Những ca khúc không thể nào quên về Cách mạng tháng Tám
Văn hóa - Ngày đăng : 11:03, 13/08/2015
Cách mạng Tháng Tám thành công cũng đánh dấu hoàn cảnh ra đời của nhiều ca khúc bất hủ và là nguồn cảm hứng để nhiều nhạc sĩ sáng tác các ca khúc sau này |
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 8 (19-8) và Quốc khánh (2-9), HNMO điểm lại những ca khúc không thể nào quên về ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh của dân tộc ta.
* Ca khúc “19 tháng 8” của nhạc sĩ Xuân Oanh
Ca khúc này được nhạc sĩ Xuân Oanh sáng tác khi ông hòa cùng dòng người đấu tranh giành thắng lợi của Cách mạng Tháng 8. Trong những câu chuyện sau này kể lại, hòa cùng khí thế của nhân nhân, nhạc sĩ Xuân Oanh vừa đi vừa sáng tác ca khúc trên những mảnh báo cũ. Viết đến đâu ông lại hát vang đến đó và cả dòng người cứ thế hát theo ông. Cho đến buổi chiều thì bài hát đã được phổ biến rộng rãi.
Cho đến nay, ca khúc “19 tháng 8” luôn vang lên vào mỗi dịp đất nước kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng 8 và là một trong những ca khúc bất hủ ghi dấu cho thời khắc lịch sử của dân tộc.
* Ca khúc “Tiến quân ca” (Quốc ca) của nhạc sĩ Văn Cao
Nhạc sĩ Văn Cao viết bài hát đó trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền vào năm 1944. Nhạc sĩ Văn Cao từng cho rằng, tên bài hát và lời ca khúc “Tiến quân ca” là sự tiếp tục từ ca khúc “Thăng Long hành khúc ca” trước đó.
Ca khúc "Tiến quân ca" từng được quay MV với sự tham gia của 1.000 nghệ sĩ, công dân tham gia |
Ngay từ khi ra đời, bài hát được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám, ca khúc này được chọn làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khi đất nước thống nhất (1975), ca khúc ‘”Tiến quân ca” tiếp tục được chọn làm Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khi được chọn chính thức làm quốc ca, phần lời của Quốc ca cũng đã được sửa đổi khác đôi chỗ so với bản gốc "Tiến quân ca" của Văn Cao.
Cho đến thời điểm này, ca khúc “Tiến quân ca” không chỉ được vang lên khi cử hành nghi lễ mà nó đã được thu âm với nhiều bản phối mà gần đây nhất là hơn 1.000 người tham gia hát “Tiến quân ca” và ghi hình thành một MV ca nhạc nhằm kêu gọi tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc trong thời điểm cả nước phản đối việc Trung Quốc đưa dàn khoan vào khu vực Biển Đông.
* “Lên đàng” và “Tiếng gọi thanh niên” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước
Trong số những ca khúc vang lên trong những ngày Tháng Tám lịch sử phải kể đến hai hành khúc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, đó là “Lên đàng” và “Tiếng gọi thanh niên”. Ca khúc như lời thúc giục, sục sôi dành cho thế hệ thanh niên thời điểm bấy giờ và cho đến ngày nay hai ca khúc này vẫn là ca khúc bất hủ dành cho thanh niên, sinh viên Việt Nam. Ca khúc “Lên đàng” trở thành ca khúc chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Nghe lại ca khúc Lên đàng: