Niềm tin và cơ chế...

Đời sống - Ngày đăng : 06:41, 14/08/2015

(HNM) - Đã gần hết thời gian thí điểm theo yêu cầu của Quốc hội, song hoạt động chủ yếu của văn phòng Thừa phát lại (TPL) tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh… chủ yếu là lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử cũng như trong các quan hệ pháp lý khác và tống đạt văn bản giấy tờ.


Riêng việc trực tiếp tổ chức thi hành án (THA) còn rất ít, thậm chí có đơn vị chưa thực hiện được vụ việc nào. TPL chưa tạo được niềm tin hay do thiếu cơ chế để thực hiện?

Chưa dám nhận việc khó

Đến thời điểm này, khái niệm TPL đã khá quen thuộc với nhiều người dân TP Hồ Chí Minh - địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm chế định TPL. Nhưng với không ít người dân, ngay cả một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã ở 12 địa phương tiếp tục được chọn mở rộng thí điểm (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long) TPL vẫn còn khá xa lạ.

Đến thời điểm này, Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về TPL. Ở những địa phương làm thí điểm cũng đã tuyên truyền ý nghĩa, hoạt động của TPL tới tận tổ dân phố. Dù vậy, các văn phòng TPL vẫn hoạt động chưa "đều tay", chủ yếu là lập vi bằng, tống đạt văn bản giấy tờ tới đương sự theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan THA... Riêng việc trực tiếp tổ chức THA rất ít, chưa đạt mục tiêu đề ra. Sở dĩ có tình trạng này, theo phản ánh của nhiều địa phương, một phần do đội ngũ thực hiện mỏng, kinh nghiệm còn ít, không dám nhận nhiều việc khó.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn:

Thành công đầu tiên là tại Hà Nội, 8 văn phòng TPL được thành lập trong vòng hơn 16 tháng nhận được sự hưởng ứng của người dân và xã hội, thể hiện sự yêu nghề, hiểu nghề và tính kiên trì của cán bộ trong hoạt động thí điểm chế định TPL. Tôi cho rằng cần tiếp tục thực hiện chế định này. Đích đến trong tương lai, TPL dần phải thay thế các cơ quan nhà nước trong tổ chức THA thay vì hỗ trợ giảm tải công tác THA như hiện nay và phải điều chỉnh bằng quy định cụ thể trong Luật THA.



Trong lĩnh vực THA dân sự, lượng án tồn rất lớn. TPL được Quốc hội kỳ vọng như một lực lượng mới có thể sẻ chia trách nhiệm với hệ thống cơ quan THA hiện hành, gánh vác việc thực thi bản án, quyết định của tòa án một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đồng thời tạo thêm quyền lợi cho người dân trong việc lựa chọn dịch vụ tốt nhất cho mình. Nhưng đến hết tháng 5-2015, 6/8 văn phòng TPL trên địa bàn Hà Nội mới xác minh điều kiện thi hành án tổng số 50 việc, có đơn vị chưa thực hiện vụ nào. Về tổ chức THA, 3/8 văn phòng TPL mới thụ lý 15 việc. Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khác, hầu hết các văn phòng TPL đều "sống" nhờ lập vi bằng và tống đạt văn bản. Câu hỏi đặt ra là, tại sao ở hầu hết địa phương được thí điểm, kết quả THA đều chưa như mong muốn?

"Danh chính, ngôn thuận"

Theo ông Bùi Trọng Hào, Trưởng Văn phòng TPL Hà Đông (Hà Nội), mấu chốt vấn đề là chế định TPL lại mới ở trong giai đoạn thí điểm, thiếu các văn bản pháp luật điều chỉnh, hướng dẫn hoạt động TPL nên một số đơn vị cấp xã, cụ thể là công an xã gây khó, thậm chí từ chối hỗ trợ TPL. Phía người dân vẫn còn tâm lý e ngại về khả năng tổ chức THA của TPL. Ở góc nhìn khác, Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình (Hà Nội) Nguyễn Văn Lạng cũng thẳng thắn thừa nhận: TPL chưa làm được nhiều so với mục đích đặt ra trong hoạt động THADS vì chưa có cơ chế rõ ràng. "Chúng tôi hoạt động chỉ dựa vào nghị định, trong khi luật chưa chính thức ghi nhận. Nếu có hành lang pháp lý chính thức thì chúng tôi sẽ làm không kém cơ quan THADS. Cái chính vẫn là phải xã hội hóa hoạt động THADS" - Ông Nguyễn Văn Lạng nói.

Vấn đề này, Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm TPL TP Hà Nội cũng thừa nhận: Trong nhiều nguyên nhân khách quan thì sự thiếu đồng bộ về quy định là lớn nhất. Nhìn tổng thể, các quy định của pháp luật về TPL hiện nay chưa cụ thể và hiệu lực chưa cao nên trong quá trình triển khai thực hiện chế định này vẫn còn có nhiều khó khăn, vướng mắc. Hơn nữa, việc áp dụng pháp luật về TPL thường dẫn đến mâu thuẫn với các luật, pháp lệnh khác có liên quan càng làm hạn chế hiệu lực hoạt động của TPL. Đơn cử, Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18-10-2013 của Chính phủ đã tháo gỡ một phần khó khăn trong việc xác minh điều kiện THA tại ngân hàng và tổ chức tín dụng nhưng vẫn chưa giải quyết được các vướng mắc trong việc văn phòng TPL quyết định áp dụng các biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế THA.

Ngoài ra, cùng là tổ chức có chức năng THA nhưng văn phòng TPL và các chi cục THA chưa bình đẳng trong cơ chế triển khai THA (các văn phòng TPL không được Nhà nước "bao cấp" như đối với 63 Cục THA dân sự, trên 700 Chi cục THA với trên 10 ngàn người). Những điều này vô tình đã tạo nên sự "bất bình đẳng" giữa các cơ quan THA dân sự và văn phòng TPL. Việc tổng kết thực hiện thí điểm chế định TPL sẽ được Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tổ chức trong một ngày gần đây. Cho phép áp dụng chính thức chế định TPL, xây dựng phương thức hạn chế phân biệt công tư trong THA, cơ chế bảo đảm phối hợp cho TPL hoạt động hiệu quả ở tầm luật là kiến nghị, mong mỏi của nhiều TPL, chính quyền các địa phương Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

"Sự tham gia của chế định TPL chẳng những không làm cho hoạt động tư pháp bị xáo trộn mà còn góp phần bổ khuyết cho những hạn chế tự thân của hoạt động tư pháp. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xét xử và công tác THA dân sự trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, làm cho hoạt động tư pháp hiệu quả, chặt chẽ và đúng vai trò hơn". (Trích báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm chế định TPL tại TP Hồ Chí Minh).

Hà Phong