Không chỉ có "màu hồng"…
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:26, 07/08/2015
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đây là hiệp định mang tính toàn diện nhất từ trước đến nay, đồng thời hiệp định sẽ mở ra cơ hội cho cả hai nền kinh tế. Trong đó, EVFTA sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Châu Âu và đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam như miễn thuế với ít nhất 90% dòng thuế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU… Không ít chuyên gia kinh tế lạc quan cho rằng hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn, kim ngạch sẽ tăng thêm khoảng 16 tỷ USD với đóng góp 0,5% vào GDP và 4-6% vào xuất khẩu hằng năm.
Vấn đề là "ai" sẽ nắm bắt được cơ hội?
Trên thực tế, bất kỳ thỏa thuận thương mại song phương hoặc đa phương nào cũng đều có hai mặt, cả thuận lợi lẫn khó khăn, đối với các bên tham gia. Bởi lẽ, đây là "cuộc chơi" đôi bên (hoặc các bên) cùng có lợi. Một hiệp định thương mại mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp của một nước tham gia thì mặt khác cũng đặt ra những áp lực không nhỏ. Đồng thời, không phải cứ "ký rồi" là đối tác bỏ qua các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Hiện các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu chủ yếu tập trung vào các ngành hàng như điện máy, dệt may, da giày, cà phê, thủy sản. Song năng lực cạnh tranh của các mặt hàng Việt Nam hiện có rất nhiều vấn đề. Lấy ví dụ liên quan các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh, sau khi ký kết FTA, phần lớn mặt hàng nông nghiệp, nổi bật là thủy sản, gạo sẽ được ưu đãi về thuế suất, tuy nhiên để tận dụng được ưu đãi này các doanh nghiệp Việt Nam phải bảo đảm tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như quy tắc xuất xứ của hàng hóa...
Trong khi đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam liên tục bị các nước nhập khẩu, như Mỹ, EU, Nga… cảnh báo vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, phải kiểm tra, khắc phục nguyên nhân. Hai sản phẩm chính thường xuyên bị cảnh báo là tôm và cá tra đông lạnh. Một trong những nguyên nhân là sản phẩm chứa dư lượng hóa chất kháng sinh vượt giới hạn cho phép. Điều đáng nói, những cảnh báo này không mới và thường xuyên lặp đi lặp lại. Về chất lượng sản phẩm, lấy ví dụ là ngành hàng gạo, hiện gạo Việt Nam mới bảo đảm khả năng cạnh tranh về giá còn các yêu cầu của người tiêu dùng tại thị trường nhập khẩu vẫn chưa thực sự đáp ứng được.
Tại họp báo công bố đã kết thúc cơ bản EVFTA, người đứng đầu ngành công thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ những quy định của Hiệp định, qua đó có chiến lược kinh doanh phù hợp, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu. EU là một thị trường lớn, quy mô khoảng 500 triệu người tiêu dùng, đồng thời cũng là thị trường có yêu cầu rất cao, nghiêm ngặt đối với hàng hóa nhập khẩu. Có thể các hàng rào thuế quan đã được gỡ bỏ một cách "hào phóng" (theo một số ý kiến đánh giá) nhưng hàng rào kỹ thuật thì không có chuyện giảm bớt tiêu chí.
Trong "cuộc chơi" đôi bên cùng có lợi, EVFTA được kỳ vọng mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Song tận dụng được những lợi ích EVFTA mang lại hay không lại là chuyện hoàn toàn khác, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Ở chiều ngược lại, với rất nhiều thế mạnh, hẳn đối tác sẽ không thể không tận dụng triệt để cơ hội này.