Báo chí phải hướng độc giả đến những giá trị nhân văn!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:37, 08/08/2015

(HNM) - Trong chương trình nghị sự, Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, ngoài các vấn đề nghiệp vụ mang tính chất thường xuyên, đại hội tập trung bàn về các giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của Báo chí cách mạng Việt Nam trong tình hình mới; nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn; ngăn chặn và khắc phục những hạn chế, yếu kém của báo chí trong những năm qua. Có thể gói gọn lại là "đạo đức báo chí".

Có lẽ chưa bao giờ mà câu chuyện đạo đức của người làm báo lại được bàn đến nhiều như hiện nay. Điều này cho thấy, bên cạnh những thành quả rất đáng ghi nhận của báo giới nước nhà vẫn có những tồn tại, bất cập đáng lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh của một "thế giới phẳng" về thông tin hiện nay. Truyền hình có cả chục, cả trăm kênh, mở máy tính bất kể lúc nào cũng có thể xem hàng nghìn tin tức, ở khắp nơi. Thế nhưng, trong "mớ" thông tin ấy, có thể lọc được bao nhiêu tin có ích, bao nhiêu tin đáng để đọc? Con số ấy chắc hẳn không nhiều. Trên truyền hình, số kênh ngày càng tăng lên, nhưng có bao nhiêu kênh khiến người xem dừng nhấn tay trên remote? Phim Hàn Quốc, phim Trung Quốc quá nhiều, thông tin tội phạm, tai nạn, những mặt trái của xã hội tràn ngập... Những tình tiết ly kỳ, giật gân được mổ xẻ, phân tích, khiến độc giả xem nhiều, nghe nhiều đến ám ảnh. Trong khi những gương điển hình, tiên tiến lại rất hiếm.

Có người nói, báo chí bây giờ phải theo thị trường, cung cấp tin tức theo "nhu cầu bạn đọc". Thực ra không phải là như vậy. Ở một khía cạnh có thể nói: Bạn đọc bây giờ gần như đang tiếp cận thông tin một cách thụ động. Với nhiều độc giả, báo chí, truyền thông cung cấp gì thì biết vậy, thậm chí trở thành những nạn nhân của nhiều tờ báo. Một số cơ quan báo chí và nhà báo thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng giáo dục tư tưởng, chưa thực hiện tốt tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ. Thông tin trên một số báo, nhất là báo điện tử, trang thông tin điện tử, ấn phẩm phụ còn thiếu chính xác, sa đà vào những chuyện giật gân, câu khách...

Thời gian gần đây, cơ quan quản lý báo chí dường như cũng đã gắt gao hơn, chặt chẽ hơn trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông. Song có lẽ, báo chí nước nhà sẽ chỉ có thể "sạch" hơn khi chính các báo ý thức được trách nhiệm của mình trước công chúng. Đến lúc báo chí phải khẳng định được vai trò đi đầu trong tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, tăng cường quốc phòng an ninh, xây dựng đời sống văn hóa xã hội lành mạnh... Hay nói cách khác, mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí cần phải đặt mục tiêu hướng độc giả đến những giá trị đích thực, giá trị nhân văn, giá trị chân - thiện - mỹ… làm trọng.

Nữ Quỳnh