Trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm với công cuộc phát triển Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 06:23, 11/08/2015
Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp gửi về Báo. Tựu trung lại, hầu hết ý kiến đều thể hiện tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm cùng những đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm của mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
1. Trước khi công bố toàn văn Dự thảo Báo cáo chính trị trên Báo Hànộimới và các cơ quan thông tin đại chúng khác để lấy ý kiến nhân dân, Thành ủy Hà Nội đã thực hiện quá trình lấy ý kiến, tiếp thu và hoàn chỉnh bản Dự thảo Báo cáo chính trị một cách bài bản, khoa học và cẩn trọng. Trong đó, có hàng nghìn ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được đóng góp tại các đại hội cấp cơ sở và thông qua kênh thu thập là các tổ chức đảng cơ sở, chi bộ, tổ chức đoàn thể nhân dân. Đặc biệt, Thành ủy đã tổ chức 7 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị của các cán bộ lãnh đạo, nguyên cán bộ lãnh đạo thành phố; các nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức đoàn thể thành phố...
Khi công bố công khai lấy ý kiến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, Dự thảo Báo cáo chính trị tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Hàng trăm ý kiến của độc giả gửi tới Báo Hànộimới những ngày qua phần nào cho thấy điều đó. Có ý kiến góp ý toàn diện các nội dung, một số chỉ đề cập một vài nội dung trong Dự thảo, cũng có nhiều ý kiến chỉ là góp ý về một số câu chữ. Ngoài ý kiến của những vị giáo sư, bác sĩ, sĩ quan quân đội, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, cũng có không ít ý kiến của công nhân, nhân viên văn phòng hay những nông dân từ các địa phương trong toàn thành phố. Có ý kiến của những vị cao niên đã ngoài 80 tuổi đời và có cả ý kiến của những em học sinh tuổi 16-17. Có người lần đầu góp ý, cũng có người đã từng góp ý trong các hội nghị do Thành ủy Hà Nội tổ chức, nhưng vẫn muốn đóng góp thêm với những góc nhìn sâu sắc, kỹ càng hơn.
Mỗi ý kiến đề cập một khía cạnh khác nhau, nhưng tất cả có một điểm chung là đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thái độ tâm huyết đối với công việc chung của Thủ đô. Tất cả đều mong muốn rằng, văn kiện có ý nghĩa định hướng con đường đi lên của Thủ đô trong giai đoạn tới sẽ thật sự có giá trị, bao hàm tính thực tiễn, khả thi và sẽ biến những mong ước, kỳ vọng về một Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững trở thành hiện thực.
2. Đa số ý kiến đánh giá cao việc chuẩn bị và quá trình xây dựng Dự thảo Báo cáo chính trị cũng như chất lượng của văn bản này. GS. TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội nhận định: "Dự thảo Báo cáo chính trị đã được chuẩn bị chu đáo, công phu, có sự đổi mới trong cách đặt vấn đề, cấu trúc báo cáo, có tính khái quát cao và toàn diện, đậm nét khoa học; nêu bật được những thắng lợi đã đạt được trong nhiệm kỳ XV và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ XVI.
Kết cấu của báo cáo hợp lý, bố cục chặt chẽ, khoa học, nêu được các vấn đề đúng mức, khách quan". Nhiều ý kiến đề cập sâu đến tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới, đề nghị Đảng bộ thành phố phải có giải pháp hiệu quả khai thác tiềm năng, tận dụng thế mạnh để phát triển. GS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm: "Trong giai đoạn hiện nay, để Hà Nội triển khai thành công chiến lược phát triển nhanh và bền vững, nhất định phải đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu hàng đầu của cả nước về giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu chuyển giao tri thức và ứng dụng công nghệ tiên tiến".
Một vấn đề được các tầng lớp nhân dân Thủ đô đặc biệt quan tâm là xây dựng văn hóa con người cũng nhận được nhiều ý kiến độc giả. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) phân tích: "Ta chưa chỉ ra trúng cái yếu hiện nay trong xây dựng con người có ảnh hưởng tới nhiều phẩm chất hình thành nhân cách, trong đó có giao tiếp, ứng xử, ấy là văn hóa lao động. Công chức, viên chức nhà nước nhiều nơi đã làm đủ 8 giờ/ngày chưa? Ở mỗi vị trí lao động của từng công dân Thủ đô, mỗi người đã thực hiện tốt những nguyên tắc cơ bản như đúng giờ, có trách nhiệm đến cùng với công việc, với chất lượng sản phẩm…?". Bên cạnh đó, những mục tiêu, giải pháp quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, quản lý đất đai, giải quyết ô nhiễm môi trường... được đông đảo độc giả quan tâm đóng góp ý kiến. Đặc biệt, lĩnh vực xây dựng nông thôn mới nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn cả. Độc giả Báo Hànộimới đánh giá cao, có người gửi lời cảm ơn đối với lãnh đạo thành phố đã đem lại diện mạo mới cho nhiều vùng nông thôn, làm thay đổi đời sống của hàng nghìn hộ gia đình nhờ xây dựng và thực hiện Chương trình 02-CTr/TU... của Thành ủy Hà Nội.
Với trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết đối với Thủ đô, cùng với trí tuệ, kinh nghiệm của mình, các ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân Thủ đô gửi tới, Báo Hànộimới đã đăng tải trên các ấn phẩm Báo Hànộimới hằng ngày và Hànộimới điện tử (www.hanoimoi.com.vn). Đồng thời, Báo Hànộimới đã tổng hợp toàn bộ ý kiến góp ý gửi tới Ban Tuyên giáo Thành ủy và Tiểu ban Văn kiện của Thành ủy, góp phần để văn bản quan trọng này thực sự là kết tinh trí tuệ và ý chí của toàn Đảng bộ thành phố và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Chỉ còn không lâu nữa, Thành ủy Hà Nội sẽ hoàn thành công tác chỉ đạo tổ chức Đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, sau đó bước vào giai đoạn chuẩn bị tập trung cho Đại hội XVI Đảng bộ thành phố. Chắc chắn với sự quan tâm, ủng hộ bằng tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, Đại hội XVI Đảng bộ thành phố sẽ thành công tốt đẹp, vạch ra phương hướng giải pháp xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân Thủ đô và cả nước.