Hành trình xoa dịu nỗi đau
Trái tim nhân ái - Ngày đăng : 10:40, 11/08/2015
Năm nay, nhân kỷ niệm ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, tháng hành động “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam” và tri ân những người có công với đất nước, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VaVa) đã về với Hà Tĩnh, Quảng Trị, miền đất lửa một thời để chăm sóc và cùng tri ân những người lính trở về sau chiến tranh với những nỗi đau thế hệ mang tên “chất độc da cam/dioxin” (CĐDC) vẫn còn hiển hiện.
GS.BS Bùi Chu Hoành khám bệnh cho cháu Ngô Thị Thùy Trang |
Những ngày đầu tháng 8, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam dẫn đầu đoàn về dải đất miền Trung, nơi ghi dấu một thời bom lửa “gánh hai đầu đất nước”. Nơi đây từng được coi là “cối xay thịt”, là trọng điểm của vùng đế quốc Mỹ rải chất độc hóa học mang tên chất độc da cam, hủy hoại sinh linh từ thực vật đến con người và di chứng của nó vẫn còn đến ngày nay.
Điểm dừng chân đầu tiên là Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân CĐDC ở thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Trung tâm đang tổ chức xông hơi giải độc đợt đầu tiên cho nạn nhân CĐDC và đã nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề cho hơn 200 người. Gặp lại những người lính năm xưa, những cái ôm chặt mừng tủi, gửi trao lời thăm hỏi, sẻ chia, động viên. Những giọt nước mắt buồn tủi, những xúc cảm dâng trào qua từng câu chuyện của quá khứ và hiện tại.
GS.BS Bùi Chu Hoành khám cho Nguyễn Sỹ Thắng ở Hà Tĩnh |
Người lính già gầy yếu, gương mặt khắc khổ - ông Đặng Hữu Ngọc (63 tuổi) dìu con trai Đặng Hữu Kỳ (31 tuổi) thân hình to mà đôi mắt không thấy ánh sáng, đôi tay khèo yếu lần từng bậc thang với bước đi nặng nề ám ảnh những người có mặt chúng tôi.
Trong số 7 người con của ông Ngọc, có 3 người bị nhiễm CĐDC với di chứng nặng nề, hai người đã mất, bốn người còn lại những tưởng lành lặn, ngờ đâu người thì bị ung thư, người mất con. Khi được hỏi về cuộc sống của gia đình, đôi mắt ông đỏ hoe, vội quay đi như để kìm cảm xúc. Ông nói: “Cuộc sống là vậy, phải gắng sức vượt qua, gia đình tôi cũng như bao gia đình khác thôi”. Nghe ông nói, mỗi chúng tôi dường như nhìn thấy được sự kiên cường, vượt lên nỗi đau do chiến tranh là tính cách của con người nơi đây.
Ông Đỗ Đức Tính tặng quà cho cháu Ngô Thị Thùy Trang |
Những phần quà, những tấm lòng được trao gửi trang trọng, ấm áp nghĩa tình cho 20 nạn nhân CĐDC, 200 chiếc xe lăn cho 200 người và 100 triệu đồng hỗ trợ vốn sản xuất cho 10 gia đình khó khăn tại Hà Tĩnh, đoàn tri ân lại tiếp tục tiến về đất lửa một thời - Quảng Trị. Trên hành trình này, chúng tôi được vào viếng anh linh của 10.333 Liệt sĩ đang yên nghĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, 9.500 Liệt sĩ ở Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị.
Thắp những nén tâm nhang lên mộ các anh hùng, ai nấy đều dâng lên những cảm xúc tự hào và lòng biết ơn vô cùng sâu sắc. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh không giấu nổi niềm xúc động bởi kí ức không bao giờ quên lại tràn về. Nơi đây, ông đã cùng đồng đội chiến đấu quyết tử bảo vệ Tổ quốc từ năm 1967 đến 1975. Vang vọng đâu đây vần thơ của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Bá Dương: ”Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ / Dưới sông còn đó bạn tôi nằm”...
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh trao quà cho TNXP Nguyễn Thanh Nghị ở Quảng Trị |
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh chia sẻ: Tôi đã trở lại Quảng Trị nhiều lần trong bốn mươi năm đất nước giải phóng, những kí ức về những năm chiến đấu ở đây không bao giờ có thể phai mờ. Chúng tôi đã được nhân dân Quảng Trị giúp đỡ rất lớn. Nhân dân Quảng Trị rất anh hùng, nhiều cấp lãnh đạo của Quảng Trị đã hi sinh cùng bộ đội, người dân để bảo vệ Thành cổ, điểm chốt tiền tiêu của tuyến lửa. Trong thời bình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng trị đã vượt khó vươn lên phát triển như ngày nay.
Đời sống của nhân dân đã và đang thay đổi từng ngày. Đó cũng là mong muốn của chiến sĩ chúng tôi cũng như thực hiện di chúc của Bác Hồ, xây dựng đất nước ta giàu đẹp hơn, to đẹp hơn. Tuy nhiên, việc vất vả nhất hiện nay là xử lý những hậu quả chiến tranh gây ra, hậu quả nghiêm trọng của CĐDC đối với môi trường và con người, làm cho ba thế hệ người dân Quảng Trị chịu ảnh hưởng lớn. Ngày nay, Quảng Trị còn nhiều khó khăn song khó nhất vẫn là xử lý hậu quả của CĐDC/dioxin, rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Theo tính toán của chúng tôi, phải mất vài chục năm để xử lý.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh trao xe lăn cho chị Lê Thị Xanh |
Tôi mong muốn Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Quảng Trị phấn đấu hơn nữa xây dựng tỉnh của mình ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Góp một phần vào sự khắc phục hậu quả CĐDC của Quảng Trị, Trung ương Hội là đòn bẩy thúc đẩy những hoạt động trợ giúp nạn nhân. Hội đã ủng hộ xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng PHCN và dạy nghề cho nạn nhân CĐDC Quảng Trị với kinh phí 10 tỷ đồng; vận động ủng hộ của các nhà hảo tâm trong nước và quốc tế giúp đỡ cho nạn nhân như khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, giúp cho con cháu nạn nhân được hưởng dịch vụ y tế của Đảng, Nhà nước...
Trung ương Hội trao quà cho nạn nhân |
Hành trình tri ân tiếp tục đến thăm và tặng quà cho 4 gia đình nạn nhân nặng ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong tỉnh Quảng Trị và trở về Trung tâm Nuôi dưỡng, Phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân CĐDC Quảng Trị. Đoàn đã trao 100 suất quà, hỗ trợ vốn sản xuất cho 10 gia đình và tặng xe lăn cho nạn nhân CĐDC. Bên cạnh đó, GS.BS Bùi Chu Hoành, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế Phúc Lâm, thuộc Tập đoàn Y học Phúc Lâm cùng 25 y, bác sĩ của bệnh viện đã khám, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho gần 200 nạn nhân. Xe trang thiết bị chuyên dụng của bệnh viện từ Hà Nội vào phục vụ đầy đủ các xét nghiệm máu, siêu âm, chụp x-quang, cấp, phát thuốc...
Sau khi khám tư vấn sức khỏe, những trường hợp đặc biệt còn được bệnh viện tiếp tục tư vấn, hỗ trợ để điều trị. Ở tuổi 79, GS.BS Hoành gần như không biết mệt khi vượt chặng đường 600km cùng đoàn đến thăm khám cho nạn nhân CĐDC. Ông chia sẻ, được khám sức khỏe cho nạn nhân CĐDC, góp một phần công sức tri ân những người có công với đất nước là niềm vui lớn của ông, còn sức khỏe thì ông còn làm nhiều việc hơn nữa trợ giúp đồng đội. Đồng hành cùng đoàn tri ân còn có lãnh đạo và nhân viên của Công ty TNHH Đào tạo Thương mại Thăng Long. Không chỉ đem đến tiền và 150 phần quà tặng là thực phẩm chức năng trị giá 300 triệu đồng để trao tặng cho những nạn nhân CĐDC, đây còn là cơ hội để hun đúc tinh thần yêu nước, tri ân “vì xã hội” đầy ý nghĩa mà từ khi thành lập (4 năm nay) công ty luôn hướng tới.
Trung ương Hội trao quà cho nạn nhân CĐDC ở Quảng Trị |
Trở về Hà Nội, kết thúc một chuyến đi đầy ý nghĩa, đọng lại trong tôi và những người đồng hành là nụ cười kiên cường trên gương mặt những người lính, in cả những ưu tư trên vầng trán và nếp nhăn đầy vất vả. Mong cho các bác, các cô, các anh chị, những nạn nhân sau cuộc chiến có được sức khỏe và luôn vững ý chí vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Cũng hy vọng ngày càng có nhiều hơn những tấm lòng trong và ngoài nước tiếp tục ủng hộ, động viên để những nỗi đau không còn là niềm day dứt.