Mối tương tác dựa trên trách nhiệm và sự thấu hiểu
Văn hóa - Ngày đăng : 07:27, 09/08/2015
Ngoài thông tin về những vấn đề nóng của di sản hiện nay, câu chuyện về mối quan hệ tương tác giữa báo chí và di sản cũng được đề cập một cách trực diện.
Di sản - nguồn cảm hứng của báo chí
Đặt ra vấn đề về mối quan hệ giữa di sản và báo chí không chỉ bởi sự quan trọng của hai lĩnh vực này, mà còn bởi sự tác động của mối quan hệ nói trên tới sự phát triển của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. "Chưa khi nào di sản văn hóa được Nhà nước và xã hội quan tâm đặc biệt như hiện nay" - đó là nhận định của PGS Đỗ Văn Trụ (Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới di sản). Di sản văn hóa thực sự là mảng đề tài lớn và nói cách khác như một chuyên gia lĩnh vực này khẳng định thì đó còn là nguồn cảm hứng lớn của các nhà báo.
Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Ảnh: Nhật Nam |
Chưa cần phải nói tới hơn 4.000 di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh hay hơn 60 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di sản được UNESCO vinh danh, hàng nghìn lễ hội..., chỉ một cổng làng rêu phong nơi làng quê ta sống, một giai điệu nơi vùng đất ta đi qua cũng đủ tạo nên cảm hứng về sự bảo tồn, như thể đó là việc giữ gìn ký ức của mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc. Di sản văn hóa là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là một trong những nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không có lẽ gì mà báo chí lại có thể đứng ngoài trong công cuộc bảo tồn, phát huy những giá trị ấy.
Với sự lên tiếng của mình, báo chí đã góp phần ngăn chặn những hành động có nguy cơ hủy hoại di sản. PGS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nêu ví dụ về một loạt tác phẩm báo chí như vậy, trong đó có những bài báo đã giúp ngăn chặn việc đưa các "vật thể lạ" vào di tích. Vai trò, tiếng nói của báo chí đối với việc bảo tồn di sản thậm chí đã đi vào văn học. Như tiểu thuyết "Đèn vàng" của nhà báo Trần Chiến đã tái hiện câu chuyện sống động về sự đấu tranh của báo chí trong việc ngăn chặn xây dựng khách sạn cao tầng ở khu vực Hồ Gươm - Hà Nội, bảo vệ không gian, cảnh quan của di sản vốn rất thân thuộc này. TS Lê Thị Minh Lý, chuyên gia về lĩnh vực di sản phi vật thể cho rằng, báo chí giúp nhân dân nhận diện di sản, đặc biệt là những di sản gần gũi với đời sống, để chính nhân dân, cộng đồng đang thực hành di sản ấy có ý thức bảo vệ những giá trị đã được truyền đời.
Báo chí và nhiệm vụ bảo vệ di sản chỉ là một phần trong công tác truyền thông về các vấn đề văn hóa trong đời sống đương đại. Tuy thế, nhiệm vụ ấy đòi hỏi báo chí nói chung, nhà báo theo dõi lĩnh vực văn hóa nói riêng phải có tầm nhận thức, năng lực tương xứng.
Tinh thần cộng hưởng
Giữ gìn và phát huy giá trị của di sản trong đời sống đương đại luôn đi cùng với những thách thức trong việc bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Bài toán này không dễ đối với người làm công tác bảo tồn di sản, lại càng không dễ đối với người làm công tác truyền thông về di sản văn hóa. Muốn cùng nhau giải quyết phải cần đến sự thấu hiểu giữa hai bên.
Nhiều nhà báo thẳng thắn cho rằng, khi có những việc nóng của lĩnh vực di sản, cần tiếng nói chuyên môn thì nhiều chuyên gia tỏ ý né tránh, cáo bận đi công tác xa hoặc trả lời chưa nắm rõ vấn đề... Vậy, một khi nhà khoa học, nhà nghiên cứu lảng tránh, không lên tiếng thì làm sao có thể nói là đồng hành cùng báo chí? Chia sẻ về câu chuyện này, PGS Đặng Văn Bài đồng tình với việc cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nghề nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin, hợp tác với báo chí khi tuyên truyền về lĩnh vực di sản. Cá nhân ông khẳng định bản thân luôn là người sẵn sàng tiếp, trả lời các nhà báo về vấn đề di sản mà ông nắm rõ. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lý giải có hiện tượng lảng tránh trên là do một số báo "cắt xén" ý tứ, giật tít không đúng bản chất của câu trả lời, quan điểm của chuyên gia. Trong nhiều bài viết cũng thiếu vắng sự dấn thân của nhà báo, khiến vấn đề được phản ánh trở nên hời hợt hoặc sai về bản chất.
Nói về mối quan hệ giữa báo chí và di sản, GS Ngô Đức Thịnh nêu ví dụ về cách tiếp cận, phản ánh các hội làng có tục hiến sinh. Ông cho rằng, cần phải hiểu sâu sắc nguồn gốc các tục lệ, hội làng này để có cách truyền thông đúng mực, không áp đặt, lấy sự tôn trọng làm đầu để thuyết phục cộng đồng. TS Lê Thị Minh Lý nêu những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm di sản, nhưng thiết nghĩ cũng là kinh nghiệm ứng xử của báo chí khi phản ánh lĩnh vực này. Ví như đối với các nghi lễ kín mà cộng đồng thực hành di sản không muốn chia sẻ thì nên tôn trọng, không nên đòi hỏi phải diễn lại để ghi hình, hay công bố. Bên cạnh đó, trong tôn vinh di sản, nên tránh tối đa việc so sánh di sản này với di sản khác...
Các chuyên gia còn cho rằng ta chưa xây dựng được chiến lược truyền thông về di sản văn hóa. Nhiều vấn đề còn ít được truyền thông khai thác, không được quan tâm một cách xứng đáng như di sản văn hóa dân tộc thiểu số, di sản văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, vấn đề phát huy di sản văn hóa trong xây dựng con người Việt Nam...
Tại buổi tọa đàm, giới truyền thông và chuyên gia về di sản, nhà quản lý văn hóa đã gặp nhau ở một điểm quan trọng: Tới đây, giữa báo chí, nhà quản lý văn hóa và chuyên gia về di sản cần có sự phối hợp tốt hơn nhằm tạo nên các diễn đàn trao đổi hai chiều, làm tăng sự thấu hiểu và hiệu quả truyền thông về lĩnh vực này.