Bài 1: Thời hạn 31-8 và câu chuyện cũ
Sách - Ngày đăng : 06:44, 09/08/2015
Thực chất, nhiều NXB đã bấp bênh từ lâu… Tồn tại trên danh nghĩa hay sáp nhập, tạm dừng hoạt động đều không phải là câu chuyện đến cùng của xuất bản…
Vì sao có thời hạn 31-8?
Sở dĩ có thời hạn 31-8 là bởi trong Nghị định 195/2013/NĐ-CP ban hành ngày 21-11-2013 (Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản 2012), tại Điều 25 "Cấp đổi giấy phép trong hoạt động xuất bản và đăng ký phát hành xuất bản phẩm", nêu rõ: "Trong thời hạn 18 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, cơ quan chủ quản NXB phải làm thủ tục đề nghị cấp đổi giấy phép thành lập NXB". 18 tháng tính từ mốc hiệu lực thi hành (1-3-2014) của Nghị định thì hạn cấp đổi giấy phép chính là 31-8-2015.
Căn cứ vào thực tế nhiều năm nay của các NXB và mới nhất là báo cáo 6 tháng đầu năm của ngành, có thể thấy chỉ có 24/63 NXB của cả nước có đủ điều kiện để cấp đổi giấy phép. Nghĩa là sẽ có 39 NXB (chiếm 61,9%) không đủ điều kiện. Điều kiện ấy cũng được quy định chính tại Nghị định 195/2013/NĐ-CP ban hành 21-11-2013, trong đó Điều 8 (Điều kiện thành lập và bảo đảm hoạt động của NXB), có ghi: "Trụ sở NXB có diện tích từ 200m2 sử dụng trở lên; có ít nhất 5 tỷ đồng để bảo đảm hoạt động xuất bản; có đủ trang thiết bị để tổ chức xuất bản…". Những điều kiện này, cùng với mốc cấp đổi giấy phép 31-8 đã "nóng" với các NXB từ hơn một năm qua. Đến nay, khi đứng trước một thời hạn cụ thể, liên quan đến sự tồn tại về mặt hành chính, chuyện đã ồn ào lên như thể rất mới.
Việc quản lý thị trường xuất bản hiện còn gặp nhiều khó khăn. |
Nhìn vào bức tranh chung của lực lượng xuất bản lúc này, có thể thấy rất rõ điều đó. Không phải NXB nào cũng quá quan tâm đến sự việc 31-8. Có đơn vị đang lo chuyển địa điểm làm việc cho anh em để sửa sang, xây mới trụ sở. Họ đủ mạnh để không quan tâm lắm tới việc cấp đổi giấy phép và chỉ tập trung lo chuyện ổn định để tiếp tục kinh doanh. Cũng có NXB trả lời "Nói đủ điều kiện thì cũng phải, mà nói không cũng được", bởi đơn vị được cơ quan chủ quản quan tâm, trụ sở đã có, chỉ có điều cơ chế cấp vốn chưa rõ ràng, kinh phí chủ yếu phải đi vay ngân hàng… Một số NXB thì chả buồn nói thêm nữa bởi dường như "chuyện cũ nói mãi".
Phát triển hay chỉ cần tồn tại?
Có hai luồng ý kiến đặt ra khi có thông tin về việc sáp nhập một số NXB hay việc các NXB không đủ điều kiện được cấp đổi giấy phép. Đại diện một đơn vị xuất bản cho rằng, 63 NXB thì không phải nhiều, vấn đề là tạo nên những cơ chế cụ thể để hệ thống này có điều kiện phát triển. Trong đó, nỗi lòng chung là cần có chính sách ưu đãi cho các NXB về thuế, vốn vay khi các đơn vị này thực hiện các xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác tư tưởng…
Bên cạnh đó, cần đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản nhằm khắc phục tình trạng nhiều đơn vị NXB trực thuộc không có trụ sở độc lập, hoặc phải thuê trụ sở, hay trụ sở không đủ điều kiện... Thêm nữa, nhiều NXB, cơ quan chủ quản cho rằng, luật thì ghi thế nhưng cần có những văn bản liên ngành hướng dẫn cụ thể để cơ quan chủ quản có cơ chế nhận, cấp kinh phí cho NXB. Rồi vấn đề mô hình NXB, nếu là doanh nghiệp thì việc bảo đảm vốn tối thiểu để hoạt động như Nghị định nêu phải thực hiện dưới hình thức nào, cho vay hay cấp vốn?... Đại diện NXB Lao động xã hội cho biết: Nếu có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong thời điểm khó khăn này, có thể tin rằng các NXB sẽ ổn định để đứng vững.
Cũng có luồng ý kiến nêu lên sự chồng chéo hoặc bất cập trong hệ thống xuất bản. Sẽ là rất thiết thực nếu giới hạn 31-8 cho ngành xuất bản một cuộc tổng đánh giá lực lượng để có những điều chỉnh phù hợp, thúc đẩy phát triển. Ví như một loạt NXB địa phương, NXB của trường đại học, của các hội nghề nghiệp đã và đang hoạt động hiệu quả đến đâu? Có những NXB hoạt động trong lĩnh vực hẹp thì nên chăng nhập vào lĩnh vực xuất bản chung sẽ hợp lý hơn.
Mặc dù đã có chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, song đến nay vẫn còn tình trạng hai NXB trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, mà chưa chuyển về trực thuộc UBND tỉnh, thành phố để tương xứng với vai trò, vị trí NXB… Có chuyên gia ngành xuất bản nêu ý kiến: Đặt vấn đề mấy chục NXB có nguy cơ đóng cửa, xóa sổ là cũng chưa thấu đáo. Việc NXB không đủ điều kiện thì có thể chưa được cấp phép, tạm dừng hoạt động, còn việc đóng cửa một NXB hoàn toàn không đơn giản.
Thiết nghĩ, việc tồn tại trên danh nghĩa một đơn vị cũng không phải là điều tốt, ngược lại việc giải thể hay động thái tương tự cũng không phải là mong muốn và giải pháp phát triển. Lâu dài nhất vẫn là bài toán nội lực cho lực lượng xuất bản. Muốn tìm kiếm giải pháp cho nội lực ngành, nhất thiết cần nhìn từ chính thực thể phát triển phong phú và cũng còn nhiều bất cập của xuất bản hôm nay.