“8m²” - Nỗi ám ảnh quá khứ, hiện tại
Văn hóa - Ngày đăng : 07:31, 09/08/2015
Căn hộ trên gác 5 tập thể cũ được dùng làm xưởng sáng tạo của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chật ních những tấm gỗ, ảnh khổ lớn, bìa. Tường nhà kín đặc những tác phẩm đẹp đẽ được chọn cho triển lãm "Nhà mặt phố", "Nhà Tây biến hình" mà anh đã từng thực hiện. Trong căn phòng ấy, nghệ sĩ cùng vài người thợ cắt, ghép, dựng, dán ảnh tỉ mỉ.
Những ngày này, Nguyễn Thế Sơn hối hả chuẩn bị cho một triển lãm mới. Lần này, anh sẽ biến phòng trưng bày ở Viện Goethe thành một dãy nhà trọ 5-6 phòng, mỗi phòng đúng 8m². Có 2 phòng sẽ được mở cửa, người xem có thể hình dung về vật dụng, đời sống của công nhân khu công nghiệp - chủ nhân của căn phòng.
Ấn tượng với Nguyễn Thế Sơn có từ triển lãm "Nhà mặt phố" (2012), "Nhà Tây biến hình" (2013), "Hà Nội - Một bảo tàng sống" (5-2015). Anh sử dụng nhiếp ảnh phù điêu để phản ánh các vấn đề bất cập của xã hội trong quá trình đô thị hóa, mở cửa và hội nhập.
Phù điêu ảnh là gì? Nguyễn Thế Sơn giải thích: "Là làm điêu khắc bằng ảnh. Trước nay, người ta vẫn làm điêu khắc bằng đá, gỗ, kim loại nhưng tôi làm điêu khắc bằng ảnh thật cùng công nghệ laser hiện đại, tạo ra những mô hình nghệ thuật 3D". Triển lãm này, Nguyễn Thế Sơn vẫn sử dụng phương pháp nhiếp ảnh phù điêu, nhưng anh không thu nhỏ mà thực hiện theo kích thước thật, không chỉ chụp ảnh bề ngoài đối tượng mà đưa người xem bước vào không gian nghệ thuật sắp đặt đa chiều.
Đó là một dãy nhà trọ của những công nhân ở khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương - địa phương sớm được quy hoạch phát triển thành khu công nghiệp sau khi nước ta mở cửa. Rất nhiều người dân rời bỏ ruộng đồng lên đây để tìm công việc, mưu cầu cuộc sống mới. Hơn hai mươi năm đã qua, cho đến khi nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đến thực hiện chuyến khảo sát khởi đầu cho triển lãm này vào năm 2013, đa số công nhân vẫn sống trong một không gian chật hẹp với điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn, khắc khổ.
Triển lãm ảnh 8m² |
Nguyễn Thế Sơn được đào tạo cơ bản từ Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tốt nghiệp cao học tại Học viện Mỹ thuật trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc), học qua các môn chuyên sâu như bích họa (1 năm), nghệ thuật thử nghiệm (1 năm) và nhiếp ảnh (3 năm) và hiện đang là giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Thế nên, sắp đặt ảnh "8m²" chắc chắn sẽ làm người xem ngỡ ngàng về tính chân thực của từng chi tiết trong mỗi căn phòng.
Quan trọng hơn là từ triển lãm này, công chúng sẽ hiểu được hướng đi nghệ thuật và ý tưởng mà nghệ sĩ muốn truyền tải. Nguyễn Thế Sơn quan niệm: "Nghệ sĩ hiện đại chỉ sử dụng hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, đồ họa hay bất cứ phương pháp gì để làm phương tiện phản ánh cuộc sống, truyền thông điệp của mình về cuộc sống, khiến người xem suy tư, như thế có nghĩa nghệ thuật đã chạm vào trái tim".
Với "8m²", người xem bình thường sẽ có một trải nghiệm khác lạ, bước vào và tưởng tượng: Trong không gian sống chật hẹp như vậy mà có 2 người, thậm chí 4 người hay nhiều nhất là 8 người sống, sẽ khó khăn, bí bách ra sao? Những người từng trải dễ gặp ở triển lãm này ký ức xưa cũ về cuộc sống đô thị, như tác giả dẫn dắt: "Tôi còn nhớ 8m² là một tiêu chuẩn, một chỉ tiêu tối thiểu về không gian ở của một người trong thời bao cấp, điều mà hầu hết cán bộ nhà nước đã trải qua. Trước đấy nữa, 8m² còn là tiêu chuẩn ở khu phố cổ, mà đến giờ rất nhiều gia đình vẫn quay quắt trong sự chật chội ấy". Hóa ra, câu chuyện về khoảng không gian 8m² không chỉ là hiện tại của những công nhân nghèo, mà còn là nỗi ám ảnh của nhiều thế hệ trong quá khứ.
Tác phẩm sắp đặt này được trưng bày lần đầu trong triển lãm "Hành trình Việt Nam xanh" tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam vào tháng 12-2014, nhưng ít được biết đến. Phiên bản mới sẽ được tác giả mở rộng hơn về chiều dài bề mặt khu trọ và trưng bày thêm một phòng trọ với phong cách khác.