Thêm thử thách mới với kinh tế EU

Thế giới - Ngày đăng : 06:16, 08/08/2015

(HNM) - Nền kinh tế Liên minh Châu Âu (EU) vừa bị

Theo lý giải của S&P, việc EU cung cấp khoản cứu trợ có rủi ro cao cho các nước thành viên EU không có khả năng thanh toán, mới đây nhất là Hy Lạp, là một lý do khiến cơ quan này tỏ ra bi quan về tốc độ hồi phục của EU. Nói cách khác, S&P cho rằng, thỏa thuận về gói cứu trợ dành cho Hy Lạp đang được các bên đàm phán không phải là một đột phá cho các vấn đề của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Xem ra những nhận định của S&P không phải là vô căn cứ.

Tốc độ sản xuất suy giảm là một nguyên nhân ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế EU.


Sau hơn 5 năm khủng hoảng, Hy Lạp đã được cứu trợ và giảm nợ tới 2 lần mà vẫn không thể xây dựng cơ chế cải tổ một cách hiệu quả nền kinh tế và hệ thống thu chi để tìm lại sức tăng trưởng. Trong khi đó, các ngân hàng lỡ cho Hy Lạp vay tiền thì phải bán lại các khoản nợ bị lỗ cho các định chế tài chính của EU, các thành viên của Eurozone, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Chính tình trạng bi đát của Hy Lạp là lý do khiến IMF tỏ ra lưỡng lự trong quá trình đàm phán về gói cứu trợ thứ ba. Ngay nội bộ các nước EU, vấn đề Hy Lạp cũng trở thành sức ép lớn đối với nhiều chính đảng cầm quyền, điển hình là Đức. Thủ tướng Đức Angela Merkel đang hứng chịu không ít chỉ trích khi tiếp tục tung tiền cứu Hy Lạp trong khi Athens bị coi là một thành phần phá vỡ các nguyên tắc và cản trở nền kinh tế của khu vực. Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin - được cho là đồng minh mạnh nhất của Hy Lạp trong Eurozone cũng cho rằng, lòng tin đã bị Chính phủ Hy Lạp hủy hoại nhiều năm qua, khi họ không thực hiện những cam kết đưa ra.

Tuy nhiên, trong vấn đề Hy Lạp, EU dường như không có nhiều lựa chọn. Cũng có thể ví xứ sở các vị Thần như "đứa con hư" nhưng không thể từ bỏ. Theo quan điểm của cựu Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jacques Delors, cựu Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy và cựu Ủy viên Công lý Châu Âu Antonio Vitorino, phải nhìn nhận vấn đề Hy Lạp theo một quan điểm địa chính trị, như một vấn đề của Châu Âu. Bởi sự ra đi của Hy Lạp sẽ làm rung chuyển tận nền móng Eurozone và toàn bộ EU. Bên cạnh đó, có rất nhiều hệ lụy khác khiến việc loại trừ Hy Lạp (theo tính toán) tốn kém hơn nhiều so với việc nỗ lực tìm ra một giải pháp.

Mới đây, EU đã dự báo tăng trưởng kinh tế của khối lên mức 1,9% trong năm nay nhờ có nhiều yếu tố tác động tích cực tới nền kinh tế khu vực như giá dầu thấp, triển vọng kinh tế toàn cầu ổn định, đồng euro yếu, gói kích thích kinh tế trị giá 1,1 nghìn tỷ euro của ECB và sự nới lỏng các chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, đà phục hồi này vẫn còn rất mong manh. Trước mắt, EU có rất nhiều rủi ro phải đối mặt. Bên cạnh tốc độ sản xuất sụt giảm, một yếu tố có thể ảnh hưởng tới đà phục hồi của EU là tỷ lệ lạm phát yếu. Theo Cơ quan Thống kê Châu Âu, tỷ lệ lạm phát trong tháng 7 của Eurozone đứng yên ở mức 0,2%, cho thấy chương trình kích cầu kinh tế với quy mô chưa từng có của ECB chưa mang lại một cú hích thực sự đối với nền kinh tế của khối sau nhiều năm trì trệ. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone vẫn cao - không đổi ở mức 11,1%.

Trong bối cảnh như vây, "đèo bòng" một gánh nặng như Hy Lạp rất có thể kéo lùi đà tăng trưởng của EU, nhất là trong thời gian tới, đất nước bên bờ Địa Trung Hải còn đứng trước khả năng bầu cử sớm. Những thay đổi chính trị vào thời điểm này có nguy cơ ảnh hưởng tới những kế hoạch cải cách mà Athens đã đề ra, khiến những thỏa thuận mới đạt được về gói cứu trợ lại thêm một lần nữa đi chệch hướng. Và vì thế, nền kinh tế còn đang yếu ớt của Châu Âu lại tiếp tục đứng trước những thử thách mới.

Phương Quỳnh