Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số dự án luật, pháp lệnh
Chính trị - Ngày đăng : 06:14, 14/08/2015
Những nội dung chính được bàn thảo là quyền thu thập chứng cứ của luật sư trong quá trình bào chữa cho thân chủ; cách bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội; vấn đề tố tụng hình sự góp phần chống bức cung, dùng nhục hình; trình tự xét hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm và các quy định bảo đảm thực hiện tranh tụng tại phiên tòa…
Tán thành với quy định của dự án luật về nguyên tắc suy đoán vô tội: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, song Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Đinh Xuân Thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, dự án luật cần nêu rõ hơn nữa quy trình áp dụng. Cụ thể, theo ông Lý, cần có chế tài nghiêm cấm tất cả những người tiến hành tố tụng ngay từ đầu đã xác định đối tượng điều tra là có tội theo định hướng vạch ra, để thu thập chứng cứ buộc tội bằng mọi giá. Trên thực tế, những suy nghĩ như vậy đã dẫn đến các trường hợp oan sai mà điển hình là vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.
Nhiều ý kiến cũng đồng tình với quan điểm trên. Ngoài ra, để chống bức cung, nhục hình, các thành viên của Ủy ban Tư pháp đề nghị thực hiện ghi âm, ghi hình khi hỏi cung đối với hoạt động hỏi cung tại các cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra. Triển khai theo hướng này vừa bảo vệ bị can vừa bảo vệ người hỏi cung, tránh bị vu cáo. Cơ quan Kiểm sát cơ bản thống nhất quan điểm với Ủy ban Tư pháp.
Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án: Luật Tố tụng hành chính sửa đổi; Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, nhân viên quốc phòng. Thông tin đáng chú ý, theo tờ trình của Chính phủ do Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tại phiên họp, tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp cùng cấp bậc của nữ và nam sẽ như nhau (55 tuổi) để thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới.