Bao giờ mới bảo đảm an toàn?
Xã hội - Ngày đăng : 06:55, 10/08/2015
Vẫn tồn tại nhiều bất cập
Gần một tháng qua, ba đoàn kiểm tra của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất các bếp ăn tập thể một số KCN trên địa bàn. Qua kiểm tra, các bếp ăn tập thể vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Đơn cử như: Bếp ăn không tuân thủ theo quy trình một chiều, chưa bảo đảm vệ sinh trong sơ chế, đun nấu thực phẩm; quá trình lưu mẫu thức ăn chưa đúng theo quy định, chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thịt gia súc, gia cầm, trứng, rau củ quả...
Ngay tại Công ty điện tử Nobele Việt Nam (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thạch Thất), bếp ăn tập thể của đơn vị được bố trí khép kín theo dây chuyền một chiều. Đơn vị cũng đã xuất trình đầy đủ các yêu cầu thủ tục pháp lý VSATTP bếp ăn tập thể, công nhân được khám sức khỏe, nguồn nước được xét nghiệm định kỳ. Các thức ăn đều được lưu mẫu và có phòng y tế tại doanh nghiệp để giám sát thường xuyên tuân thủ các tiêu chí về VSATTP. Tuy nhiên, tại nơi đựng bát, đũa không có biện pháp ngăn côn trùng ảnh hưởng đến vệ sinh chung, dụng cụ chế biến như thớt, bàn chế biến chưa bảo đảm vệ sinh.
Cần kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể để không xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. |
Nhiệm vụ trọng tâm mà ngành y tế Thủ đô đề ra trong những tháng cuối năm 2015 chính là tập trung kiểm tra giám sát chặt bếp ăn tập thể. Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, thời tiết giao mùa như hiện nay, mưa, nắng thất thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm cho nên các đoàn liên ngành VSATTP từ thành phố đến cơ sở cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể các khu công nghiệp, trường học, thức ăn đường phố, các khu vui chơi, giải trí đông người không để xảy ra NĐTP lớn trên địa bàn. Tới đây, khoảng 200 bếp ăn tại các KCN trên địa bàn thành phố tiếp tục được kiểm tra trong đợt này.
Không chỉ xử lý phần... "ngọn"!
Chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến các vụ NĐTP thời gian gần đây, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngoài yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, qua giám sát thực tế cho thấy, giá trị khẩu phần ăn của công nhân hiện rất thấp, khoảng 10 đến 12.000 đồng/suất. Suất ăn thấp nên nguồn thực phẩm đầu vào khó mà tươi ngon. Trong số các vụ NĐTP tập thể, có tới 70% do mua suất ăn ở nơi khác mang đến. Như vậy, nếu tổ chức chế biến suất ăn tại nhà máy thì tỷ lệ ngộ độc sẽ thấp hơn. "Giải pháp tăng giá trị suất ăn của công nhân lên, để bảo đảm chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, công nhân lại thường không đồng tình, vì khi tăng giá trị suất ăn thì thu nhập của họ lại giảm xuống. Đây là thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động nên cơ quan chức năng không thể can thiệp biện pháp hành chính mà chỉ có thể vận động, tuyên truyền", ông Nguyễn Thanh Phong nói.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, một nguyên nhân quan trọng khác khiến thực trạng NĐTP tại các bếp ăn tập thể KCN/KCX luôn nhức nhối, đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, Ban Quản lý các KCN/KCX, chủ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ăn uống chưa cao. Thậm chí, qua kiểm tra, một công ty có 10 bếp ăn nhưng có tới 8 bếp không được phép hoạt động theo quy định pháp luật. Thế nhưng đến khi xảy ra NĐTP thì đoàn kiểm tra liên ngành tại cơ sở mới phát hiện ra "lỗ hổng" này. Trong khi không ít chính quyền địa phương không nắm rõ hoạt động bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn thì phần lớn chủ doanh nghiệp còn khoán công tác bảo đảm VSATTP cho nhà thầu cung cấp suất ăn cho công nhân. Ngoài ra, nhiều địa phương hiện nay còn quy định việc kiểm tra, thanh tra (trong đó có y tế) đối với doanh nghiệp nằm trong KCN/KCX phải được thông báo trước 7-10 ngày cho ban quản lý và phải được sự chấp thuận của chủ doanh nghiệp. Điều đó dẫn đến việc thanh kiểm tra một số bếp ăn tập thể rất khó thực hiện, nhất là kiểm tra đột xuất…
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện thị trường đã có những nhà cung cấp bảo đảm VSATTP về thịt gia súc, gia cầm sạch, rau sạch. Chỉ cần có quy định bắt buộc và có cơ chế quản lý chặt chẽ hướng các nhà cung ứng suất ăn sẵn cho các bếp ăn tập thể phải tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn cũng đã giảm thiểu được rất nhiều vụ NĐTP. Nếu có xảy ra thì việc truy tìm nguyên nhân cũng sẽ nhanh chóng. Đây là một trong những biện pháp xử lý "gốc" của vấn đề. Còn khi NĐTP đã xảy ra thì mọi việc tiến hành sau đó (như: Truy tìm nguyên nhân, lấy mẫu xét nghiệm, xử phạt, đình chỉ hoạt động…) đều mới chỉ dừng lại việc xử lý ở phần... "ngọn".
Tuy tình trạng NĐTP tại bếp ăn tập thể có xu hướng giảm về số vụ nhưng số người mắc lại tăng và ghi nhận nhiều vụ ngộ độc lớn làm hàng trăm người mắc tại các tỉnh Nghệ An, Trà Vinh, Long An, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh... Từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 656 vụ NĐTP làm hơn 27.000 người mắc, trong đó 184 người tử vong. Riêng bếp ăn tập thể tại các KCN/KCX, 5 năm qua đã xảy ra 84 vụ NĐTP làm hơn 6.000 người phải nhập viện cấp cứu. Như vậy, trung bình mỗi năm có 17 vụ với hơn 1.000 người mắc. Các vụ NĐTP tại bếp ăn tập thể tập trung nhiều nhất tại vùng Đông Nam Bộ với gần 43% số vụ xảy ra. |