Sống trên miệng "hà bá"
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:38, 13/08/2015
Bài 1: Những ngôi nhà chờ… sạt lở!
Với những người dân sinh sống ven sông, sạt lở luôn là nỗi lo lắng thường trực. Bởi, họ không biết khi nào bờ sông bị nước xâm thực, cuốn theo nhà đất, của cải, thậm chí là tính mạng. Chính quyền cấp xã, phường cũng lo lắng, nhưng "lực bất tòng tâm" vì không đủ thẩm quyền để giải quyết dứt điểm tình trạng này…
Nỗi lo trong đêm
Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh liên tiếp xuất hiện những vụ sạt lở ven sông khiến những người dân trong khu vực vô cùng lo lắng cho tài sản cũng như tính mạng. Sự sợ hãi càng tăng lên khi hầu hết vụ sạt lở trên xảy ra vào ban đêm, khiến người dân trở tay không kịp.
Sạt lở ven sông tại TP Hồ Chí Minh khiến người dân lo lắng. |
Đứng trước bờ sông Mương Chuối, chị Võ Thị Đồng Dung (36 tuổi, ngụ tại Xóm Đáy, Ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) không khỏi lo lắng khi mép nước chỉ còn cách tường nhà khoảng hơn 2m. Sự lo lắng đó bắt nguồn từ việc 3 hộ dân bên bờ Mương Chuối chỉ cách nhà chị Dung khoảng 100m bị "hà bá" kéo tuột xuống lòng sông vào ngày 22-5 vừa qua. Mùa mưa sắp đến, triều cường dâng nước cao, nỗi bất an của gia đình chị Dung cũng như hơn chục hộ dân sống trong khu vực tăng lên từng ngày.
Sống tại đây nhiều năm, chị Dung cho biết, nước sông Mương Chuối đã "ăn" vào bờ suốt nhiều năm qua. Nguyên nhân của sạt lở, theo chị Dung là do những chiếc ghe, sà lan chạy làm sóng đánh tạt vào bờ sông không có bờ kè giữ đất, cùng với mưa, gió, triều cường. Từ khi chứng kiến đêm sạt lở kinh hoàng 22-5, gia đình chị Dung sống trong nỗi lo sợ thường trực, sợ "hà bá" và sợ cả cây cột điện bê tông đứng chấp chới cạnh bờ sông đang nghiêng về phía nhà chị. "Những hôm trời mưa gió, cả gia đình không dám ở lại trong nhà mà phải trú nhờ dưới mái hiên nhà hàng xóm, khi nào mưa tạnh, gió ngừng mới dám về…", chị Dung cho biết.
Gần đây nhất, ngày 1-7, đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng tại đường số 7, Khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) nhấn chìm một căn nhà, hư hại nặng một căn nhà liền kề. Bà Đỗ Thị Cẩm V. (54 tuổi) là chủ nhân của căn nhà 57/23 đường số 7 không khỏi xót xa khi đứng trước căn nhà đã bị nước "ăn" trơ chân móng, chấp chới mé sông Sài Gòn. Vụ sạt lở vừa qua đã khiến mảnh đất bị mất đến 2/3, ngôi nhà của bà trong tình trạng nguy hiểm, không thể sử dụng được nữa. Bà V. cho biết, 12 năm sống ở đây chưa bao giờ nghĩ "hà bá" lại tìm đến nhà mình. "Ngăn cách nhà tôi với sông còn một con đường xe ô tô tải đi thoải mái, hằng ngày mọi người vẫn ra bờ sông hóng mát, câu cá. Có ai ngờ bây giờ một nửa nhà tôi lại nằm dưới lòng sông rồi…", bà V. bùi ngùi. Trước đó, bà cho biết, không hề có cảnh báo nào từ cơ quan chức năng trước khi sạt lở xảy ra.
Bà V. nói, tuy đang ở nhờ ngôi nhà khang trang của mẹ ruột ở số 57/23A liền kề nhưng bà và gia đình vẫn không khỏi lo lắng bởi nước sông đã vào đến nửa móng khiến căn nhà nghiêng về phía nhà 57/23A. Khoảng đất ngăn cách hai ngôi nhà đã bị lún sụt, gạch lát bật lên nham nhở, bất cứ lúc nào cũng có thể đổ sập. Hiện tại, gia đình bà V. mong cơ quan chức năng giúp đỡ, dù chỉ là một phần nhỏ để kiếm nhà ở mới ổn định cuộc sống. "Nếu không, sẽ có ngày chúng tôi sẽ nằm dưới đống gạch đá của căn nhà hoặc tệ hơn sẽ làm mồi cho hà bá", bà lo lắng.
Không chỉ ở những con sông lớn, mà dân cư sống ven những dòng sông nhỏ, lưu vực dòng chảy vừa phải cũng khốn đốn vì sạt lở. Ngôi nhà của chị Huỳnh Thị Hồng Vân (45 tuổi) sống ven sông Giồng Ông Tố (Quận 2) - một nhánh của sông Sài Gòn - đang sống trong cảnh "đi không được mà ở cũng không xong". Bởi nước sông chỉ còn cách mép tường khoảng nửa mét. Chị Vân cho biết, vào những ngày trời mưa to gió lớn, triều cường, nước sông chảy xiết, việc khóa hay mở cửa chính khiến cả nhà lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Khóa cửa thì sợ chạy không kịp khi nhà bị lở xuống sông, còn mở cửa thì sợ "mấy anh nghiện ma túy vào hỏi thăm". Vào những ngày mưa bão, chính quyền phường có yêu cầu di dời nhưng chỗ ở mới không bảo đảm cho sinh hoạt gia đình khiến nhà chị Vân và những hộ khác "đi không được mà ở cũng không xong".
Địa phương gặp khó
Cũng sống ven sông Giồng Ông Tố, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Tổ phó Khu phố 3, phường An Phú (Quận 2) cũng gặp phải tình cảnh như nhà chị Vân khi nước sông đã cuốn đi hơn chục mét vuông đất của gia đình. Vào năm 2010, toàn bộ công trình phụ phía sau nhà bà Liên bị "hà bá" kéo xuống lòng sông, không chỉ nhà bà mà những người dân xung quanh cũng vô cùng hoang mang.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến sạt lở, bà Liên cho rằng, do có nhiều sà lan đến hút cát trái phép. Khu phố đã phối hợp với UBND phường An Phú tổ chức phát hiện, ngăn chặn hành vi trên. Sau khi xảy ra sự cố đến nay, các cơ quan chức năng quận, phường đã nhiều lần xuống đo đạc tại khu vực sạt lở. Bà Liên cho biết, phường cũng đã kiến nghị lên quận, thành phố có biện pháp di dời giải tỏa, xây kè ven sông tại khu vực trên, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. Do chưa có chủ trương cụ thể, nhiều hộ dân xin tự làm kè nhưng phường không cho phép bởi sợ dân lấn lòng sông, vi phạm Luật Tài nguyên nước. Cực chẳng đã, nhiều hộ dân trong khu vực đã lén đóng cọc be bờ, tốn kém hàng trăm triệu đồng, chấp nhận bị chính quyền phạt để tự bảo đảm tính mạng tài sản cho mình. Nhưng cũng chẳng được bao lâu, nước sông Giồng Ông Tố lại cuốn trôi hết. "Đến nay, đã qua 3 nhiệm kỳ chủ tịch phường mà mọi việc chưa tiến triển được gì", bà Liên chia sẻ.
Với trách nhiệm quản lý khu vực dân cư, bà Liên đã nhiều lần gửi kiến nghị lên các cơ quan chức năng phường, quận. Thậm chí, trong những lần tiếp xúc cử tri tại địa phương, bà Liên đã nêu quan điểm thẳng thắn lên đoàn đại biểu HĐND và đại biểu Quốc hội về vấn đề sạt lở tại khu vực dân cư gần cầu Giồng Ông Tố (phường An Phú, Quận 2). Những ý kiến của bà Liên được các đại biểu tiếp thu, đến kiểm tra, quan sát thực địa. Thế nhưng, đến nay cũng chưa có cơ quan chức năng nào có hồi âm cho người dân.
Chia sẻ về những khó khăn của chính quyền địa phương, ông Bạch Ngọc Tuấn Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè cho biết, xã cũng rất muốn di dời, giải tỏa nhằm ổn định cuộc sống cho các hộ dân trong khu vực sạt lở ven các sông, nhưng chưa có khu vực tái định cư cho các hộ thuộc diện này. Vấn đề tiếp theo khiến UBND xã đau đầu là đền bù giải phóng mặt bằng. Với nhiệm vụ của mình, khi có dự án xây dựng đê kè, UBND xã chỉ có chức năng xác minh hiện trạng đất đai rồi gửi lên các cơ quan cấp trên làm phương án đền bù chứ không có nguồn vốn hay pháp lý để tự bồi thường cho người dân, mặc dù kinh phí bồi thường không cao. Cùng với đó, khi triển khai các dự án đê kè tại một số khu vực trọng yếu, nhiều hộ dân tự ý bồi đắp, gia cố lại đất nền nhằm hưởng số tiền bồi thường cao hơn so với thực tế.
Để bảo đảm cuộc sống cho người dân ở những vị trí ven sông vẫn đang tiếp tục sạt lở, ông Tú cho biết UBND xã đã có kiến nghị lên cơ quan chức năng huyện Nhà Bè đẩy nhanh tiến độ xây dựng bờ kè, tổ chức đền bù tái định cư cho các hộ dân trong khu vực nguy hiểm. Trước mắt, xã Nhơn Đức thường xuyên theo dõi những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, vận động người dân di dời đến nơi an toàn; đồng thời, tổ chức lực lượng trực trên các địa bàn xung yếu để có thể ứng cứu kịp thời khi có sạt lở.
Tình hình sạt lở ven sông tại TP Hồ Chí Minh có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới vì hiện tại chỉ mới bước vào đầu mùa mưa. Theo báo cáo của Khu quản lý đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh, từ tháng 5-2015 đến nay, trên địa bàn đã phát sinh thêm 8 điểm sạt lở mới, nâng tổng số điểm sạt lở lên 45 điểm. Từ thực trạng trên, rất cần các cơ quan chức năng thành phố đẩy nhanh tiến độ di dời giải tỏa, xây dựng đê kè, bảo đảm cho người dân an tâm sinh sống tại các khu vực ven sông.