Hai mảng sáng - tối của cải cách lĩnh vực thuế

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:41, 12/08/2015

(HNM) - Liên quan đến cải cách hành chính lĩnh vực thuế - một trong những trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chỉ trong hai ngày, có hai

1. Liên quan đến cải cách hành chính lĩnh vực thuế - một trong những trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chỉ trong hai ngày, có hai "hướng" thông tin rất đáng quan tâm: Thứ nhất, theo báo cáo "Nguy cơ tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh Việt Nam", do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng thực hiện cho thấy, 50% hộ kinh doanh được hỏi chấp nhận chung chi (cho cán bộ thuế) để thỏa thuận mức thuế hợp lý. Sự thiếu minh bạch này có thể coi là một "mảng tối", ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư, kinh doanh. Đây là thông tin được Tổng cục Thuế công bố tại cuộc họp báo chiều 10-8.

Thứ hai, 32% doanh nghiệp cho biết phải chịu chi phí không chính thức cho cán bộ thuế. Và tỷ trọng theo cơ cấu khu vực doanh nghiệp "chịu" điều này cũng có sự "phân biệt" đáng kể: Trong khi chỉ 19% doanh nghiệp nhà nước phải chi thì có tới 33% doanh nghiệp dân doanh phải chi khoản này và có 41% doanh nghiệp FDI cho biết thực tế tương tự. Cụ thể, chi phí lót tay thường xảy ra trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Đồng thời, hơn 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết bị gặp phiền hà khi làm thủ tục thuế, bao gồm đăng ký thuế, kê khai thuế - hai nhóm thủ tục doanh nghiệp gặp nhiều phiền phức nhất. Thậm chí, không ít cán bộ thuế yêu cầu doanh nghiệp cung cấp giấy tờ... không cần thiết. Đây là những "mặt trái" được nêu ra trong hội thảo đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính thuế do VCCI, Tổng cục Thuế, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và Tổ chức tài chính quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức, sáng 11-8.

2. Trong thời gian qua, nỗ lực cải cách liên quan lĩnh vực thuế đã đạt những kết quả nhất định như tỷ lệ doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế thực hiện khai thuế qua internet tăng lên, số giờ nộp thuế của doanh nghiệp đã giảm theo mục tiêu của Chính phủ... Trước đó, để đẩy nhanh cải cách hành chính lĩnh vực thuế, đã có nhiều văn bản quan trọng được ban hành như Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 18-3-2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ; Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 5-8-2014, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế - hải quan, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Những kết quả đạt được trong cải cách hành chính lĩnh vực thuế thời gian qua đã góp phần thiết thực vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước...

Tuy nhiên, giữa chủ trương và thực hiện, giữa mục tiêu và kết quả thực tế dường như vẫn còn khoảng cách. Có thể ví đây như hai mảng sáng - tối trong lĩnh vực này. Nguyên nhân đã nhiều lần được chỉ rõ: Vấn đề đặt ra trong công tác cải cách lĩnh vực thuế nói riêng, cải cách hành chính nói chung là ở khâu tổ chức thực hiện và can hệ trực tiếp vấn đề con người.

3. Cũng chỉ ít ngày trước, Bộ Công thương phối hợp với Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) công bố cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - EU. Nhiều hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam với đối tác đã và sẽ được thông qua. Theo đó, nhiều vấn đề liên quan đến thuế quan sẽ được dỡ bỏ hoặc giảm thiểu; thủ tục sẽ phải tinh gọn, minh bạch hơn, từng bước đáp ứng chuẩn mực khu vực và thế giới...

Dẫn thêm những thông tin này để khẳng định Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng và chủ động với kinh tế thế giới mà trong đó lĩnh vực thuế có vai trò hết sức quan trọng. Bất cứ tiêu cực nào xảy ra ở lĩnh vực này đều tạo ra những hệ lụy to lớn đối với nền kinh tế. Chính vì thế, cải cách lĩnh vực thuế, bao gồm cải cách thủ tục hành chính, đã được định rõ mục tiêu, lộ trình. Nói cách khác, chúng ta không còn "đường lùi", tức là không thể chấp nhận để tồn tại những "mảng tối" trong lĩnh vực thuế đã đề cập ở trên. Và cũng nói cách khác, những bất cập trong "khâu tổ chức thực hiện", hay "can hệ trực tiếp vấn đề con người" dứt khoát phải loại bỏ.

Bình Nguyên