Hà Nội: Nhu cầu cấp thiết nguồn lao động có nghề

Đời sống - Ngày đăng : 07:04, 11/08/2015

(HNM) - Định hướng phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội theo hướng công nghiệp, hiện đại đòi hỏi lực lượng lao động có trình độ và đã qua đào tạo. Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, bảo đảm nguồn lao động đáp ứng các yêu cầu đặt ra đang là vấn đề cấp thiết...


Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ - TB -XH), năm 2014 các cơ sở dạy nghề tuyển được 2.023 nghìn người, trong đó lao động có trình độ cao đẳng và trung cấp nghề chiếm 10%, còn lại là trình độ sơ cấp nghề và học nghề dưới 3 tháng. Kết quả khảo sát 867.794 hộ gia đình với 2.129.469 lao động trên địa bàn 20 quận, huyện, thị xã của Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cho thấy, chỉ có 131.185 người có nhu cầu học nghề, số còn lại lựa chọn các nghề lao động tự do, việc làm thời vụ, không đòi hỏi có tay nghề… Điều đó cho thấy, trình độ lao động qua đào tạo chuyên nghiệp đang ở mức rất thấp.

Đào tạo nghề sửa chữa ô tô tại Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Lê Tuấn



Theo đánh giá của nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội, hiện bài toán phát triển bền vững cho công tác dạy nghề - việc làm còn rất nan giải. Nguyên nhân là người dân vẫn mang nặng tư tưởng coi trọng bằng cấp, thích làm thầy hơn làm thợ, chỉ muốn con em mình đi học đại học mà không muốn làm công nhân. Mặt khác, tâm lý chung của người dân là đi học nghề tốn thời gian, phải nghỉ làm, ảnh hưởng đến thu nhập đang có. Thậm chí, có người còn cho rằng không cần thiết phải học nghề cũng có thể làm việc được thông qua học hỏi kinh nghiệm; học nghề ra cũng chưa chắc tìm được việc làm.

TS Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng, để giải quyết vấn đề trên ngoài tuyển sinh thì việc đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo là một yếu tố quan trọng. "Hà Nội có nhiều điểm mạnh đó là người lao động có trình độ đồng đều (hầu hết đã tốt nghiệp THPT), khéo léo và dễ dàng tiếp thu các công nghệ mới, vì thế việc đầu tư nâng cao chất lượng dạy nghề tại các cơ sở là điều cần thiết để thu hút thêm lao động tay nghề cao", TS Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.

Các chuyên gia trong lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm cho hay để công tác đào tạo nghề phát triển cần phải nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người lao động về vị trí, vai trò của đào tạo nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xem công tác đào tạo nghề là giải pháp hiệu quả để thoát nghèo bền vững.

Nhằm hỗ trợ Hà Nội đẩy mạnh công tác dạy nghề, trong những năm qua, Tổng cục Dạy nghề đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc triển khai các dự án hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, đơn cử: Dự án "Tăng cường kỹ năng nghề" thực hiện được gần hai năm đã đầu tư cơ sở vật chất dạy và học; nâng cao trình độ giảng viên; đầu tư chất lượng giáo trình và hiệu quả nhất là việc đưa các doanh nghiệp tiếp xúc và làm việc trực tiếp với các cơ sở dạy nghề… cho nhiều trường cao đẳng nghề trên địa bàn thành phố.

Cư An