Người Ba Lan lựa chọn luồng gió mới
Thế giới - Ngày đăng : 06:16, 12/08/2015
Tân Tổng thống A.Duda hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi cho Ba Lan. |
Từ một tên tuổi khiêm tốn trong chính giới, ông A.Duda đã nhanh chóng nổi lên trong quá trình tranh cử và trở thành người đứng đầu đất nước, báo hiệu một "làn sóng" mới trong nền chính trị Ba Lan. Chiến thắng của ông A.Duda là thắng lợi lớn nhất của phe bảo thủ trong gần một thập kỷ qua, giúp đảng Luật pháp và Công lý (PIS) của tân Tổng thống Ba Lan tự tin hơn trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến vào ngày 25-10 tới.
Nghị sĩ A.Duda 43 tuổi, giành được thành công trong cuộc bầu cử Tổng thống Ba Lan một phần nhờ thái độ bất mãn của cử tri nước này. Đạt mức tăng trưởng kinh tế gần như không bị gián đoạn suốt 25 năm qua, Ba Lan là thành viên Liên minh Châu Âu (EU) duy nhất tránh được suy thoái kinh tế và Warszawa đang quyết bám đuổi mức sống Tây Âu khi vẫn còn rất nhiều vấn đề. Thất nghiệp trong giới trẻ hiện ở mức 24% và người Ba Lan biết họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn ở Đức, Anh. Thế nên, hơn 2 triệu người Ba Lan đã di cư kể từ khi nước này gia nhập EU năm 2004. Trong bối cảnh đó, cương lĩnh tranh cử tổng thống của ông A.Duda đã "chạm đúng" vào mối quan ngại của cả giới trẻ và những người có tuổi khi xoay quanh các vấn đề như giảm tuổi nghỉ hưu của nam giới từ 67 xuống còn 65 tuổi, cắt giảm nhiều khoản thuế, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như khẳng định tính độc lập không quá phụ thuộc EU của Ba Lan... Ông A.Duda cam kết sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho nông dân và vạch rõ sự độc hại của tham nhũng trong giới tinh hoa chính trị...
Về đối ngoại, có lẽ sự "đổi ngôi" ở vị trí Tổng thống Ba Lan sẽ tác động đến quan hệ của nước này với EU và Nga. Các nhà phân tích dự đoán quan hệ Ba Lan - Ukraine cũng như giữa Ba Lan với phần còn lại của Châu Âu sẽ lạnh nhạt hơn dưới thời của Tổng thống A.Duda bởi tân Tổng thống Ba Lan được nhìn nhận sẽ tập trung nhiều hơn vào các chương trình đối nội, thay vì ưu tiên theo đuổi chính sách đối ngoại như người tiền nhiệm. Tân Tổng thống A.Duda không che giấu ý định điều chỉnh quan hệ với Đức và giữ khoảng cách với EU. Ông A.Duda nhấn mạnh đến "chủ quyền quốc gia" và ủng hộ sự hình thành một khối Trung Âu mạnh mẽ hơn. Rõ ràng, đây sẽ là điều khiến EU không thể không lo ngại. Hơn nữa, phương Tây còn lo ngại Ba Lan có thể không còn là "người bảo vệ" Ukraine như dưới thời của người tiền nhiệm.
Thực tế, Ba Lan là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có chung biên giới với cả Nga lẫn Ukraine. Ba Lan luôn muốn NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này để đối phó với cái gọi là mối đe dọa từ Nga. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, Ba Lan cũng thể hiện thái độ khi cáo buộc Mátxcơva can thiệp vào nước láng giềng và ủng hộ trừng phạt nước này... Trong thời gian qua, Ba Lan đã thể hiện lập trường "cứng rắn" hơn nhiều quốc gia cùng châu lục trong phản ứng với "sự can thiệp" của Nga vào Ukraine. Nếu như Tổng thống mãn nhiệm của Ba Lan được cho là luôn giữ lập trường cứng rắn với Nga thì tân Tổng thống nước này được cho là sẽ theo đuổi một chính sách thực tế hơn với Mátxcơva. Tổng thống A.Duda cầm quyền dự báo sẽ kéo theo nhiều chính khách hoài nghi về EU. Đây không phải là một tín hiệu mà phương Tây mong đợi nhưng lại khiến Nga hy vọng. Một Ba Lan mềm dẻo hơn trong đối ngoại sẽ có lợi cho Nga trong bối cảnh hiện nay.
Người dân Ba Lan đã lựa chọn một luồng gió mới và hy vọng sẽ mang lại nhiều thay đổi theo hướng tích cực cho quốc gia bên bờ Baltic. Đáng chú ý hơn, chính sách đối ngoại dưới "triều đại" A.Duda sẽ được dư luận Cựu lục địa quan tâm. Vì, sự thay đổi trên chính trường Ba Lan trong những ngày tới sẽ không chỉ tác động đến quan hệ giữa Warszawa với EU mà còn tác động đến quan hệ vốn không ít thăng trầm với người Nga.