Bài 2: Sức sống từ sự chủ động

Văn hóa - Ngày đăng : 07:03, 10/08/2015

(HNM) - Khi đề cập tới con số 5 tỷ đồng vốn trong điều kiện hoạt động của nhà xuất bản (NXB), đã có NXB cho rằng có nhất thiết phải là 5 tỷ không? Nếu chỉ là 2 tỷ đồng, nhưng đơn vị xuất bản vẫn triển khai hiệu quả thì có được khuyến khích không?

(HNM) - Khi đề cập tới con số 5 tỷ đồng vốn trong điều kiện hoạt động của nhà xuất bản (NXB), đã có NXB cho rằng có nhất thiết phải là 5 tỷ không? Nếu chỉ là 2 tỷ đồng, nhưng đơn vị xuất bản vẫn triển khai hiệu quả thì có được khuyến khích không?

Một số đơn vị xuất bản đã chủ động tìm kiếm những sản phẩm chất lượng để xuất bản, tạo được dấu ấn trên thị trường. Ảnh: Bảo Lâm


Hiện tại có 36 NXB không đủ điều kiện về vốn theo quy định là 5 tỷ đồng. Nếu chạy đủ vốn để có giấy phép nhưng kế hoạch xuất bản không tốt, sản phẩm không đạt chất lượng thì vốn ấy cũng không thể bảo đảm lâu dài… Ngay trong quy định của Nghị định 195/2013/NĐ-CP ban hành ngày 21-11-2013 (Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản 2012) cũng ghi rõ cơ quan chủ quản và NXB bảo đảm duy trì mức kinh phí hằng năm ít nhất bằng con số khởi đầu này. Như vậy, vốn chỉ có tính chất ban đầu, đành rằng không có không được theo quy định của luật, song vốn lớn nhất phải là con người, tư duy của người làm xuất bản.

Cũng như vậy khi đề cập tới việc nhiều đơn vị xuất bản đang phải vay vốn ngân hàng để hoạt động thì đại diện một đơn vị làm sách tư nhân thẳng thắn cho rằng: "Phát triển các NXB là vấn đề tư duy, chứ không phải chỉ có vốn. Nhiều NXB có khoản xuất bản sách nhà nước đặt hàng, khoản "bán" giấy phép… đó là khoản không phải quá lớn nhưng cũng không hẳn nhỏ. Nếu nói phải vay vốn thì các đơn vị làm sách tư nhân cũng phải vay vốn ngân hàng, cũng phải chịu lãi suất, chịu rủi ro! Nhưng tại sao họ vẫn đứng vững thậm chí phát triển được?!" Theo chính báo cáo của ngành xuất bản thì trong kế hoạch năm 2015 có 39 NXB đăng ký đề tài cho chương trình sách đặt hàng nhà nước với tổng kinh phí trên 16 tỷ đồng. Con số này chưa phải nhiều nhưng cũng giúp các NXB duy trì hoạt động. Sự duy trì có tính hai mặt, khi nó luôn đặt đơn vị ở một khoảng cách trước khi chạm tới ranh giới của sự đột phá.

Chủ động là phương án hữu hiệu

Có thể thấy ngay trong đời sống xuất bản hiện nay, hiện tượng có nhân lực rời bỏ NXB để thỏa ước nguyện kinh doanh sách, trở thành thương hiệu bắt đầu có dấu ấn trên thị trường. Không ít trí thức thuộc các viện nghiên cứu, các trường đại học… đang làm cộng tác viên, thậm chí là nhân lực chính của các công ty sách tư nhân. Cách thức làm việc, thái độ của lực lượng làm xuất bản tư nhân cũng thể hiện rõ sức sống, tinh thần xông pha trong lĩnh vực họ theo đuổi. Gần như họ luôn có những tác giả hoặc nguồn bản thảo tiềm năng để chăm sóc. Trong khi đó, chỉ có một số ít biên tập viên thuộc các NXB có uy tín là có sự chủ động trong tìm kiếm bản thảo, thâm nhập mạnh mẽ đời sống sáng tác, mạng lưới thông tin truyền thông trong nước và thế giới để tìm kiếm bản thảo.

Có thể điểm ra một số NXB có sự chủ động như: Kim Đồng, Trẻ, Phụ nữ… Mặc dù không phải là không còn khó khăn nhưng hiệu quả từ sự chủ động là rất rõ nét. Các sự kiện tọa đàm, giới thiệu sách hay hội thảo quanh những ồn ào của tác phẩm trong nước, tác phẩm dịch… được một số NXB, thương hiệu sách tư nhân tổ chức đều đặn, kịp thời. Mới đây nhất, sự kiện ra mắt tập thơ của nhà thơ nữ từ nước ngoài về cũng được NXB Phụ nữ tổ chức thành công trên cơ sở có sự đóng góp của cả phía tác giả, NXB. Một biên tập viên trẻ của đơn vị xuất bản tư nhân rủ rỉ rằng, cứ nói văn hóa đọc xuống cấp nhưng sách của đơn vị chị thực hiện vẫn bán tốt.

Nhắc lại câu chuyện "sống còn" đang ồn ào của gần 40 NXB nói riêng, hay hệ thống NXB cả nước nói chung, bên cạnh những chính sách rất cần có để tạo điều kiện cho đơn vị xuất bản vẫn không thể thiếu được sự chủ động của chính lực lượng này. Cần phải tự đặt ra câu hỏi nội lực ở đâu khi trong 6 tháng đầu năm nay, có một số NXB chỉ ra lò được từ 3 đến 10 đầu sách?! 33 trong tổng số 63 NXB vi phạm về nội dung. Bên cạnh đó còn một loạt NXB đăng ký đề tài không đúng với chức năng nhiệm vụ của đơn vị….

Như vậy, phải nói để vực dậy thực thể xuất bản, mà ở đây là đội ngũ mấy chục NXB trong tình trạng bấp bênh thì phải cần nhiều nguồn lực, trong đó vị trí nào thực hiện tốt trách nhiệm vị trí ấy. Dịp đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm 2015 của ngành, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ rõ: Cơ quan chủ quản cần tăng cường nguồn lực cho NXB, bổ sung vốn, trụ sở, trang thiết bị, nhân sự cho NXB trực thuộc, tạo sự chuyển biến tích cực về năng lực, tiềm lực ở các NXB… Cơ quan quản lý ngành làm tốt tham mưu chính sách, nhân sự; cơ quan chủ quản thực hiện đúng trách nhiệm thì bản thân NXB không chủ động cũng không được.

Thời hạn 31-8 cấp đổi giấy phép là việc của luật, mặc dù nó can hệ đến việc tồn tại về mặt hành chính của NXB, nhưng đáng quan tâm hơn là những thời hạn trong chính lực lượng làm xuất bản cả nước. Thời hạn ấy không luật nào chỉ ra nhưng thiết nghĩ thị trường xuất bản, xu thế xuất bản thế giới nói chung và công chúng… sẽ đặt ra và quyết định sự tồn tại của các đơn vị xuất bản. Dự kiến quý IV năm nay sẽ là dịp tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42 CT/TƯ (năm 2004) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản". Cũng mong chờ những bước đi chủ động của người làm xuất bản cả nước ngay trong chính thời điểm khó khăn này để bớt đi những nỗi buồn khi nhìn lại chặng đường đã qua.

Thi Thi