Dịch bệnh sốt xuất huyết: Càng chống càng bùng phát!

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:39, 12/08/2015

(HNM) - Trong khi các tỉnh miền Bắc đã giảm được số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH), thì các tỉnh miền Nam đang là


Dịch bùng phát trong 10 năm liền

Những ngày này, tình hình dịch SXH tại TP Hồ Chí Minh không có chiều hướng giảm, mà tiếp tục gia tăng do đang cao điểm mùa mưa. Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện cho muỗi SXH sinh sôi, nảy nở. Trong tháng 7-2015, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố được phát hiện là 948 ca, tăng 63% so với tháng 6. Tính đến hết tháng 7, thành phố có 6.033 ca SXH, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2014.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh.


Theo ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, số ca mắc SXH bắt đầu tăng cao từ giữa tháng 7 và có chiều hướng lan rộng. Hiện nay dịch bệnh đã xuất hiện ở tất cả các quận, huyện của thành phố, chứ không còn gói gọn vào vài quận tập trung như trước kia.

Phân tích nguyên nhân, ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho rằng: Tại Việt Nam nguyên nhân khiến bệnh SXH duy trì, và tiếp tục tăng mạnh trong suốt 10 năm qua là do không tập trung dập dịch một cách triệt để, dẫn đến ấu trùng của muỗi sốt xuất huyết tồn tại, phát triển thành muỗi và trở thành vật trung gian truyền bệnh SXH từ năm này qua năm khác”. Còn theo ông Nguyễn Trí Dũng, nguyên nhân dẫn đến SXH lan rộng trên địa bàn thành phố có 50% từ ý thức chủ quan, ngủ không mắc màn của người dân, 50% còn lại do điều kiện sinh hoạt bẩn, ô nhiễm tạo điều kiện cho muỗi chứa mầm SXH sinh sôi và gây hại.

Chưa phạt được ai?

Để ứng phó với tình hình SXH nhân rộng, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm vắc xin SXH. Sau 2 năm, cơ quan này đã công bố nghiên cứu thành công, tuy nhiên cần thêm thời gian thử nghiệm lâm sàng và kiểm nghiệm trước khi đưa vào sản xuất đại trà. Như vậy, cho đến hiện tại chưa có biện pháp nào hữu hiệu để có thể ngăn ngừa tình trạng nhiễm SXH trên địa bàn thành phố.

Vậy trách nhiệm ngăn ngừa dịch bệnh thuộc về ai? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Trí Dũng cho rằng: "Tại các điểm bùng phát dịch, y tế dự phòng đã tiến hành xử lý, hướng dẫn bà con diệt lăng quăng, muỗi theo đúng quy trình của Bộ Y tế. Tuy nhiên, dịch muỗi vẫn bùng phát trở lại là do dân cư kém ý thức, để tình trạng ô nhiễm gia tăng do "cha chung không ai khóc". Các kênh, rạch trên địa bàn cứ được làm sạch ít hôm thì lại tái ô nhiễm vì người dân tiếp tục vứt rác xuống".

Điều đáng nói, Nghị định 176 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đã được ban hành, trong đó quy định rõ, cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi thải, bỏ các chất, vật dụng gây lây lan dịch bệnh; phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với đơn vị cơ quan hành chính, công ty, khu sinh hoạt vui chơi công cộng không có nhà tiêu hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường, nhiễm khuẩn và bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên theo Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Bùi Minh Trạng, cho đến thời điểm này, Sở Y tế chưa phạt được bất cứ cá nhân, đơn vị nào vi phạm. Nguyên nhân là do nhân lực mỏng và cần nhiều quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong văn bản xử phạt. "Chúng tôi chưa thể phát hiện xử lý kịp thời các cá nhân, đơn vị thả rác thải, gây ô nhiễm môi trường làm bùng phát dịch SXH. Ngoài ra, trách nhiệm kiểm tra thuộc nhiều ban, ngành cùng phối hợp, một mình thanh tra Sở Y tế không thể kiểm soát, mà cần sự phối hợp của lãnh đạo cấp xã, phường, tổ khu phố mới có thể kịp thời xử lý" - ông Trạng nói.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận đã kiên quyết yêu cầu "Phường, xã nào để xảy ra bùng phát dịch SXH thì địa phương ấy phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố. UBND quận, huyện và hệ thống phường, xã phải kiên quyết áp dụng những chế tài đối với tổ chức, cá nhân không tham gia diệt lăng quăng, để tăng nguy cơ dịch SXH".

Tuệ Diễm