Đổi mới mạnh mẽ, bắt kịp xu hướng phát triển
Chính trị - Ngày đăng : 07:15, 09/08/2015
Nhiệm kỳ 2010-2015 vừa qua đánh dấu bước phát triển mới của Báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và công tác của Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng, là tiền đề quan trọng cho nhiệm kỳ mới với những quyết tâm mới.
1. Bên cạnh những công việc thường xuyên, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2010-2015 đã làm được nhiều việc đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên, người làm báo. Hội đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí đề xuất và được Quốc hội chấp thuận giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với báo in từ 25% xuống còn 10%, góp phần giải quyết khó khăn không nhỏ cho hoạt động báo chí. Đặc biệt, Hội Nhà báo Việt Nam đã có cuộc làm việc trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ vào ngày 23-7-2013, nhiều vấn đề băn khoăn, những đề xuất về đường hướng và cơ chế phát triển của Hội và báo chí Việt Nam trong giai đoạn mới đã được giải quyết.
Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc việc xây dựng đề án đào tạo chính trị, nghiệp vụ, công tác hội cho hội viên trong giai đoạn 5 năm; đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong hệ thống bảo tàng quốc gia; đề án nâng cao chất lượng Giải Báo chí quốc gia; đồng ý việc tiếp tục đề án hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao trong giai đoạn sau năm 2016… Ngay sau cuộc làm việc, Trung ương Hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các tỉnh, thành phố hướng dẫn các cấp hội tiếp tục thực hiện Chỉ thị 919-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, triển khai theo Thông báo số 294/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc với lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam.
Các phóng viên VTV tác nghiệp tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. |
Các tỉnh, thành phố đều thống nhất với đề xuất của Hội để tổ chức hội địa phương hoạt động theo Điều lệ của Hội Nhà báo Việt Nam, không xây dựng Điều lệ riêng. Nhờ vậy, Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và hoạt động, nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc; vị thế, vai trò của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định.
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Hội Nhà báo Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực về hoạt động đối ngoại. Hội duy trì hoạt động với các đối tác truyền thống khu vực Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN (Thái Lan, Lào, Campuchia) và đang mở rộng sang các khu vực khác như Mỹ La tinh, Châu Âu. Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, tích cực tham gia các hoạt động của Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ). Tháng 9-2014, Ban lãnh đạo CAJ đã quyết định trao quyền cho Hội Nhà báo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên đoàn lần thứ 18 và đảm nhiệm chức Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ 2015-2017.
Với sự hoạt động tích cực của các cấp hội, 5 năm qua, báo chí Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện. Mặc dù còn nhiều hạn chế cần khắc phục, song báo chí cách mạng Việt Nam đã hoàn thành tốt sứ mệnh của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, chính trị, giữ vững vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Cả nước hiện có 849 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh - truyền hình, 98 báo, tạp chí điện tử, một hãng thông tấn quốc gia. Nếu năm 2009 mới có 31.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí thì đến nay, số này đã tăng lên khoảng 40.000 người, trong đó có 22.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Tỷ lệ người làm báo có trình độ đại học và trên đại học là 95,9%. Có lẽ chưa bao giờ đất nước có nhiều loại hình báo chí với đội ngũ những người cầm bút hùng hậu như hiện nay.
2. Với nhiệm kỳ mới, Hội Nhà báo Việt Nam xác định tiếp tục tập hợp, đoàn kết, động viên toàn thể hội viên, người làm báo đẩy mạnh tuyên truyền sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tập trung đổi mới nội dung, phương thức, hiệu quả hoạt động của các cấp hội, theo kịp yêu cầu phát triển của thời đại, phục vụ tốt nhất lợi ích của đất nước, dân tộc và nhân dân. Đặc biệt, các hoạt động của Hội sẽ quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và lợi ích hợp pháp của hội viên. Tất cả nhằm xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam vững về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, xứng đáng là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.
Hội dự kiến sẽ triển khai thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm, 8 nhóm giải pháp để hoàn thành sứ mệnh trong nhiệm kỳ mới. Đáng chú ý, cùng với việc tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tích cực tham gia xây dựng Luật Báo chí, đặc biệt là thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, coi đây là tiền đề để xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam thực sự là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của toàn thể người làm báo Việt Nam. Hội sẽ triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng báo chí thông qua việc tổ chức tốt Giải Báo chí quốc gia hằng năm, các giải báo chí chuyên ngành… Các cấp Hội tranh thủ sự lãnh đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền để củng cố về mặt tổ chức, nâng cao sức hấp dẫn của tổ chức thông qua những hoạt động thiết thực.
Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: "Xã hội càng phát triển thì báo chí càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống hằng ngày của mỗi quốc gia, dân tộc. Đó vừa là niềm vinh dự lớn, vừa đặt ra những yêu cầu và trách nhiệm nặng nề đối với những người làm báo". Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (nhiệm kỳ 2010-2015) Thuận Hữu khẳng định: Không vượt lên được những thách thức, không tiếp tục đổi mới và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, chúng ta sẽ tiếp tục tụt hậu, lạc điệu không chỉ với báo chí khu vực và thế giới mà ngay với cuộc sống sôi động trong nước.
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Hội Nhà báo Việt Nam đã có thêm 3 liên chi hội, 40 chi hội. Số hội viên tăng thêm trên 5.000 người, đưa tổng số hội viên ở thời điểm hiện tại lên trên 22.000 người sinh hoạt tại 270 tổ chức hội trực thuộc, gồm: 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố (12.188 hội viên); 19 Liên chi hội trực thuộc Trung ương hội (5.135 hội viên) và 185 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội (4.165 hội viên). Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã tiến hành rà soát, chấn chỉnh, xử lý vi phạm, giải thể những đơn vị hoạt động không hiệu quả, xóa tên những tổ chức hội và hội viên vi phạm quy định của Điều lệ Hội. |