Sức khỏe tạo hạnh phúc, nhân ái tạo niềm tin!
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:20, 12/08/2015
Thương người nghèo, bệnh trọng, đường xa…
Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với bác sĩ Nguyễn Thế Sáng diễn ra khi ông vừa trực tiếp chăm lo cho người mẹ già đang có bệnh, vừa cho ý kiến vào các bệnh án của bệnh nhân điều trị tại phòng khám. Hẹn từ đầu giờ sáng nhưng mãi đến trưa người thầy thuốc tóc đã điểm bạc mới có một chút thảnh thơi để trò chuyện.
Bác sĩ Nguyễn Thế Sáng thăm khám cho bệnh nhân Trần Thị Then (92 tuổi) ở Tam Nông, Phú Thọ. |
Trong căn phòng làm việc giản dị với những cuốn sách, tạp chí về nghề y được sắp đặt ngăn nắp, ông chậm rãi chia sẻ về con đường đến với ngành y đầy gian truân. Hồi tưởng chuyện xưa, cảm xúc của người bác sĩ già ùa về: "Ngày ấy vùng quê Tây Đằng nghèo và đường sá đi lại khó khăn lắm! Gia đình nào chẳng may có người mắc bệnh là phải chạy vạy khắp nơi, có điều kiện hơn thì bán con lợn, con gà, đấu thóc đấu gạo để lấy tiền chữa bệnh...". Điều khiến vị bác sĩ tâm tư nhiều nhất là chuyện người dân quê nghèo luôn đói ăn, thiếu thuốc. Hồi đó, không có ô tô, cũng chẳng sẵn xe máy như bây giờ, mà người bệnh được chở bằng cáng tự tạo từ chiếc võng dù mắc vào cây tre đặt trên hai chiếc xe đạp để di chuyển. Không ít người đã qua đời trên đường đến bệnh viện. Chứng kiến những cảnh tượng này, ông Sáng quyết tâm thi và đã đỗ vào Đại học Y để được đeo đuổi đam mê và quan trọng nhất là có thể giúp đỡ những người thân yêu trên chính quê hương mình.
Ra trường, ông Sáng vào công tác tại Trung tâm Y tế huyện Ba Vì và được giao điều hành Phòng khám Tây Đằng. Trong suốt 25 năm gắn bó với công việc đã mang lại cho người thầy thuốc Nguyễn Thế Sáng nhiều điều không bao giờ quên trong cuộc đời. Hỏi ông những tâm tư, suy nghĩ về nghề đã gắn bó nhiều năm qua, ông Sáng trầm ngâm hồi lâu rồi nói rành rọt: "Đi theo nghề y phải có đam mê và lòng yêu thương con người. Lòng yêu thương của người thầy thuốc không nhất thiết phải nói ra mà qua hành động, rồi người bệnh sẽ nhận ra, đó mới là điều đáng quý, đáng trân trọng". Năm 2012, được sự chấp thuận của Sở Y tế Hà Nội, ông Sáng cùng các cộng sự đã thành lập Phòng khám đa khoa Quảng Tây có trụ sở tại Tây Đằng (Ba Vì). Ông tâm sự: "Khi tôi bắt tay vào việc có nhiều người bạn, người thân khuyên không nên làm vì sẽ có nhiều thách thức chờ đợi phía trước. Lý do họ đưa ra là ở một vùng xa xôi, hẻo lánh và nhiều khó khăn như Ba Vì thì việc mở phòng khám tư nắm chắc phần thất bại. Nghĩ đi, nghĩ lại tôi vẫn quyết làm bằng được vì đây là ước nguyện và niềm đam mê cả đời mà tôi không thể lỡ dở". Từ số tiền tích cóp, ông Sáng "đổ" toàn bộ vào xây dựng phòng khám với những trang thiết bị hiện đại, đồng thời ông tập hợp đội ngũ y, bác sĩ tay nghề cao, giàu lòng nhân ái.
Chị Nguyễn Thị Thảo, người xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) là điều dưỡng gắn bó với bác sĩ Sáng ngay từ những ngày đầu thành lập phòng khám cho biết: "Những người trẻ như chúng tôi coi bác Sáng như người thầy, người cha vì đã dạy bảo, hướng dẫn chúng tôi được làm nghề chân chính. Bác Sáng rất nghiêm khắc trong hoạt động nghề nghiệp nhưng luôn thương yêu, đùm bọc người bệnh nghèo". Bằng uy tín trong ngành, bác sĩ Nguyễn Thế Sáng mời cộng tác và tập hợp được những cộng sự là những giáo sư, bác sĩ đầu ngành, đã khẳng định tay nghề trong quá trình công tác ở các bệnh viện lớn như Đại tá Đỗ Văn Đua, nguyên là bác sĩ Bệnh viện 105; các giáo sư, bác sĩ ở Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện 103... Bên cạnh đó, bác sĩ Sáng còn tích cực đưa con em các xã trong huyện Ba Vì đi học Đại học Y, cử nhân điều dưỡng để xây dựng đội ngũ y, bác sĩ kế cận có tay nghề chuyên môn cao. Ở thời điểm chúng tôi đến thăm phòng khám, đang có 8 người học cử nhân điều dưỡng và xét nghiệm; 4 người học Đại học Y và dược, đều được ông đài thọ miễn phí việc ăn, ở và học.
Ngoài tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại, huy động đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, bác sĩ Nguyễn Thế Sáng đã triển khai việc khám, chữa bệnh bảo hiểm cho bệnh nhân nghèo. Anh Nguyễn Tiến Tùng, xã Châu Sơn (huyện Ba Vì), người nhà của bệnh nhân Nguyễn Thị Sao, đang chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm tại phòng khám, cho biết: "Ở khu vực Ba Vì, Sơn Tây, ngoài các bệnh viện công thì theo tôi được biết duy nhất phòng khám đa khoa tư nhân của bác sĩ Sáng có chế độ khám, chữa bệnh bảo hiểm cho người dân, đây là điều hiếm hoi. Chữa bệnh ở đây chúng tôi rất tin tưởng vì đội ngũ y, bác sĩ tận tình, gần gũi và chu đáo".
... và những niềm hạnh phúc
Nhiều năm hành nghề y trước khi thành lập phòng khám của riêng mình, bác sĩ Sáng hiểu hơn ai hết nỗi khổ của người bệnh, bởi họ không chỉ đau về thể xác mà còn chịu nỗi đau tinh thần. Chính vì vậy, khi mỗi bệnh nhân đến phòng khám, ông vừa khám, vừa giải thích, tư vấn về bệnh và hướng dẫn cách điều trị tốt nhất, đỡ tốn kém nhất.
Được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ trong những ngày nằm điều trị tại phòng khám, bà Nguyễn Thị Lợi (60 tuổi) ở xã Minh Châu (Ba Vì), là một trong những bệnh nhân sử dụng thẻ bảo hiểm đi chữa bệnh, xúc động nói: "Trước đây mỗi lần đi khám bệnh vất vả lắm vì sự quá tải ở các bệnh viện công trong khu vực. Từ khi có phòng khám ngay gần đây, các bác sĩ lại nhiệt tình nên chúng tôi rất an tâm". Bà Lợi ở "xã đảo" Minh Châu, một địa phương có địa hình cách trở, nằm giữa Sông Hồng nên việc khám, chữa bệnh của đồng bào nơi đây gặp nhiều trắc trở khi phải qua sông, qua đò. Bà Lợi cho biết: Ở Xóm 3 nơi bà đang sinh sống hầu hết các hộ dân nghèo đều lựa chọn phòng khám của bác sĩ Sáng để chữa bệnh. "Tôi biết bác sĩ Sáng đã không lấy tiền với rất nhiều bệnh nhân nghèo" - bà Lợi nói thêm. Bà Trần Thị Then ở Tam Nông (Phú Thọ), là một trong những bệnh nhân cao tuổi (92 tuổi), dù ở xa nhưng con cháu của bà vẫn lặn lội đưa đến đây để chữa căn bệnh viêm phổi. Cảm động trước sự tận tâm của bác sĩ Sáng, bà Then cho biết: "Tôi không biết nói gì hơn là cảm ơn các bác sĩ ở đây, cảm ơn ông Sáng, những người đã hết lòng vì bệnh nhân nghèo như chúng tôi".
Tìm hiểu về những việc làm thiện nguyện của bác sĩ Nguyễn Thế Sáng chúng tôi được biết, hằng tháng có hàng chục trường hợp được phòng khám giúp đỡ tiền khám, chữa bệnh. Trong tháng 7-2015, phòng khám đã tài trợ cho 15 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được khám, chữa bệnh miễn phí hoặc hỗ trợ một phần. Chia sẻ về những việc làm đầy tình người này, bác sĩ Nguyễn Thế Sáng khiêm tốn nói: "Mỗi bệnh nhân đến đây, tôi luôn coi họ như người nhà, vì thế ai gặp khó khăn chúng tôi luôn hết sức giúp đỡ, có thể đó chỉ là một số xét nghiệm chẩn đoán bệnh hoặc một chuyến xe miễn phí khi chuyển viện... Chúng tôi làm những việc nhỏ này chỉ mong bệnh nhân được ấm lòng hơn trong lúc họ đang bị đau ốm".
Một câu cửa miệng bác sĩ Sáng luôn nói với đội ngũ cán bộ ở phòng khám, đó là "Sức khỏe tạo hạnh phúc, nhân ái tạo niềm tin". Vì thế, từng việc làm, từng hành động nhỏ như khi kê đơn thuốc, ông trực tiếp hoặc dặn dò đồng nghiệp kê loại thuốc phù hợp túi tiền của bệnh nhân nhưng mang lại hiệu quả cao. Ước vọng lớn nhất của người thầy thuốc Nguyễn Thế Sáng là tiếp tục mở rộng phòng khám, tiến tới xây dựng một bệnh viện đa khoa hiện đại với 200 giường bệnh. "Sở Y tế Hà Nội đã có ý kiến đề nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương này, chúng tôi đang hy vọng dự án xã hội hóa trong khám chữa bệnh này sẽ sớm được triển khai" - vị bác sĩ vui mừng cho biết.