Cha đẻ vắc xin ‘made in Việt Nam’ đột ngột qua đời
Xã hội - Ngày đăng : 09:39, 12/08/2015
GS.TS Lê Thị Luân đột ngột qua đời ngày 6/8 vừa qua. Chiều thứ 6 (6/8), GS Luân vẫn đi làm bình thường.
Đến thứ 2, không thấy bà đến cơ quan, mọi người gọi điện không nhấc máy, vội chạy đến nhà mới hay tin dữ. Bà có 2 con hiện đang học ở Mỹ.
GS.TS Lê Thị Luân nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2014. Ảnh: SKĐS |
GS.TS Lê Thị Luân sinh năm 1962 tại Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế.
Năm 1980, bà thi đậu vào Đại học Y Hà Nội ngành Đa khoa Nội nhi và tốt nghiệp bác sĩ nội trú loại giỏi ngành vi sinh năm 1989. Sau đó bà về công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Năm 1998, GS.TS Lê Thị Luân được giao nhiệm vụ giám sát bệnh tiêu chảy do rotavirus tại Việt Nam. Thời điểm đó, tiêu chảy do virus Rota là căn bệnh đáng sợ tại các bệnh viện trên cả nước với tỉ lệ nhập viện chiếm 50-70%.
Từ đây, bà và các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu vắc xin ngừa tiêu chảy do virus Rota. Sau 15 năm, tháng 5/2012, vắc xin ngừa rotavirus được Bộ Y tế cấp phép và đưa ra thị trường.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam chủ động tạo được toàn bộ chủng giống cho sản xuất vắc xin. Thành công này đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 2 tại châu Á và là nước thứ 4 trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc xin ngừa virus Rota.
Giá một liều vắc xin của Việt Nam chỉ 250.000-300.000 đồng, bằng 1/3 so với vắc xin nhập ngoại.
Việc sản xuất thành công vắc xin ngừa rotavirus đã giúp hàng triệu trẻ em Việt Nam giải quyết gánh nặng bệnh tật và giúp nhà nước tiết kiệm khoảng 100 tỉ đồng mỗi năm.
Công trình sản xuất thành công vắc xin Rotavin-M1 đã giúp GS.TS Lê Thị Luân được nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2013 và giải nhất Nhân tài Đất Việt 2014 ở hạng mục Y dược.
Điều đáng tiếc, GS.TS Lê Thị Luân ra đi khi còn quá trẻ, khi đang tham gia 3 đề tài nghiên cứu quan trọng gồm: vắc xin bại liệt bất hoạt, vắc xin tay chân miệng, vắc xin đa giá.
Trong đó, vắc xin tay chân miệng do bà trực tiếp phụ trách nghiên cứu đã xong khâu tạo chủng giống, vắc xin bại liệt bất hoạt đã qua giai đoạn tiền lâm sàng.