Bám sát nhu cầu thực tế, không dàn trải

Công nghệ - Ngày đăng : 07:00, 07/08/2015

(HNM) - Đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) tại các địa phương hiện vẫn đang tồn tại sự mất cân đối về cơ cấu nguồn lực, đòi hỏi sự điều chỉnh cấp bách trong chính sách và cơ chế quản lý. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Ngọc Luật - Vụ trưởng Vụ KH&CN địa phương, Bộ KH&CN

.

- Thưa ông, hiện đang có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương trong việc phân bổ kinh phí hoạt động KH&CN. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

- Kinh phí nhà nước dành cho hoạt động KH&CN gồm hai nội dung là chi thường xuyên cho sự nghiệp KH&CN và chi đầu tư phát triển. Trong phần chi sự nghiệp KH&CN, tức là chi cho các đề tài, dự án, có rất ít sự chênh lệch. Trung ương cân đối về bao nhiêu, thường các địa phương giải ngân hết bấy nhiêu.


Ứng dụng KHCN vào ươm trồng giống hoa lan tại Đan Phượng. Ảnh: Bảo Lâm


Sự chênh lệch thể hiện ở phần chi đầu tư phát triển (tức là chi cho các tổ chức KH&CN) như xây phòng thí nghiệm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho KH&CN. Sự chênh lệch này chủ yếu phụ thuộc vào một số yếu tố như nhận thức về đầu tư cho KH&CN của địa phương, công tác chuẩn bị cho các dự án đầu tư. Thường thì công tác này được chuẩn bị khá kỹ và khá tốt, nhưng trong quá trình tập hợp các dự án đầu tư để hình thành danh mục đầu tư xây dựng cơ bản của các tỉnh và thành phố, nếu không bóc tách khoản kinh phí đầu tư cho KH&CN thì các dự án khác có nhu cầu bức thiết hơn, như giáo dục, y tế..., sẽ được ưu tiên trước, và khi đó các dự án KH&CN sẽ bị đẩy lùi về sau. Về mặt nhận thức, ai cũng biết KH&CN là quốc sách hàng đầu, song, trên thực tế, tại các địa phương còn nhiều nội dung công tác mang tính cấp bách, từ khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, xây trường học... Khi đó địa phương cần phải huy động kinh phí chưa dùng đến để xử lý vấn đề nảy sinh và nguồn kinh phí đó thường là kinh phí dành cho KH&CN.

Ngoài ra, Hội đồng nhân dân có quyền quyết định vốn đầu tư phát triển KH&CN. Nếu như Hội đồng nhân dân không đủ thông tin về các dự án KH&CN thì họ sẽ ưu tiên nguồn vốn cho các dự án bức thiết hơn. Đó là những nguyên dân dẫn đến sự chênh lệch trong việc phân bổ kinh phí KH&CN giữa các địa phương.

- Để khắc phục tình trạng này, Bộ KH&CN có những giải pháp gì để các địa phương bảo đảm mức chi cho KH&CN theo đúng Luật KH&CN?

- Bộ KH&CN đã sớm phát hiện ra vấn đề nói trên và qua quá trình làm việc với các đồng chí lãnh đạo UBND, lãnh đạo các tỉnh ủy, chúng tôi đã trao đổi nhiều về điều này. Bộ đã kiến nghị với các cấp có thẩm quyền và trong thực tế, chúng ta đã có chính sách, chế tài giám sát các nguồn vốn đầu tư cho KH&CN. Điều này được thể hiện rất rõ qua Điều 49 của Luật KH&CN. Thứ nhất là Nhà nước bảo đảm chi 2% ngân sách cho hoạt động KH&CN. Việc bố trí ngân sách của Trung ương cho hoạt động KH&CN của các địa phương phải dựa trên cơ sở nhu cầu và khả năng thực hiện của các địa phương, phải xuất phát từ thực tiễn. Như vậy, các địa phương thực hiện tốt, nghiêm túc thì Trung ương tiếp tục cân đối, phân bổ kinh phí đầu tư; ngược lại, nếu địa phương không thực hiện tốt thì Trung ương sẽ đánh giá, xem xét lại.

Thứ hai là Điều 51 của Luật KH&CN giao cho ngành KH&CN dự kiến cơ cấu chi cho dự án, phần mềm, chi cho đầu tư phát triển, phần cứng và chi dự phòng. Nghị định 95/2014/NĐ-CP cũng nêu ra vấn đề là hằng năm, ngành KH&CN tập hợp nhu cầu trên cơ sở giám sát nhu cầu của các địa phương, bộ, ngành, xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách của năm sau để báo cáo lên Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính.

- Để thúc đẩy hoạt động KH&CN, cần phát huy thế mạnh của từng địa phương, đặc biệt là những thế mạnh mang tính đặc thù của từng vùng để có thể đẩy mạnh sản xuất hàng hóa đặc biệt, coi đó là những sản phẩm chủ lực. Ông có thể nói gì về tầm quan trọng của biện pháp này?

- Theo tôi, biện pháp này rất quan trọng bởi trong Luật KH&CN có nêu yêu cầu là các địa phương phải đề xuất nhu cầu. Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh sự nghiệp CNH - HĐH, nguồn ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, chúng ta không thể dàn trải, không thể chi ngân sách đầu tư phát triển KH&CN của từng địa phương cho tất cả các nội dung. Cho nên, Chiến lược phát triển KH&CN của Chính phủ đã yêu cầu các địa phương phải tập trung nguồn lực KH&CN để khai thác lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng, từng địa phương nhằm đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chủ lực, mở rộng quy mô sản xuất, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho tỉnh.

- Xin cảm ơn ông!

Ánh Tuyết