Sẽ còn “vàng thau lẫn lộn”

Xã hội - Ngày đăng : 06:22, 14/08/2015

(HNM) - Thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) đang hỗn loạn với hàng chục nghìn chủng loại và liên tiếp những vụ kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng bị phát hiện, xử lý.


Đáng chú ý, trong khi công tác quản lý TPCN còn thiếu "chuẩn" thì việc công bố, đăng ký sản xuất, kinh doanh lại quá dễ dàng... Đây là những vấn đề lại được nêu ra tại hội thảo Góp ý dự thảo Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) TPCN do Hiệp hội TPCN Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tổ chức ngày 13-8.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi chuyển sang... thực phẩm chức năng

Năm 2000, TPCN bắt đầu thâm nhập và lưu hành tại thị trường Việt Nam. Từ chỗ chỉ có 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN, đến nay đã tăng lên khoảng 4.000 doanh nghiệp. Lợi dụng nhu cầu TPCN ngày càng lớn của người dân, nhiều đối tượng đã cố tình quảng cáo sai chức năng của sản phẩm này, nguy hiểm hơn là sản xuất TPCN giả.

Theo Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong, năm nay được Cục ưu tiên tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh TPCN. Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Cục ATTP đã xử lý gần 200 trường hợp với số tiền phạt nhiều tỷ đồng. Kết quả kiểm tra cũng đặt ra vấn đề là việc công bố, đăng ký sản xuất, kinh doanh TPCN hiện nay quá dễ dàng. Bên cạnh những cơ sở sản xuất TPCN được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, có nhiều nơi chỉ có số vốn chưa vượt qua vài trăm triệu, thậm chí còn ít hơn. Đơn cử, có trường hợp doanh nghiệp chỉ thuê quầy hàng rộng 9m2 - 10m2 của một nhà dân nhưng cũng đứng ra công bố và đăng ký kinh doanh TPCN.

Cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ một lượng lớn thực phẩm chức năng kém chất lượng. Ảnh: Quang Tấn


Sau đó, doanh nghiệp này lại thuê gia công tại một cơ sở sản xuất khác. Đến khi phân phối ra thị trường sản phẩm "có vấn đề", cơ quan quản lý quay lại địa chỉ để tìm doanh nghiệp nhưng cơ sở đã chuyển địa điểm khác... "Thực trạng này nảy sinh ra hai vấn đề. Thứ nhất, với những doanh nghiệp ít vốn, chắc chắn khó có thể bảo đảm điều kiện vệ sinh trong quy trình sản xuất so với các doanh nghiệp được đầu tư lớn; thứ hai là sự cạnh tranh không lành mạnh trong giá thành sản phẩm. Như vậy, một trong những điều chúng ta cần làm là hoàn thiện, chuẩn hóa các văn bản quy phạm pháp luật mà quy định điều kiện vệ sinh trong sản xuất TPCN là điều tiên quyết" - Ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm trên, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam thẳng thắn thừa nhận, rõ ràng, ngành TPCN Việt Nam đang tồn tại quá nhiều bất cập, trong đó có 8 bất cập chính. Đầu tiên là điều kiện sản xuất TPCN bị thả nổi, ai cũng có thể sản xuất; không có điều kiện cụ thể. Thậm chí, người đang sản xuất thức ăn cho động vật, lại chuyển sang sản xuất TPCN. Thứ hai, điều kiện để TPCN được lưu hành ở Việt Nam quá dễ, cũng ảnh hưởng tới chất lượng TPCN. Tiếp đến là hiện nay Việt Nam chưa quy định cụ thể những thành phần được phép có trong TPCN và những thành phần phải cấm, đó là điều rất nguy hiểm.

Chính vì vậy, một số doanh nghiệp dược cũng đưa cả các thành phần thuốc vào TPCN. Bên cạnh đó, việc công bố tác dụng đối với sức khỏe của TPCN còn thả nổi. Doanh nghiệp công bố tác dụng TPCN như một thần dược, thậm chí còn công bố tác dụng mạnh hơn thuốc trong khi TPCN chỉ mang tính hỗ trợ chứ không có tác dụng như thuốc. Cùng với đó là việc quảng cáo thái quá, 50% quảng cáo không đúng nội dung đăng ký tại Cục ATTP. Thứ sáu là về hiệu quả, chất lượng và tính an toàn của TPCN. Đây là 3 tính cơ bản của một sản phẩm, yêu cầu phải nêu được định nghĩa, tiêu chí. Tuy nhiên, đến nay điều này vẫn chưa bảo đảm được. Thứ bảy là thực trạng TPCN xách tay, lậu tràn lan lưu hành, không bảo đảm an toàn. Cuối cùng là yếu kém trong kiểm nghiệm, trang thiết bị…

Trước thực tế trên, nhiều đại biểu cho rằng, nếu không có chế tài xử lý tốt, đặc biệt là quản lý điều kiện sản xuất TPCN thì từ tôn vinh, ghi nhận vai trò của TPCN, người tiêu dùng sẽ quay lưng. Đây là nguy cơ rất lớn đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Chỉ khoảng... 3/1.000 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP

Theo các đại biểu, dự thảo Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt TPCN sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN ngay từ khâu sản xuất. Cụ thể, GMP (viết tắt bằng tiếng Anh của "Good Manufacturing Practice" - Thực hành tốt sản xuất) sẽ đưa ra những nguyên tắc chung, những quy định, hướng dẫn các nội dung cơ bản về điều kiện sản xuất; áp dụng cho các cơ sở sản xuất, gia công, đóng gói TPCN… nhằm bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng và an toàn. TPCN áp dụng GMP cũng đặt yếu tố con người, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, thao tác, môi trường ở tất cả các khu vực của quá trình sản xuất, kể cả vấn đề giải quyết khiếu nại của khách hàng và thu hồi sản phẩm sai lỗi là quan trọng nhất.

Đề cập đến dự thảo trên, dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu TPCN cho rằng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nên sớm áp dụng tiêu chuẩn GMP. Tuy nhiên, hiện chỉ khoảng 3-4 doanh nghiệp trong số hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh TPCN có đủ tiêu chuẩn GMP. "Nếu áp dụng GMP, số doanh nghiệp tồn tại được chỉ 50/50, tức khoảng một nửa doanh nghiệp chân chính đầu tư bài bản để làm TPCN mới tồn tại được trên thị trường. Nếu không chấp nhận đầu tư, doanh nghiệp sẽ bị loại khỏi cuộc chơi", ông Nguyễn Xuân Hoàng nói.

Theo lộ trình, sau khi xin ý kiến các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp và địa phương, tiêu chuẩn GMP sẽ (cố gắng) được áp dụng vào năm 2018. Tuy nhiên, từ nay đến khi GMP chính thức được thông qua, người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận thực trạng thị trường TPCN "vàng thau lẫn lộn".

Không được kinh doanh thực phẩm chức năng xách tay

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong khẳng định, theo quy định của pháp luật, TPCN xách tay không được bán ra thị trường. Bởi vì TPCN xách tay chưa được công bố, không thông qua giám sát của cơ quan quản lý với một số lượng nhất định nên chỉ được phép mang theo để sử dụng với mục đích cá nhân. Nếu mang ra thị trường bán là vi phạm pháp luật, vì vậy, người tiêu dùng tuyệt đối không mua và sử dụng những sản phẩm được quảng cáo là TPCN xách tay.

Thu Trang