.
Kết thúc Giải vô địch cử tạ toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 15-8, Đoàn Hà Nội đứng đầu toàn đoàn với 14 HCV, 4 HCB, 6 HCĐ. TP Hồ Chí Minh dù không có Thạch Kim Tuấn (hạng 56kg nam, không thi đấu tại giải để chữa trị chấn thương cũng như chuẩn bị cho Giải Vô địch Châu Á) cũng giành được 10 HCV, 11 HCB, 4 HCĐ để xếp nhì toàn đoàn. Thứ ba là Đà Nẵng với 9 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ. Trong 9 HCV của Đà Nẵng có 3 HCV của lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn ở hạng 56kg nam. |