Có cũng như không!

Kinh tế - Ngày đăng : 06:06, 10/08/2015

(HNM) - Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1-7, được coi là hai luật tiến bộ, đáp ứng được yêu cầu phát triển của doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế quốc tế.


Tuy nhiên, càng kỳ vọng bao nhiêu, DN càng thất vọng bấy nhiêu, bởi dù đã có hiệu lực, nhưng do thiếu văn bản hướng dẫn nên luật chậm vào cuộc sống, thậm chí có nguy cơ "chết lâm sàng".

Tương tự, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, cũng có hiệu lực từ ngày 1-7, được cho là sẽ khắc phục vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, mở hơn các cơ hội sở hữu, kinh doanh bất động sản tại Việt Nam cho người nước ngoài..., nhưng cũng mới có hướng dẫn tạm thời. Tất nhiên, là tạm thời thì không thể đầy đủ và nội dung cơ bản vẫn là những điểm không thay đổi.


Theo một thống kê chưa đầy đủ, 10 văn bản luật có hiệu lực từ ngày 1-7 nhưng các bộ, ngành nợ tới 54 văn bản hướng dẫn. Về nguyên tắc, nếu không có nghị định, thông tư hướng dẫn thì luật "có cũng như không". Đã vậy, nhiều văn bản dưới luật còn vẽ thêm quy định, sai nội dung, sai thẩm quyền ban hành, sai hiệu lực, căn cứ pháp lý... ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, gây bức xúc dư luận.

Tại diễn đàn Quốc hội, rất nhiều đại biểu đề nghị luật đưa ra trình cần cụ thể, chi tiết, hạn chế những điều có nội dung rộng phải hướng dẫn hay để Chính phủ quy định cụ thể. Cùng với đó, kiện toàn các ban soạn thảo văn bản hướng dẫn, mở rộng đến những thành viên thuộc đoàn thể, tổ chức độc lập không thuộc cơ quan hành chính để có ý kiến đa chiều, hạn chế nội dung chủ quan duy ý chí. Nhưng xem ra, những kỳ vọng này vẫn ở thì... tương lai.

Kính Lúp