“Nóng” vì biển Đông

Thế giới - Ngày đăng : 06:45, 07/08/2015

(HNM) - Việc Trung Quốc cải tạo bãi đá, xây đảo nhân tạo, xây dựng cơ sở quân sự tại Biển Đông… nhằm mở rộng quyền kiểm soát một vùng biển có tới hơn 80% lượng hàng hóa thương mại của thế giới phải đi qua, đang gây quan ngại cho các quốc gia trong khu vực.

Các Ngoại trưởng ASEAN mong muốn duy trì hòa bình ở Biển Đông.



Tình hình Biển Đông đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 48 (AMM 48) và Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN lần thứ 22 (ARF 22) diễn ra trong các ngày 4 đến 6-8 tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Tuy không phải là chủ đề chính của các hội nghị lần này, nhưng Biển Đông một lần nữa lại làm "nóng" nghị trình của các nhà ngoại giao ASEAN. Điều này là hoàn toàn tự nhiên bởi từ lâu, an ninh và an toàn hàng hải trên vùng biển quan trọng này đã trở thành vấn đề cấp thiết đối với toàn khu vực. Việc bảo đảm hòa bình, ổn định là nền tảng trọng yếu cho tăng trưởng kinh tế của các quốc gia thành viên Hiệp hội cũng như khu vực và thế giới.

Dù trước khi diễn ra AMM 48 và ARF 22, ASEAN và Trung Quốc đã đạt một số kết quả nhất định trong cuộc thảo luận về việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Thế nhưng, quá trình này diễn ra chậm hơn so với những diễn biến phức tạp trên thực tế. Trong khi ASEAN muốn tham gia thương lượng để đẩy nhanh đàm phán COC thì Trung Quốc vẫn khăng khăng luận điểm chỉ muốn giải quyết tranh chấp trên Biển Đông song phương chứ không phải trên diễn đàn đa phương. Giới bình luận quốc tế cho rằng, Bắc Kinh giữ lập trường này nhằm ngăn ASEAN đưa ra một "mặt trận" thống nhất về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên quan điểm kiên quyết về Biển Đông đã được nước chủ nhà của AMM 48 Malaysia thể hiện ngay trong phiên khai mạc. Ngoại trưởng Anifah Aman nhấn mạnh: ASEAN phải "làm nhiều hơn" để giải quyết vấn đề này.

Trước thách thức an ninh ngày một gia tăng, Hội nghị AMM 48 nhấn mạnh tầm quan trọng của giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật biển (1982); thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm hoàn tất COC. Trong cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bên lề AMM 48, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định: Việt Nam hết sức quan ngại trước những hoạt động mở rộng tôn tạo, xây dựng đảo đá, làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông; nhấn mạnh đây là mối quan tâm sâu sắc của ASEAN vì vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Việc xử lý tốt vấn đề Biển Đông sẽ góp phần tăng cường quan hệ ASEAN - Trung Quốc.

Quan ngại này cũng được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đề cập thẳng thắn với người đồng nhiệm Vương Nghị trong cuộc gặp tại Malaysia. Ngoại trưởng John Kerry nhắc lại quan điểm của Washington chỉ trích Trung Quốc cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và nhấn mạnh Mỹ muốn thấy mọi tranh chấp tại Biển Đông được giải quyết hòa bình trên tinh thần luật pháp quốc tế.

Trước sức ép dư luận ngày một gia tăng, tại hội nghị này, Bộ trưởng Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh đã ngưng hoạt động xây dựng trên Biển Đông; đồng thời đưa ra một số "sáng kiến" nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại vùng biển này. Theo đó, các quốc gia tại Biển Đông phải cam kết thực thi DOC một cách toàn diện, hiệu quả và đầy đủ, đẩy nhanh đàm phán về thiết lập COC; không có những hành động gây căng thẳng và phức tạp trong khu vực; cam kết thực thi và bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển và trên không ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, việc Trung Quốc sẽ thực hiện những "sáng kiến" trên như thế nào trong thời gian tới là điều khiến dư luận quan tâm.

Một Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành vào cuối năm nay với hy vọng mang lại cơ hội mới cho hơn 600 triệu dân. Với ba trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, Cộng đồng ASEAN sẽ hiện thực hóa giấc mơ về một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội, có quan hệ rộng mở với bên ngoài, hoạt động theo luật lệ và lấy người dân làm trung tâm. Thế nhưng, những mong muốn trên chỉ có thể trở thành hiện thực khi người dân ASEAN được sống trong hòa bình, ổn định khi mọi thách thức an ninh được giải quyết trên cơ sở hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Đình Hiệp