Khó tồn tại vì... chợ tạm!

Đời sống - Ngày đăng : 07:12, 10/08/2015

(HNM) - Vốn là những khu chợ dân sinh phục vụ đời sống của người dân khu vực nhưng với sự phát triển và đổi mới của Thủ đô, những khu chợ này đã được


Nhiều ki ốt đóng quầy, treo biển "bán", "cho thuê"

"Bán hoặc cho thuê lại quầy, LH 0167…", "Bán quầy 0935…",… Đây là những mẩu quảng cáo được ghi trực tiếp hay dán ngay trên các cánh cửa cuốn tại rất nhiều ki ốt trong chợ truyền thống "Chợ Mơ" (quận Hai Bà Trưng) nằm dưới tầng hầm của trung tâm thương mại sau khi được "biến đổi". Thực hiện khảo sát, phóng viên ghi nhận: Có đến 1/4 số ki ốt tại đây đang đóng quầy không kinh doanh, rao bán hoặc cho thuê lại. Tình trạng mua bán "ì xèo", kinh doanh giảm sút, trong khi thiếu những sự hỗ trợ cần thiết đang là nguyên nhân khiến nhiều chủ hàng sau một thời gian kinh doanh đã phải đóng quầy, tìm nơi "lạc nghiệp" mới. Ông Lộc - chủ quầy 501+502 cho biết: "Thời gian gần đây, các quầy hàng đóng cửa, rao bán ngày một nhiều. Điều này không có gì là lạ khi chợ mở cửa cả ngày, từ 7h sáng đến 19h tối, thế nhưng ngày nào cũng chỉ lác đác; người bán còn nhiều hơn người mua". Tìm hiểu, phóng viên được biết, chợ truyền thống "Chợ Mơ" bắt đầu được khai trương và hoạt động trở lại từ tháng 10-2014.

Nhiều ki ốt đóng cửa, treo biển bán (ảnh chụp tại Chợ Mơ).


Theo những người bán hàng, trong 3 tháng đầu sau khai trương, họ được hỗ trợ, không phải đóng tiền thuế kinh doanh và thuê quầy; khách đến chợ được miễn phí gửi xe. Các ki-ốt được lấp đầy hết. Tuy nhiên, qua Tết Âm lịch 2015, tình trạng buôn bán bắt đầu đi xuống. Trong khi kinh doanh ế ẩm, chợ chưa thu hút được khách thì họ bắt đầu phải đóng góp nhiều khoản tiền: tiền thuê đất (250.000 đồng/m2), thuế môn bài, phí vệ sinh, tiền điện chiếu sáng, thông gió… Thế nhưng, điều họ bức xúc ở chỗ: Tiền thì thu đầy đủ song việc cung cấp dịch vụ lại không đầy đủ; điển hình là việc hệ thống thông gió có "vấn đề", công suất và thời gian bật không bảo đảm, nhiều khi rất bí bức, thiếu khí. Nằm ở tầng hầm, lẽ ra việc bảo đảm thông gió, thoáng khí là điều tiên quyết, thế nhưng đúng như phản ánh của những người kinh doanh ở đây, có mặt ở chợ gần một tiếng đồng hồ, phóng viên cũng cảm nhận sự thiếu khí, ngột ngạt, khó thở.

Cảnh đìu hiu, vắng lặng tại chợ truyền thống Trung Hòa.


Khi "chợ tạm" vẫn tồn tại

Tương tự, sau khi "biến đổi", chợ truyền thống Trung Hòa cũng được bố trí tại tầng hầm tòa nhà Eurowindow Multi Complex (số 27, đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy). Được thiết kế và bố trí với tổng cộng 242 gian hàng, cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu thường có tại chợ dân sinh: thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thủy hải sản, hàng khô, giày dép, vải, quần áo, dịch vụ ăn uống… Tuy nhiên, thực tế từ khi đi vào hoạt động (tháng 5-2015), số lượng các gian hàng đang có người kinh doanh chiếm chưa đến 1/3. Sáng 5-8, có mặt tại chợ truyền thống Trung Hòa, phóng viên ghi nhận: ngoài các mặt hàng quần áo, đồ gia dụng, cặp túi và thực phẩm ít hư hỏng trong ngày: gạo, gà, vịt sống…, thì chỉ có duy nhất một hàng rau, không có một quầy thịt nào. Số lượng người khách vào chợ đếm chưa hết 10 đầu ngón tay. Khu chợ vắng lặng. Ngoại trừ điểm bán nước chè chén ở giữa chợ là sôi nổi bởi 5-7 người bán hàng không có khách, ngồi tụ lại đây nước nôi, trò chuyện giết thời gian. Vào hàng nước, nghe giãi bày, phóng viên hiểu được phần nào "nỗi niềm" những người kinh doanh tại đây. Một chủ quầy kinh doanh ở đây cho biết: Chợ lẽ ra phải đông vui, nhộn nhịp nhưng thực tế thì vắng không khác "chùa Bà Đanh". Hàng hóa trong chợ không nhiều, thiếu thốn đủ chủng loại. Giả sử các bà nội trợ có vào đây mua thực phẩm thì mua được rau lại không có hàng thịt, cá… nên lại phải chạy đi chỗ khác để mua. Còn chủ quầy bán đặc sản tôm chua, mắm tép Huế thì chua chát: Tôi ngồi đây có những ngày chẳng bán được đồng nào. Hàng hóa có bán được vẫn chủ yếu là bán qua mạng và khách quen gọi điện thoại. Theo những người bán hàng nơi đây, nhiều chủ quầy sau một thời gian buôn bán không có hiệu quả đã chuyển đến nơi khác. Tình trạng vắng vẻ này tiếp tục diễn ra thì chính họ cũng không biết họ có thể trụ ở đây đến khi nào? Điều thực sự cần nhất đối với họ trong lúc này ngoài việc hỗ trợ, miễn các khoản tiền đóng góp trong thời gian đầu, thì chính là mong muốn chính quyền cần mạnh tay giải tỏa triệt để chợ cóc, chợ tạm đang bao vây ngôi chợ mới này. Được biết, để xây dựng tòa nhà Eurowindow Multi Complex, chính quyền địa phương đã phải di chuyển chợ dân sinh tồn tại từ bao đời nay tại đây sang khu đất trên đường Trung Kính để làm chợ tạm. Tuy nhiên, sau khi được "biến đổi", khu chợ tạm tại phố Trung Kính vẫn chưa được giải tỏa, hoạt động bán mua vẫn diễn ra tấp nập. Trong khi đó, sát tòa nhà Eurowindow Multi Complex, chỉ cách 20 bước chân, ngay tại Ngõ 10 phố Nguyễn Thị Định còn có chợ cóc đang hoạt động. Hàng hóa, rau củ, thịt, cá tươi sống được bày bán dọc hai bên ngõ. Và đây mới thực sự là nơi các bà nội trợ tìm đến. Được biết, thời gian qua, chính quyền địa phương đã nhiều lần ra quân xử lý, cắm chốt, song khi lực lượng chức năng rời đi, tình trạng vi phạm lại tái diễn.

Tin tưởng vào sự phát triển tất yếu của chợ truyền thống xây dựng theo hướng hiện đại, tuy nhiên đấy vẫn là những hy vọng trong tương lai. Điều mà các tiểu thương kinh doanh ở khu chợ truyền thống trong các "cao ốc" mong muốn chính là việc các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp "kích cầu", sắp xếp các ki ốt kinh doanh tại chợ một cách hợp lý, thúc đẩy hoạt động mua bán tại đây; đặc biệt kiên quyết xử lý, giải tỏa các chợ tạm, chợ cóc. Khi có những sự trợ giúp này, chắc chắn những khu chợ truyền thống theo hướng hiện đại như thế này sẽ "sống khỏe", "sống tốt".

Bài, ảnh: Dạ Khánh