Nguồn cung bất động sản vẫn tiếp tục khan hiếm

Bất động sản - Ngày đăng : 07:05, 15/12/2022

(HNM) - Những vướng mắc về pháp lý và nguồn vốn đang kìm hãm sự phát triển của thị trường bất động sản Hà Nội. Nguồn cung, thanh khoản bất động sản sụt giảm; giá nhà ở tăng. Đâu là diễn biến của thị trường bất động sản Hà Nội trong năm 2023? Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường về vấn đề này.

Một góc Khu đô thị Tây Hồ Tây Starlake (quận Tây Hồ). Ảnh: Đỗ Tâm

- Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường bất động sản tại Hà Nội trong năm 2022?

- Thị trường bất động sản Việt Nam nói chung, trong đó có thị trường tại Hà Nội đang trong giai đoạn rất khó khăn. Trong 2-3 năm trở lại đây, các dự án đủ điều kiện xây dựng, mở bán rất ít. Không chỉ ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, trong năm 2022, những bất ổn từ tình hình kinh tế, tài chính toàn cầu ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam nói chung, thị trường bất động sản nói riêng. Ngoài nguyên nhân thiếu nguồn cung, việc tăng giá bất động sản còn đến từ giá đền bù giải phóng mặt bằng, cho thuê đất của Nhà nước bị điều chỉnh, nhiều yếu tố đầu vào tăng giá như: Xăng dầu, vật liệu xây dựng, dịch vụ logistic...

Trong khi đó, việc Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng, điều chỉnh tăng lãi suất dù với mong muốn tạo sự phát triển lành mạnh cho thị trường nhưng về mặt nào đó cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Người dân khó tiếp cận nguồn vốn để mua nhà, chủ đầu tư "đói" vốn phải tạm dừng dự án hay chậm hoàn thành... Về phân khúc bất động sản, thị trường đang rất thiếu các căn hộ có giá trung bình (15-20 triệu đồng/m2); trong khi dư thừa bất động sản có giá trị lớn: Biệt thự, chung cư cao cấp.

Tuy vậy, chúng ta phải ghi nhận Chính phủ đã ứng phó rất quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng. Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt để hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp lý của các dự án bất động sản. Các bộ, ban, ngành tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để các chuyên gia hiến kế, tham mưu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

- Để vực dậy thị trường bất động sản, đâu là giải pháp, thưa ông?

- Khó khăn của thị trường bất động sản Việt Nam nói chung, thị trường bất động sản Hà Nội nói riêng là cộng đồng doanh nghiệp mới vực dậy sau đại dịch Covid-19, tâm lý thị trường bị tác động sau một số vụ vi phạm bị xử lý. Vì vậy, nếu không có giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là thủ tục triển khai dự án... thì trong những năm tới, lượng hàng đủ điều kiện pháp lý đưa ra thị trường sẽ tiếp tục khan hiếm, kéo theo giá bất động sản tiếp tục tăng.

Để tháo gỡ, tôi cho rằng cần có các giải pháp cải thiện tình trạng bất cập hiện nay. Thứ nhất là có cơ chế, hành lang pháp lý để các cán bộ, chuyên viên thẩm định phê duyệt dự án yên tâm thực hiện hoạt động chuyên môn mà không bị tâm lý chờ đợi, nghe ngóng và lo lắng như bây giờ. Hai là, ngân hàng không nên thắt chặt tín dụng cục bộ mà cần xem xét giải ngân cho vay với doanh nghiệp có sản phẩm tốt, đang xây dựng dở dang, các dự án bất động sản gần đủ điều kiện mở bán; thực hiện hỗ trợ bằng cách giãn trả nợ gốc, giãn trả lãi để cứu doanh nghiệp, cũng là cứu các ngân hàng, cứu cả nền kinh tế không bị ảnh hưởng dây chuyền...

- Chính phủ đã có nhiều động thái tích cực để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Ông có nhận định gì về tình hình thị trường bất động sản Hà Nội trong năm 2023?

- Tôi cho rằng sang năm 2023, thị trường bất động sản Hà Nội vẫn còn khó khăn nhưng không vì vậy mà kìm hãm sức mua trên thị trường vì nhu cầu người dân vẫn còn rất lớn. Nguồn cung bất động sản sẽ rất hiếm do các dự án được cấp mới, hoàn thành xây dựng, đủ điều kiện pháp lý, đủ điều kiện mở bán rất ít. Giá bất động sản cũng tăng. Tuy nhiên, thị trường tiềm ẩn nhiều đột phá thông qua công cuộc chống tham nhũng từ Trung ương đến các địa phương, giúp các thủ tục thực hiện nhanh chóng, không nhiêu khê; cũng như kết quả tích cực của việc tháo gỡ từ Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ... Bên cạnh đó là nhu cầu rất lớn và là nhu cầu ở thực của người dân ở những khu vực phải giải phóng mặt bằng, nhường lại đất để thực hiện các dự án...

Tuy nhiên, không nên lo vấn đề thị trường xấu hay không xấu mà quan trọng nhất là các quỹ nhà đang thiếu rất nhiều. Vì vậy, từ năm 2023 cho đến 3-4 năm nữa, các chủ đầu tư cần định vị phân khúc khách hàng có nhu cầu ở thật để phát triển thì chắc chắn làm đến đâu, sẽ bán hết đến đấy.

Về điểm sáng của thị trường, ngoài phân khúc nhà ở giá hợp lý, thì nhà ở tại các khu công nghiệp cho các chuyên gia, công nhân, nhà ở tại khu vực đang phát triển, thành phố vệ tinh cũng sẽ là điểm sáng của thị trường.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Dạ Khánh