BRT - Lời giải cho vận tải hành khách công cộng?
Xã hội - Ngày đăng : 06:14, 14/08/2015
Khắc phục hạn chế vận tải công cộng
Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh (Viết tắt là UCCI, Chủ đầu tư) thông tin, theo quy hoạch phát triển giao thông công cộng tầm nhìn đến năm 2020 và sau năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng 6 tuyến BRT gồm: Tuyến BRT số 1 (đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ); Tuyến BRT số 2 (đường Nguyễn Văn Linh từ Bến xe miền Tây mới tới cầu Phú Mỹ); Tuyến BRT số 3 (đường Vành đai 2 từ ngã tư An Sương đến Bến xe miền Tây mới); Tuyến BRT số 4 (đường Phạm Văn Đồng từ đường Kha Vạn Cân đến Công viên Chiến Thắng); Tuyến BRT số 5 (đường Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong nối ra đường Nguyễn Văn Linh từ ngã tư Bốn Xã đến đường Nguyễn Văn Linh) và Tuyến BRT số 6 (đường Quang Trung, theo hướng tuyến Monorail số 3). Tổng chiều dài gần 100km và kết nối với các tuyến Metro trong tương lai.
Mô hình xe buýt nhanh |
Theo ông Lương Minh phúc, Trưởng ban UCCI, TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng hơn 6,8 triệu xe gắn máy, hơn 3.000 xe buýt và 12.500 xe taxi, với khoảng 10 triệu dân (gồm cả dân nhập cư). Tuy nhiên, hạn chế là hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chỉ đáp ứng khoảng 6% nhu cầu đi lại của người dân, 94% còn lại người dân đều phải tự trang bị và đi bằng xe cá nhân, đặc biệt là xe máy. Điều này đồng nghĩa hệ thống giao thông công cộng chưa phát huy hiệu quả cao, đặc biệt làm gia tăng xe cá nhân, gây ra ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường không khí... Từ đó, ông Phúc cho rằng, việc phát triển giao thông xanh TP Hồ Chí Minh, cụ thể là đầu tư phát triển tuyến BRT là nhu cầu bức thiết và cần được triển khai xây dựng.
Cũng theo các chuyên gia giao thông, BRT là hình thức sử dụng xe khách loại lớn, có sức chở cao gấp 2 đến 3 lần xe buýt thường và được chạy trên một làn đường dành riêng hoặc ưu tiên để bảo đảm đúng thời gian hành trình. Theo tính toán của đơn vị thiết kế với thời gian giãn cách 5 đến 10 phút/chuyến, năm 2018, khi đưa vào khai thác sẽ chở được 31.600 hành khách/ngày, còn năm 2020 sẽ đạt 86.250 khách/ngày. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu hành khách đi lại và hạn chế xe cá nhân.
Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc phát triển các tuyến BRT là một bước tiến quan trọng trong định hướng ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt của TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, tuyến BRT cung cấp dịch vụ VTHKCC nhanh hơn, an toàn hơn, tiện nghi hơn và chính xác hơn. Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc lại mạng lưới tuyến xe buýt thành phố, kết hợp các tuyến tàu điện ngầm hình thành mạng lưới VTHKCC khối lượng lớn, tốc độ cao. Từ đó, xe buýt sẽ dần trở thành một loại hình giao thông công cộng thay thế các phương tiện giao thông cá nhân, trước mắt là trên tuyến BRT số 1 (đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) và sau đó nhân rộng trên các tuyến đường khác.
Nâng cao chất lượng sống
Tiến sĩ Ngô Châu Phương, Chủ nhiệm đồ án dự án phát triển giao thông xanh cho hay, khi đi BRT, hành khách sẽ ra vào trạm dừng BRT bằng cầu vượt bộ hành hoặc lối dành riêng cho người đi bộ. Khi cập bến sàn xe được kết nối trực tiếp vào nền nhà chờ giúp cho hành khách đi lại dễ dàng, đặc biệt cho người đi xe lăn. Chất lượng dịch vụ tốt như: không gian xe được nâng cao, ghế ngồi thoải mái, điều hòa mát mẻ, wifi miễn phí và phong cách phục vụ chuyên nghiệp.
Theo UCCI, việc triển khai tuyến BRT cùng với các công trình trên sẽ góp phần chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố. Việc triển khai dự án giao thông xanh với các công trình trên tuyến được thiết kế theo định hướng tăng cường mảng xanh đô thị và nhất là với loại xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG sẽ góp phần khắc phục vấn đề khí thải từ xe cộ, đặc biệt là xe máy, giảm ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, góp phần hoàn chỉnh khung thể chế, mô hình quản lý, vận hành hệ thống giao thông công cộng, huấn luyện đào tạo tăng cường năng lực cho các đơn vị liên quan và triển khai các nghiên cứu tạo tiền đề cho việc phát triển các tuyến xe buýt nhanh khác, góp phần phát triển hệ thống giao thông công cộng thông minh, tích hợp cho TP Hồ Chí Minh trong tương lai.
Theo ông Lê Hoàng Minh, dự án còn góp phần phát triển kinh tế của thành phố thông qua các giải pháp như: quá trình xây dựng công trình có thể kích cầu trong nước và sự phát triển của một số ngành công nghiệp liên quan; kết nối các khu vực chức năng chính, các khu dân cư và các khu vực xa trung tâm, cải thiện hiệu quả khai thác hệ thống giao thông vận tải...
Dù vậy, điểm quan trọng nhất lại ít được cơ quan quản lý cũng như các chuyên gia để ý: Với đặc thù hạ tầng giao thông yếu kém, đường xá chật hẹp, đông đúc, loại hình xe buýt này liệu sẽ góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông và đáp ứng quy hoạch vận tải khách công cộng trong tương lai?