Sẽ “khai tử” những biển báo giao thông bất hợp lý

Giao thông - Ngày đăng : 07:35, 14/08/2015

(HNM) -


Do đó cần rà soát, điều chỉnh hệ thống biển báo để đi vào quy chuẩn" - Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) và các cơ quan liên quan...

Gây khó người tham gia giao thông

Thời gian qua, không ít người dân phản ánh thông tin xung quanh những biển báo tốc độ không phù hợp, thậm chí trở thành "cái bẫy" cho người tham gia giao thông. Tình trạng biển báo hạn chế tốc độ "mọc" tràn lan, cả trên đường cũ đang khai thác và cả đường mới cải tạo nâng cấp. Nhiều biển báo chữ quá nhỏ khiến cho người tham gia giao thông phải dừng xe lại để đọc. Ví dụ, như biển hạn chế tốc độ 50km/h cắm từ nhà ga Sân bay Nội Bài (Hà Nội) đến đoạn ngã tư rẽ đi Vĩnh Phúc trong khi đây là tuyến đường được đầu tư với quy mô 4 làn xe/chiều, tổng mức đầu tư tới hàng nghìn tỷ đồng. Quy định tốc độ như vậy là không phù hợp với thiết kế của đường.

Chi chít biển báo hạn chế tốc độ trên một tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh.


Dọc quốc lộ 5 từ Hải Phòng về Hà Nội cũng đang có hàng trăm tấm biển phân làn được treo, nhưng phần lớn không đúng với quy chuẩn về biển chỉ dẫn giao thông đường bộ. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, đối với các biển chỉ dẫn đường dành cho ô tô, mô tô, xe máy, xe thô sơ… phải có hình ảnh phương tiện kèm theo chữ nhưng nhiều biển hiện tại đều chỉ có chữ mà không có hình ảnh đi kèm. Hay như đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, tốc độ tối đa 120km/h, nhưng trên tuyến lại có 2 đoạn giới hạn xuống 100km/h, lái xe nào không quen đường sẽ vi phạm. Trên nhiều tuyến cao tốc có những đoạn đường thẳng, yếu tố hình học đạt, độ nhám bảo đảm đáng lẽ chạy được 120km/h nhưng lại cắm biển 80km/h gây khó khăn cho lái xe.

Riêng trên địa bàn Thủ đô cũng đang tồn tại không ít biển báo phân làn, hạn chế tốc độ gây khó cho người tham gia giao thông. Đặc biệt là tuyến đường Vành đai 3 trên cao. Tuyến này có nhiều đường dẫn lên xuống ở các khu vực như ngã tư Trần Duy Hưng - Phạm Hùng; Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, Giải Phóng - cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, song những tấm biển có dòng chữ nhỏ lại treo thấp khiến tài xế khó quan sát, dẫn tới không ít trường hợp đi nhầm đường.

Nhiều lái xe bức xúc cho rằng Nhà nước bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, xây dựng, cải tạo hạ tầng đường sá, nhưng lại bố trí hệ thống biển báo hướng dẫn giao thông chưa phù hợp đã không phát huy được hiệu quả của công trình, giảm khả năng khai thác, dẫn tới lãng phí tiền của. Thậm chí trở thành nguy cơ gây tai nạn giao thông và "tạo điều kiện" cho các lực lượng chức năng có hành vi tiêu cực…

Không để tràn lan biển hạn chế tốc độ

Thừa nhận tình trạng biển báo giao thông vẫn đang tồn tại những bất cập, đại diện các cơ quan chức năng liên quan nhận định, đối với biển báo đã cắm trên đường đang khai thác, đơn vị quản lý đường bộ với tâm lý ngại trách nhiệm, chưa cương quyết rà soát, loại bỏ các biển báo không còn hợp lý (biển cắm do đơn vị thi công cắm để thi công, hoặc điều kiện đường sá đã thay đổi hoặc đã được cải thiện tốt hơn, hoặc cứ thấy xảy ra tai nạn là cắm biển hạn chế tốc độ…). Còn đối với các tuyến đường mới cải tạo, nâng cấp, các hạng mục như biển báo lại chưa được quan tâm xứng đáng.

Đại diện Tổng cục ĐBVN cho biết, thời gian qua Tổng cục đã tiếp nhận nhiều kiến nghị về bất cập của hệ thống biển báo hạn chế tốc độ. Trên cơ sở đó đã rà soát trên toàn hệ thống quốc lộ để điều chỉnh theo hướng dỡ bỏ các biển báo hạn chế tốc độ không phù hợp. Riêng trong năm 2014 và quý I-2015 đã điều chỉnh 473 cụm biển báo tốc độ trên hệ thống quốc lộ.

Đối với quốc lộ 1 và tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (đang trong giai đoạn cải tạo, nâng cấp, một số đoạn đã đưa vào khai thác), mới đây Tổng cục đã yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát, điều chỉnh các biển báo qua khu vực đông dân cư. Theo đó, chỉ cắm các biển (bắt đầu khu đông dân cư và hết khu đông dân cư) tại khu vực có mật độ dân cư đông đúc, liên tục kéo dài dọc tuyến từ 500m trở lên; không đặt biển đối với các đoạn tuyến chưa đô thị hóa, dân cư thưa thớt và tầm nhìn không bị hạn chế... Đồng thời, rà soát, tháo dỡ các biển tốc độ tối đa cho phép 40km/h, 50km/h, 60km/h.

Các chuyên gia chỉ rõ, việc cắm biển tốc độ ở Việt Nam được thực hiện theo Thông tư 13/2009/TT-BGTVT của Bộ GT-VT. Các quy định trong thông tư này chủ yếu được xây dựng dựa vào kinh nghiệm từ nước ngoài, có những điểm qua thực tế triển khai đã bộc lộ không ít bất cập. Để giải quyết tận gốc, Tổng cục ĐBVN đang nghiên cứu, sửa đổi Thông tư 13 quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Trong đó, phân rõ các loại đường (đường cao tốc, đường cấp cao, đường giao thông nông thôn…), quy định tốc độ tối đa, đưa ra phương pháp tính toán cụ thể, không cắm biển hạn chế tốc độ một cách tràn lan như hiện nay.

Tuấn Khải