Nhớ Trường Sa! (Bài cuối: Những người ở lại)

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:21, 11/08/2015

(HNM) - Hai lần ra Trường Sa là hai lần chúng tôi được dự lễ tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa năm 1988.


Cô Lin 2008 và 2015

Năm 2008, tôi theo tàu HQ 633 đi chúc Tết, đến khu vực đảo Cô Lin ngày 8-1. Sáng 9-1, sau một đêm neo ngoài đảo Cô Lin, cả tàu HQ 633 dậy từ sớm để chuẩn bị cho lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Thủy thủ toàn tàu cùng đoàn công tác cẩn trọng sắp sửa vòng hoa gắn phao nổi cùng hoa quả tươi cùng những nén hương thơm.

Tưởng niệm những liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988, tại khu vực đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma.
Ảnh: Nguyễn Đông


Đúng 7 giờ sáng, Đại tá Đỗ Như Phú, Chủ tịch huyện đảo Trường Sa cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ trên tàu HQ 633 chỉnh tề trong bộ quân phục Hải quân đứng trên boong dọc mạn trái tàu. Thượng tá Nguyễn Văn Thư, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ 146 nghiêm trang đọc lời viếng linh hồn những anh hùng liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại nơi này để bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc. Cách đây tròn 20 năm, trên vùng biển này, cán bộ, chiến sĩ trên các tàu HQ 604, 605, 505 và Trung đoàn 83 Công binh thuộc Đoàn Trường Sa đã anh dũng, quả cảm chống lại sự tấn công trắng trợn, bất ngờ của Hải quân Trung Quốc trong lúc bộ đội ta đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, bất chấp lẽ phải, luật pháp quốc tế và dư luận thế giới.

Vòng hoa tưởng niệm được trân trọng thả xuống. Một hồi còi tàu kéo dài rồi bản nhạc Hồn tử sĩ vang lên giữa không gian mênh mông đến vô cùng của biển. Trên biển cả bao la chỉ có tàu HQ 633, đảo Cô Lin và Gạc Ma ở trong tầm mắt nổi lên như ba điểm mốc. Phảng phất trong gió biển là hương thơm của những nén nhang. Không khí lặng xuống. Bất chợt một đàn cá heo lớn vươn mình trong nước biển xanh thẫm ở mạn trái tàu. Sau buổi lễ, Đại tá Đỗ Như Phú cho biết những chuyến tàu của lực lượng Hải quân Việt Nam, mỗi lần đi qua vùng biển này đều neo lại và thả hoa tưởng niệm những liệt sĩ đã ngã xuống bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong lần ra Trường Sa năm 2015, tôi lại được dự lễ tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở khu vực này. Vẫn không gian ấy, vẫn sự nghiêm cẩn ấy và cảm xúc thậm chí càng khắc sâu trong tâm trí hơn. Thượng tá Bùi Đình Dương, Lữ phó 146, người đọc lời viếng lần này cảm động nói: "Lần nào làm lễ tưởng niệm là lần đó lại thấy máu sôi lên trong huyết quản". Quả thật, ai đã từng đi qua khu vực đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma đều không thể quên được tấm gương anh dũng hy sinh của Thiếu úy Trần Văn Phương trong lúc bảo vệ lá cờ Tổ quốc đang cắm trên đảo Gạc Ma. Thiếu úy Phương bị bắn, trước khi ngã xuống đã hô to "… Hãy để cho máu mình tô thắm cờ Tổ quốc!…". Máu của các anh đã hòa với biển. Xương của các anh đã lẫn với san hô. Linh hồn của các anh mãi mãi gắn bó với vùng biển thiêng liêng mà các anh đã ngã xuống. Buổi lễ khiến những người lính trẻ đến người sĩ quan già; những phóng viên từ thế hệ 9X đến thế thế hệ 6X ý thức rõ hơn về trách nhiệm thiêng liêng của mình với dân tộc, với Tổ quốc.

Những con tàu trực

Hành trình của tàu HQ 936 đưa chúng tôi tới đảo Sinh Tồn Đông, cách đảo Sinh Tồn Lớn không xa về phía Đông và gần đảo Huy Gơ của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1988. Vừa mới đặt chân lên đảo, chưa kịp ổn định nơi ăn chốn nghỉ, Thượng tá Bùi Đình Dương thông báo, nhà báo nào muốn ra tàu trực thì mang đồ dùng gọn nhẹ theo đoàn công tác. Tôi cùng vài đồng nghiệp hăm hở cầm theo máy ảnh. Hai chiếc xuồng rẽ sóng đưa chúng tôi ra tàu HQ 950 đang neo phía ngoài đảo.

Bắt tay cán bộ, chiến sĩ trên tàu trực, tôi nhận ra một người quen từ chuyến ra Trường Sa lần trước. Đó là Đại úy Tống Đức Mạnh, giờ là Thuyền trưởng tàu HQ 950, trước là Thuyền phó tàu HQ 633, con tàu đã đưa tôi ra Trường Sa năm 2008. Những lời từ báo cáo chẳng đọng mấy vào đầu. Lúc này, hình ảnh một thuyền phó ít nói, hay ngồi hút thuốc lá với tôi mỗi lần vào ca trực trong những đêm sóng gió ầm ầm, hay những lần cầm lái điều khiển xuồng đưa chúng tôi vượt mép xanh tránh những cục đá mồ côi để vào đảo chìm lại hiện lên rõ nét. Lạ thật, đã qua từng ấy năm, ấy vậy mà chỉ cần gặp lại, mọi hình ảnh quay về như vừa mới diễn ra hôm qua.

Chúng tôi hỏi thăm về gia đình nhau rồi kể lại những kỷ niệm từ chuyến đi trước. Năm đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa đoàn công tác và nhóm phóng viên ra đảo, tàu HQ 633 ở lại trực trên vùng biển Trường Sa. Năm nay, tàu HQ 950 ở lại trực. Cạnh Sinh Tồn Đông là bãi cạn Huy Gơ, trước đó chỉ nhỏ như cái chòi canh, nhưng giờ đang được Trung Quốc bồi đắp, xây dựng thành một cụm công trình lớn. Đại úy Mạnh chia sẻ, việc trực, việc gác là chuyện thường tình của đời lính nhưng rõ ràng những người trên tàu trực đã phải cố gắng thu xếp việc nhà để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của người lính Hải quân. Còn nhớ khi chúng tôi chào tạm biệt anh em trên tàu HQ 633 để chuyển sang tàu HQ 631 quay về đất liền, anh em cùng rơi nước mắt. Sống với nhau gần một tháng trời giữa biển đảo mênh mông, con người như gắn bó với nhau hơn và cả những lời chúc nữa nhưng lúc chia tay cũng bịn rịn, bùi ngùi.

Thượng úy Đoàn Xuân Đức, Chính trị viên tàu HQ 936 đã nhiều lần đi trực vài ba tháng trên biển nên rất hiểu tâm lý anh em. "Càng đi biển lâu thì sức ép tâm lý càng tăng, nhất là những người mới có con cái, người yêu hoặc gia đình có người ốm đau", Thượng úy Đức nói: Đi tàu trực dù vất vả, gian khó đến mấy nhưng ai cũng khẳng định rằng: Khi ở tàu trực thì nhớ đất liền nhưng khi về đất liền lại nhớ tàu, nhớ biển. Câu nói này rất đúng bởi vì chính tôi dù mới đi Trường Sa hai lần và cả hai lần đều chưa đầy một tháng mà cũng có cảm giác đó.

Thay lời kết

Sáng sớm, trên đảo Đá Lớn, hai người lính ăn mặc giản dị đang cắm cúi quét sân gần cầu cảng. Thấy một người nhắc đến Hoàng Sa và giàn khoan Hải Dương 981, tôi lại gần bắt chuyện. Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Trung Kiên đang được Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Khắc Hùng bàn giao công việc. Thiếu úy Kiên là nhân viên vận hành máy tàu và đã được tăng cường lên tàu KN 765 tham gia đấu tranh thực địa tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Hoàng Sa của ta. Trong hơn 70 ngày ở Hoàng Sa, Tàu KN 765 đã bị đâm vào mạn phải, sập một góc đài chỉ huy... Chỉ mất hai ngày sửa và lấy thực phẩm, KN 765 lại quay ra đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Cho dù đứa con nhỏ thường xuyên ốm đau, gia đình phải thuê trọ ở Đà Nẵng, Nguyễn Trung Kiên vẫn xung phong đi Trường Sa đợt này ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Hoàng Sa. "Ai non gan thì sợ chứ em chỉ biết tập trung hoàn thành nhiệm vụ", Kiên nói chắc nịch. Sự tự tin của những cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ biển trời của Tổ quốc khiến đất liền càng vững tin ở Trường Sa.

Đức Trường